A+ A A- Kiểu đọc sách

Lần đầu tiên graffity Việt Nam 'kết duyên' cùng graffity Nhật Bản

08:37 07/09/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - “Graffity có thể được nhìn nhận như một bộ phận không thể thiếu của nền mỹ thuật đương đại. Chúng tôi trân trọng điều đó và muốn tạo ra những thay đổi tích cực  trong cách nhìn về loại hình này” - Giám đốc nghệ thuật Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), ông Mizuki Endo chia sẻ với Thể thao & văn hóa

Từ ngày 24/8 đến nay, không gianVCCA tại Khu đô thị Royal City (Nguyễn Trãi, Hà Nội) với 1500m2 đang trở thành nơi để nhóm 3 nghệ sĩ người Nhật Bản phô diễn tài năng graffity trên những bức tường được dựng sẵn. Cuộc triển lãm có tên Nét - Graffity.

Theo đó, các nghệ sĩ sẽ sáng tác trước sự chứng kiến của khách thăm quan, điều mà trước đây họ rất ít khi làm. Nhìn chung, những tác phẩm của các nghệ sĩ đến từ đất nước mặt trời mọc khá trừu tượng nhưng lại đầy màu sắc. Và không dễ nhận ra thông điệp mà nghệ sĩ muốn truyền tải qua tác phẩm là gì.

Chú thích ảnh
Một bức tường tại triển lãm

Cuộc triển lãm này không bán vé, và khách thăm quan có thể đến thưởng lãm quá trình tạo ra tác phẩm. Đặc biệt ngoài các nghệ sĩ Nhật Bản,  trong những ngày tới, công chúng có thể tận thấy tài năng “sơn xịt” của các nghệ sĩ graffity Hà Nội như: Dũng Zunk, Khanh Nguyễn Taurus, Hà Riva, Sand Nguyễn, Dath…khi họ biểu diễn tại đây.

Và, đó có lẽ cũng là sự “kết duyên” đầu tiên của nghệ sĩ 2 nước để cùng nhau tạo ra những tác phẩm tưởng như chỉ có ở ngoài đường phố trong một không gian rất… bảo tàng.

Graffity được ông Mizuki Endo định nghĩa là phương thức giao tiếp của các nghệ sĩ đường phố với xã hội, là cách họ bộc bạch suy nghĩ cũng như khẳng định mình. Và hơn hết, vượt lên trên mục đích cá nhân, graffity là sự phản ánh chân thực tính cách của một xã hội.

Chú thích ảnh
Ông Mizuki Endo

Nghệ thuật đường phố ở mỗi nơi lại có một nét tính cách riêng, kéo theo cả những mặt tốt và xấu. Có một sự ví von khá thú vị được ông Mizuki đưa ra về “bức tranh” chung của Graffity tại Việt Nam: gần như, các bạn trẻ đang “cạnh tranh không gian” với những tấm biển quảng cáo bằng các tác phẩm graffity để tự quảng bá bản thân mình.

Thực tế, graffity là nghệ thuật đường phố. Vì thế khi đưa nó trưng bày trong không gian bảo tàng hay triển lãm hẳn nhiên sẽ có những sự khập khiễng nhất định.

Bản thân ông Mizuki cũng nhận thấy điều đó.“Rõ ràng là chúng ta không thể đưa được mọi thứ vào cuộc triển lãm, trong đó có tính đường phố của graffity" – ông nói – "Nhưng chúng ta vẫn cần có những triển lãm như thế này để truyền tải tiếng nói của các họa sĩ graffity đến với công chúng.

Nghệ sĩ Graffity Nhật Bản 'tung hoành' tại Hà Nội với những bức tranh khổng lồ

Nghệ sĩ Graffity Nhật Bản 'tung hoành' tại Hà Nội với những bức tranh khổng lồ

Các nghệ sĩ graffity vốn quen với việc sáng tác trong thầm lặng và không thích "lộ diện". Chính vì vậy triển lãm Nét - Graffity sẽ là cơ hội hiếm có để công chúng được chứng kiến trọn vẹn sự hình thành của một tác phẩm nghệ thuật đường phố. 

Theo lời ông, khi được tạo điều kiện, những “tác giả” đường phố sẽ không chỉ dừng lại ở việc “quăng bom” lên các bức tường mà bản thân họ có thể trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp thực thụ, có thể sáng tạo bằng nhiều cách khác nhau, nhiều phương tiện và chất liệu khác nhau. "Dù sao chúng ta cũng cần cho các họa sĩ graffity thời gian và cơ hội để chứng tỏ điều đó. Rồi dần dần tôi tin rằng graffity sẽ được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn” – ông Mizuki khẳng định.

Triển lãm Nét - Graffity sẽdiễn ra đến hết 24/9 tại VCCA.Ngoài graffity, đến với triển lãm này công chúng còn được thưởng lãm những tác phẩm xuất sắc của cố họa sĩ Lưu Công Nhân gồm 57 bức từ bộ sưu tập 400 bức của nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng. Đây cũng là cơ hội hiếm để công chúng yêu mỹ thuật có dịp thấy được tài năng hội họa của họa sĩ Lưu Công Nhân.

Hà My
Thể thao & Văn hóa

Từ khóa: graffity mỹ thuật
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...