(Thethaovanhoa.vn) - “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Khăn áo bạc màu dưa/ Nhắc cho người qua thấy/ Lẽ nhân đạo, thiên cơ”. Không nhiều người biết rằng, sau bài thơ Ông đồ nổi tiếng, được đưa vào Thi nhân Việt Nam (Hoài Chân - Hoài Thanh) và trở thành một biểu tượng đầy sự hoài cảm về ánh vàng son dĩ vãng..., nhà thơ Vũ Đình Liên còn viết tiếp Bóng ông đồ hay Ông đồ II với những câu thơ như trên. Từ Ông đồ đến Ông đồ II là một hành trình nhận thức về cái còn, cái mất như một vòng tròn nối tiếp nhau.
Năm 2013 sẽ kỷ niệm 100 năm sinh của Vũ Đình Liên, chúng ta không thể không nhắc đến Ông đồ.
Trong bài thơ có tên Gửi Bùi Xuân Phái tặng danh họa vốn là tri âm, Vũ Đình Liên đã bộc lộ tâm huyết của mình trước cuộc đời: Người bảo tranh anh vẫn sẵn buồn /Như thơ tôi vẫn cứ thương thương/ Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp/ Đốt trái tim trầm gửi gió hương... Vâng! Với ông, chữ nghĩa vốn là lời trái tim trước niềm yêu mến cuộc đời, gửi cuộc đời. Và cả cuộc đời ông đồ ấy đã phụng sự cho chữ nghĩa, làm đúng lòng mình: Đốt trái tim trầm gửi gió hương.
Từ trái qua: Nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu – Vũ Đình Liên – Bùi Xuân Phái |
Ông đồ - một tuyệt tác của ông đồ
Ngay từ thiếu thời, ông đồ trẻ Vũ Đình Liên đã có những vần thơ dịu êm, thân ái, nặng nỗi niềm hoài cổ. Ông từng viết: “Năm 13 tuổi tôi đã làm thơ và bài Hồn xưa đã được một nhà xuất bản tại Hải Dương đưa vào tập Những áng thơ hay”. Hình ảnh ông đồ và bài thơ Ông đồ nổi tiếng của Vũ Đình Liên đã đi vào tâm thức Việt, gợi nhớ đạo thánh hiền cùng chữ nghĩa thi thư...
Cũng bởi thế mà những ngày giáp Tết, đi trên phố phường Hà Nội khi sắc đào, câu đối đỏ bung ra, tôi lại nhớ ông đồ - NGND Vũ Đình Liên. Năm nay tác giả bài thơ Ông đồ tròn 100 năm sinh... Ông đã vào thiên cổ từ gần 20 năm, nhưng tinh thần bài thơ Ông đồ, tư tưởng hoài cổ, lòng lưu luyến với nét đẹp của di sản của ông vẫn còn đó, như muốn gửi một thông điệp muôn đời cho các thế hệ về giữ gìn cốt cách, tâm hồn dân tộc.
Với riêng và chỉ cần một Ông đồ, Vũ Đình Liên đã thành thi nhân bất tử... Nhà phê bình lỗi lạc Hoài Thanh thực đã cảm phục trước tinh thần ấy mà dành cho ông những dòng đầy tài hoa nhưng vô cùng khéo léo khi khen tặng Ông đồ trong cuốn sách Thi nhân Việt Nam: “Có những nhà thơ không bao giờ có thể làm được một câu thơ - tôi muốn nói một câu đáng gọi là thơ. Những người ấy hẳn là những người đáng thương nhất trong thiên hạ. Sao người ta thương hại những kẻ bị tình phụ nuôi một giấc mộng ái ân không thành, mà không ai thương lấy những kẻ mang một mối tình thơ u uất chịu để tan tành giấc mộng quý nhất và lớn nhất ở đời: giấc mộng thơ?
Ông Đồ trong tranh Bùi Xuân Phái |
Hôm nay trong khi viết quyển sách này, một quyển sách họ sẽ xem như một sự mỉa mai đau đớn, thơ Vũ Đình Liên bỗng nhắc tôi nghĩ đến những con người xấu số kia”.
Ông đồ vẫn ngồi đấy Qua đường không ai hay Lá vàng rơi trên giấy Ngoài trời mưa bụi bay |
Xa hơn nỗi niềm hoài cổ, Vũ Đình Liên đã thấy tiếc thương những vàng son quá khứ, những vẻ đẹp trong tinh hoa văn hóa Việt:
Năm nay đào lại nở Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ |
Danh họa Bùi Xuân Phái, sinh thời bởi mê
Ông đồ của bạn mà vẽ bức tranh xé giấy ngay tại nhà nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu. Cảm động trước tấm chân tình của bạn dành cho mình và
Ông đồ, Vũ Đình Liên cầm bút viết vào đấy những dòng thơ ngẫu hứng tuyệt hay:
Tranh ngắm lòng càng rộn ý thơ, Cả hồn quá khứ xót ông đồ. Ba vần thơ đã khơi nguồn nhớ, Mấy mảnh giấy còn chắp cánh mơ. Thanh sắc chưa phai màu lệ cũ Ảnh hình thấm đượm mối thương xưa Hồn người nghiên bút nghìn năm trước Khối hận đến giờ đã nhẹ chưa...
(Ngắm tranh - 1974) |
Đốt trái tim trầm gửi gió hương
Nhà thơ Vũ Đình Liên chơi rất thân với Bùi Xuân Phái và nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu. Hễ ông đồ viết được bài thơ nào thì người đầu tiên phải... nghe thơ của ông lại chính là họa sĩ và nhà nhiếp ảnh.Và hầu như bài thơ nào của Vũ Đình Liên cũng được Bùi Xuân Phái vẽ minh họa.
Họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai danh họa kể: “Giới sưu tập ngày nay cũng lùng tìm kiếm những tập thơ chép tay có bản vẽ minh họa của Bùi Xuân Phái với giá rất cao. Lại lần khác, Bùi Xuân Phái vẽ minh họa cho bài thơ của Vũ Đình Liên. Họa sĩ chọn câu “Đốt trái tim trầm gửi gió hương” trong bài thơ vì ông lấy làm tâm đắc. Bùi Xuân Phái vẽ bức minh họa có trái tim đang bốc lửa. Sau đó có người khách hỏi mua, ông từ chối và nói: Đã mang tinh thần: “Đốt trái tim trầm gửi gió hương” còn muốn đem ra mua bán là sao? Bùi Xuân Phái đã sai tôi cầm bức tranh đó đi gặp Vũ Đình Liên để giao gửi tác phẩm ấy. Sau đó nhà thơ Vũ Đình Liên thích bức minh họa này quá nên đã dùng làm logo, biểu tượng của căn gác Hương Lửa 11 Hàng Bông, nơi các ông thường gặp gỡ và đàm đạo chuyện nghệ thuật...”
Trong bài thơ Gửi Bùi Xuân Phái, Vũ Đình Liên đã bộc lộ tâm huyết trước cuộc đời: Người bảo tranh anh vẫn sẵn buồn/ Như thơ tôi vẫn cứ thương thương/ Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp/ Đốt trái tim trầm gửi gió hương...
Vũ Đình Liên xem một ông đồ viết thư pháp |
Đến Ông đồ II
Bốn chục năm sau, chính ông lại cảm thấy trong cái suy tàn của ngày cũ ấy, một niềm tin vào sự trường tồn của văn hóa. Khi không còn quân xâm lược, khi không còn lệ thuộc văn hóa ngoại bang, thì chính Ông đồ lại đã lạc quan kỳ vọng về có mặt của văn hóa, khi Nhân Nghĩa luôn là chuẩn mực của đời sống tinh thần...
Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bút nghiên và giấy đỏ Ngồi đúng chỗ ngồi xưa Ôi ! Cái nghiệp nghiên bút Tô điểm cho cuộc đời Người chết nghiệp không chết Nợ tiền kiếp luân hồi Trải trăm ngàn dâu bể Giấy mực màu không thay Chữ Nhân và chữ Nghĩa Vẫn những nét thẳng ngay Ông đồ vẫn ngồi đấy Khăn áo bạc màu dưa Nhắc cho người qua thấy Lẽ nhân đạo, thiên cơ ...
(Bóng ông đồ) |
Chính trong bài thơ Bóng ông đồ (còn gọi là Ông đồ II), Vũ Đình Liên đã có phần lạc quan hơn bởi cuộc đời dẫu đổi thay thì giá trị văn hóa, chữ Nhân và chữ Nghĩa vẫn tồn tại.
Bài thơ Ông đồ và bài thơ Bóng ông đồ được viết trong hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau bằng hai tâm thái khác nhau. Ông đồ chính là tiếng khóc cho thời suy vong của nền nếp cũ trước sự xâm lấn của văn hóa phương Tây hồi đấu thế kỷ 20. Thời kỳ Âu hóa đã lấn lướt nếp cũ dân tộc, vốn lấy lễ nghĩa làm trọng, lấy thi thư làm chuẩn mực của giáo dục. Và vào thời ấy, có lẽ chính Vũ Đình Liên đã khóc cho chính ông, một thanh niên có cảm giác đang bị cưỡng bức văn hóa vào thời Tây học, khi nước mất nhà tan, đời nô lệ... “Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Và trong thời kỳ mới, bài thơ Bóng ông đồ như một cách nhìn nhận lại thời thế, khi đất nước có độc lập hòa bình, nhân dân được sống trong chế độ mới... Và ông đồ vẫn cần thiết không chỉ để Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay mà là để Nhắc cho người qua thấy /Lẽ nhân đạo, thiên cơ...
Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ? Hơn 70 năm nay, câu thơ như một câu hỏi lớn xoáy vào lòng người Việt đầy nỗi khắc khoải về thời thế, trước những mai một nếp sống xưa cũ và như một cảnh báo cho di sản dân tộc. Và tác phẩm Ông đồ hay nỗi niềm hoài cổ của Vũ Đình Liên đã góp phần níu kéo lại cho muôn sau, không chỉ là hình bóng những ông đồ trên phố, mà lớn lao hơn, ông muốn níu kéo cho muôn đời chữ Nhân, chữ Nghĩa...
Lại “bày mực tàu giấy đỏ”
Vũ Đình Liên (12/11/1913 - 18/1/1996) đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường để kiếm sống. Năm 1936, ông được biết đến với bài thơ Ông đồ đăng trên báo Tinh Hoa, và sau được đưa vào Thi nhân Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia giảng dạy nhiều năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài thơ ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch thuật. |
Lúc Đại lão Thư pháp Hoảng Khê-Lê Xuân Hòa còn sống trên khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, tôi thường đến hầu chuyện cụ. Cụ Hòa vẫn kể với tôi về mối thâm giao giữa hai người. Sinh thời, ông đồ Vũ Đình Liên vẫn qua lại thăm chơi với cụ Lê Xuân Hòa như một người bạn tâm phúc. Họ hình như có chung những tâm sự về hưng phế thế cuộc, có mối đồng cảm về nghĩa ngữ thi thư...
Vâng! Muôn năm giá trị của chữ nghĩa vẫn là hướng con người đến chân thiện mỹ. Và nét đẹp ông đồ luôn là biểu tượng của sự học, của nhân nghĩa ở đời... Và sáng Xuân nay ta đã lại gặp đâu đây trên phố còn có những ông đồ già, những ông đồ trẻ lại “bày mực tàu giấy đỏ” để cho chữ, tặng chữ... Và trong những ông đồ mới ấy có những hậu duệ của những ông đồ cũ.
Và ai từng qua Văn Miếu-Quốc Tử Giám, sẽ thấy một ông đồ Vũ Đình Kỳ, người cháu nội của ông đồ Vũ Đình Liên cùng những ông đồ trẻ đang miệt mài nối nghiệp thi thư. Ôi ! Cái nghiệp nghiên bút/Tô điểm cho cuộc đời...
Hà Nội Xuân 2013.
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa