A+ A A- Kiểu đọc sách

Kịch thiếu nhi TP.HCM năm nay thiếu vắng?

11:46 14/04/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Mọi năm, cứ bước vào tháng 4 là nhiều sân khấu đã rục rịch dựng kịch thiếu nhi, thế nhưng năm nay có vẻ im ắng, khi mà đến nay mới chỉ có Kịch IDECAF xác nhận sẽ dựng Ngày xửa ngày xưa 29, với vở kịch Bảo tàng quái vật công diễn ngày 20/5.

Năm ngoái, Kịch Hoàng Thái Thanh đầu tư khá bài bản với vở Lọ Lem và hoàng tử, công diễn sớm nhất, ngày 15/5. Dù được báo giới và khán giả ủng hộ lúc đầu, nhưng việc bán vé dài lâu không thật sự khả quan, vì mùa Hè ngắn ngủi, mà gia đình không phải lúc nào cũng có thể đưa con cháu đi xem khi tự thiếu nhi không thể đi xem một mình.

Năm nay Hoàng Thái Thanh không dựng vở thiếu nhi mới, đạo diễn Ái Như nói “muốn dưỡng sức để đi đường dài”, nơi thế mạnh của họ là kịch tâm lý xã hội.  

Từ tai nạn cá nhân, khả năng Kịch Sao Minh Béo dựng vở thiếu nhi năm nay gần như không diễn ra. Kịch 5B đã tạm đóng cửa, Kịch Thế Giới Trẻ, Kịch Lê Hay, Kịch Trịnh Kim Chi, Kịch Bệt… chưa có kế hoạch dàn dựng. Một cơ sở có quy mô lớn là Kịch Hồng Vân cũng chưa quyết định dựng vở gì, dù ý định thì đã có.


Mỗi mùa “Ngày xửa ngày xưa” phục vụ khoảng 40 ngàn lượt khán giả, nhưng họ vẫn khá đơn độc

Ngoài tuổi thọ vở diễn ngắn, do thiếu nhi ít có thời gian đi xem, khan hiếm kịch bản hay do ít tác giả chuyên tâm viết, kịch thiếu nhi còn vô vàn khó khăn khác như sự chi phối của các thói quen sẵn có như ti vi, điện thoại, mạng internet…

Khoảng 20 năm với hơn 50 tác phẩm dành cho thiếu nhi, Kịch IDECAF gần như là đơn vị duy nhất có sự bền bỉ liên tục, một phần nhờ thành công của loạt chương trình Ngày xửa ngày xưa.

Đây là mô hình hiệu quả, mỗi năm bán khoảng 40 ngàn lượt vé, nhưng các sân khấu khác khó noi theo, vì họ thiếu những tên tuổi diễn viên đủ sức “chiêu dụ” thiếu nhi. Đã nhiều sân khấu đầu tư lớn như Ngày xửa ngày xưa, nhưng con số thành công thì gần như không có.

Tuy hiệu quả là vậy, nhưng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF) tâm sự rằng họ khá “đơn thương độc mã”, chẳng có được sự ưu ái hay đồng hành. “Nhiều khi tôi nghĩ chẳng lẽ sân khấu cho thiếu nhi thành phố là chuyện của riêng mình. Nhìn vào Ngày xửa ngày xưa, người ta tưởng chúng tôi hốt bạc, nhưng chung quy vẫn lấy thu bù chi. Chúng tôi làm là vì lương tâm, chứ kiếm lợi nhuận thì sẽ bỏ. Trong khi đó nhiều dự án và ngân sách nói dành cho thiếu nhi, mà có hiệu quả đâu, chỉ cần một phần nhỏ trong số đó đến với tư nhân chúng tôi thì sẽ có nhiều vở hấp dẫn hơn, sức lan tỏa rộng lớn hơn”.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...