(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan kiểm duyệt tại 2 thành phố của người Do Thái ở Israel là Jerusalem và Bnei Brak đã yêu cầu xóa hình ảnh của Jennifer Lawrence khỏi tấm áp phích quảng cáo cho The Hunger Games: Mockingjay Part 2 (Đấu trường sinh tử: Húng Nhại phần 2).
Đối với người ngoài, kết quả kiểm duyệt này nghe có vẻ kỳ lạ vì Lawrence là ngôi sao của loạt phim, và cũng là một trong những cái tên đình đám nhất Hollywood.
Nhưng trên thực tế, vấn đề không phải từ phía nữ diễn viên, mà chỉ đơn giản vì cô là phụ nữ, điều khiến cơ quan kiểm duyệt lo ngại có thể làm dấy lên sự phản đối từ một số nhóm người Do Thái nếu thấy tấm hình được treo nơi công cộng.
Tấm áp phích trước và sau khi bị cắt hình Jennifer Lawrence. Ảnh: Telegraph
Theo báo chí Isarel, những người nhiều khả năng sẽ phản đối tấm áp phích nhất là thành viên của Haredi, một nhóm bảo thủ của Do Thái giáo Chính thống luôn hướng tới sự chối bỏ và loại trừ đối với những gì liên quan tới cuộc sống hiện đại ở trong chừng mực họ có thể.
Vai diễn Katniss trong "Đấu trường sinh tử" mang lại thành công lớn cho Jennifer Lawrence. Ảnh: Telegraph
Trước Lawrence, cũng có nhiều hình ảnh phụ nữ khác, thậm chí cả giày nữ, bị kiểm duyệt và yêu cầu được gỡ bỏ khỏi phương tiện truyền thông công cộng.
Theo một bài viết đăng trên tờ Haaretz tại Israel hồi đầu năm nay, hình ảnh của những nữ ứng cử viên đại diện cho đảng chính trị Likkud của nước này cũng đã bị các quan chức tại Bnei Brak, thành phố hầu như gồm toàn người Haredi, gỡ bỏ trong mùa bầu cử, với lý do rằng, chúng có thể được xem như sự xúc phạm.
Bài báo nói rằng, đối với người Do Thái Haredi, "bất kỳ hình ảnh nào của một người phụ nữ đều có khả năng kích thích tình dục".
Hình ảnh đôi giày nữ bị "chế" lại trong bức ảnh. Ảnh: Telegraph
Năm 2013, một tờ báo của người Haredi là The Hamodia còn chỉnh sửa để xóa hình ... một đôi giày nữ khỏi bức ảnh em bé được dùng trong câu chuyện mới của họ. Một nguồn tin từ tờ báo giải thích rằng "Hamodia cho phép xuất bản những phụ kiện như túi xách nhưng những món đồ nữ tính như quần áo và giày đều bị kiểm duyệt".
Cùng năm đó, Bakheli, một ấn bản khác dành cho người Haredi, đã làm mờ khuôn mặt của nạn nhân nữ trong một bức ảnh miêu tả thảm cảnh của các nạn nhân Do Thái dưới thời phát xít Đức.
Duy An
Theo Telegraph