(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, tài tử nổi tiếng Benedict Cumberbatch đã phải cầu xin hàng nghìn người hâm mộ của anh tắt chế độ quay phim của điện thoại và thưởng thức vở kịch Hamlet bằng chính đôi mắt của mình. Nhưng lời cầu xin có vẻ nhận được không nhiều sự hưởng ứng.
Nam diễn viên đang đóng kịch Hamlet ở London, vở diễn được mong đợi nhất năm nay của sân khấu Anh. Nhưng số lượng người hâm mộ trẻ tuổi hùng hậu đi kèm nỗi ám ảnh công nghệ của họ, chính là thói quen quay phim chụp ảnh mọi sự kiện bản thân có mặt. Và chiếc điện thoại thông minh của họ bỗng dưng trở thành một mối đe dọa thành công của Cumberbatch.
Đến Madonna cũng ý thức kém
Theo Atlantic, Hè năm nay đã diễn ra một cuộc “bài trừ” điện thoại thông minh trên sân khấu kịch ở Anh. Tháng 7, nữ diễn viên Patti LuPone nhảy xuống khỏi sân khấu để tịch thu điện thoại của một khán giả trong vở Shows For Days ở Mỹ, sau khi vở diễn bị gián đoạn 4 lần vì tiếng chuông điện thoại.
Cũng tháng 7, một sinh viên 19 tuổi ở Long Island (Mỹ) cũng vô duyên nhảy lên sân khấu trong vở Hand To God để… cắm sạc điện thoại vào một chiếc ổ cắm, vốn là một phần của bối cảnh.
Hồi tháng 4, Lin-Manuel Miranda, nhà sáng lập nhà hát Hamilton (Mỹ), kể lại rằng một ngôi sao giải trí đã đến xem một vở kịch nổi tiếng của nhà hát này nhưng cắm cúi bấm điện thoại trong suốt hồi thứ hai. Về sau, ngôi sao này được tiết lộ là nữ danh ca Madonna.
Điện thoại thông minh gây không ít phiền toái cho các sân khấu
Mới nhất chính là trường hợp Benedict Cumberbatch đã nêu. Vở Hamlet của nam diễn viên vừa lập kỷ lục bán vé nhanh nhất trong lịch sử sân khấu Anh, và người hâm mộ xếp hàng chờ 17 tiếng để được mua vé xem suất diễn vào ban ngày.
Nhưng đến ngày công diễn, một vấn đề mới nảy sinh. Người hâm mộ Cumberbatch, những người không ngừng đăng thông tin và hình ảnh của anh lên mạng xã hội mỗi ngày, không thể nào đặt điện thoại xuống khi xem kịch kinh điển.
“Tôi có thể nhờ các bạn một việc lớn không?” - nam diễn viên nói với đám đông hâm mộ. “Tất cả những thứ này, máy quay phim, điện thoại… Tôi nhìn thấy ánh sáng đỏ của chúng khi ở trong khán phòng. Nó rất rõ ràng. Tôi thấy một chấm sáng ở hàng thứ ba bên phải, thật khổ sở”.
Màn “cầu xin” này của Cumberbatch cũng được vô số chiếc điện thoại quay phim lại và đăng lên mạng, giúp thông điệp của anh được truyền tải rộng rãi.
Một “bệnh dịch” của thời đại
Chịu đựng những chiếc điện thoại là nhiệm vụ mà ngày nay người đi xem kịch và diễn viên trên sân khấu phải đảm nhận.
Hầu hết các buổi biểu diễn thường phát các thông điệp nhắc nhở tắt chuông và hạn chế sử dụng điện thoại. Nhưng vấn đề của điện thoại hiện đại không chỉ là tiếng chuông nữa.
Dù hoàn toàn im lặng, chúng vẫn gây phiền nhiễu khi ánh sáng của màn hình hắt vào mặt khán giả, hoặc chấm sáng đỏ lúc đang quay phim như Cumberbatch nhắc đến ở trên.
“Đối với tôi, tiếng chuông điện thoại hoặc đèn LED đỏ giống như hành động tước đoạt sức mạnh của màn trình diễn” - Peter Marks, nhà phê bình sân khấu của Washington Post nói.
“Có chúng, khán giả cũng không còn là một cộng đồng gắn kết nữa. Chiếc điện thoại như thể nói rằng: Ta quan trọng hơn vở diễn này, và mặc kệ nếu ngươi không thích ta. Điều đó phá hủy tinh thần của buổi diễn”.
Theo Atlantic, trong khi khán giả trẻ tuổi thường xuyên hí hoáy bấm điện thoại ở nhà hát, thì để chuông điện thoại reo giữa buổi diễn lại là khán giả lớn tuổi. Điều này phản ánh cách sử dụng điện thoại khác nhau giữa các thế hệ, nhưng cũng cho thấy không thế hệ nào “vô can” trong việc để điện thoại “khủng bố” sân khấu kịch như hiện nay.
Quy tắc đã có, vậy là thực tế không đơn giản là phát giác khán giả nào vi phạm để tịch thu điện thoại hay lớn tiếng yêu cầu họ tắt điện thoại. Bởi làm vậy cũng là biện pháp hạ nhục khán giả mà các nhà tổ chức sự kiện văn hóa cực chẳng đã mới phải dùng đến.
Như Cumberbatch, anh phải đứng ra đề nghị lịch sự chứ không phải lớn tiếng chỉ trích, nhưng hiệu quả không biết đến đâu.
Đến nhà hát xem kịch giống như một cách “ăn kiêng văn hóa” đối với khán giả thời hiện đại, và khi họ khước từ ăn kiêng, mà vẫn cúi xuống kiểm tra Facebook giữa một hồi kịch, thì chẳng ai ép được.
Chưa đủ trớ trêu, đến 65% khán giả kịch ở London cho biết họ biết thông tin và quyết định mua vé xem kịch là nhờ… quảng cáo trên Facebook, theo một khảo sát tiến hành hồi năm 2010.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa