(Thethaovanhoa.vn) - Trong suốt 6 ngày, từ 25 đến 30/8, công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm TP.HCM đã được thưởng thức một liên hoan nghệ thuật với các chương trình chất lượng được biểu diễn bởi các nghệ sĩ tài năng trong và ngoài nước.
Nội dung chính của Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa Thu 2015 là biểu diễn các tiết mục ở 2 lĩnh vực âm nhạc và múa.
Điểm nhấn múa đương đại
Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa Thu năm nay, múa đương đại trở thành điểm nhấn với 2 vở diễn tốt: Vọng phu biển (biên đạo: Phúc Hải - Phúc Hùng) và Mái nhà (The Roof; biên đạo: Bùi Ngọc Quân).
Vọng phu biển của 2 anh em biên đạo Phúc Hải - Phúc Hùng là một tác phẩm rất hướng nội khi đi theo chủ đề khá “truyền thống” - sự ra đi và trở về của những người đi biển với cảnh trí cũng rất “truyền thống”. Tuy nhiên, ngôn ngữ múa lại rất hiện đại, được nâng đỡ bằng ánh sáng và và âm nhạc của Arvo Part và Giovanni Sollima.
Mái nhà của Bùi Ngọc Quân, biên đạo múa đã trưởng thành trong các đoàn múa nổi tiếng ở châu Âu và hiện đang làm việc tại công ty múa hàng đầu của Bỉ - C De La B, là một bất ngờ với không chỉ khán giả bình thường mà cả những người đang làm việc trong ngành múa.
Bùi Ngọc Quân bằng tư duy của một diễn viên - biên đạo đang hoạt động khắp châu Âu, nơi múa đương đại phát triển vượt bậc, đã sử dụng tất cả những chất liệu anh có trong đời sống xã hội ở Việt Nam, tận dụng hết những tiềm năng của các diễn viên thể hiện để tạo ra một vở múa đưa khán giả đến tận cùng cảm xúc.
Cảnh trong vở múa đương đại Vọng phu biển. Ảnh: Nguyễn Quân Đạt
Những mái nhà có thể di chuyển trên sân khấu, những đoạn video, những âm thanh quen thuộc trên đài phát thanh hoặc truyền hình, âm nhạc của Pucell, Vivaldi, giọng nói, tiếng cười của diễn viên và cả tiếng hát của một diễn viên người Mông với một bài dân ca Mông… Tất cả được kết hợp với những khoảng lặng, cao trào đủ để đẩy cảm xúc của khán giả lên mức cao nhất, thu hút sự tập trung khiến không một ai còn thời gian để đưa điện thoại lên chụp hình như thường thấy ở các buổi biểu diễn khác.
2 vở múa, mỗi vở một cách đã đồng thời giới thiệu với công chúng của múa một lớp diễn viên trẻ xuất sắc. Đó là Hoàng Yến, Thu Trang, Sùng A Lùng, Phi Điệp, Đức Nhuận, Ngọc Thủy, Tiểu Ly, Thái Bình. Họ không chỉ có kỹ thuật tốt, thể hình và sức khoẻ mà còn tràn đầy niềm say mê. Chính niềm say mê toát ra từ họ đã góp phần rất lớn trong việc “thôi miên” khán giả, kéo khán giả vào hẳn trong không khí của những vở múa này cùng với họ.
Chất lượng, hấp dẫn, nhưng còn chút tiếc nuối
Lần thứ 10 của Giai điệu mùa Thu nói chung và lần thứ hai của Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa Thu, có lẽ năm nay chương trình dài nhất và tập trung nhiều nghệ sĩ nhất, trong đó có những tên tuổi của làng nhạc hàn lâm thế giới.
Ngoài khoảng 100 nghệ sĩ của HSBO - đơn vị tổ chức - còn có 20 nghệ sĩ đến từ Học viện Âm nhạc Quốc Gia VN, 12 nghệ sĩ của dàn kèn Hải quân Hoàng gia Na Uy, 13 nghệ sĩ của nhóm hòa tấu thính phòng cổ điển Fantasmi, các nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài và các nghệ sĩ đến từ Estonia, Ba Lan, Hà Lan, Đài Loan…
Bên cạnh những chương trình biểu diễn theo chủ đề như Đêm nhạc lãng mạn, Baroque Concert, hoà nhạc kèn - gõ cổ điển, đêm nhạc của 3 thiên tài âm nhạc Bach - Beethoven - Brahm, múa đương đại, Giai điệu mùa Thu còn có work shop chụp ảnh múa dành cho các những người thích chụp ảnh, Hòa nhạc tài năng trẻ piano với phần diễn giải dành cho đối tượng khán giả trẻ là những học sinh, sinh viên của TP.HCM…
Tuy nhiên, lượng khán giả đến với Giai điệu mùa Thu còn rất ít ỏi so với tiềm năng về khán giả của nghệ thuật hàn lâm ở TP.HCM.
Có những đêm diễn, như đêm Baroque Concert của nhóm hòa tấu thính phòng tiền cổ điển Fantasmi gồm những nghệ sĩ, chuyên gia âm nhạc tiền cổ điển mới được lựa chọn từ Chương trình âm nhạc tiền cổ điển Đại học Bắc Texas, chỉ 1/3 số ghế của Nhà hát TP.HCM là có khán giả. Ngay đêm khai mạc Liên hoan, lượng khán giả cũng chỉ lấp đầykhoảng 3/4 khán phòng Nhà hát.
Điều đáng tiếc này không đến từ chất lượng các chương trình biểu diễn mà đến từ công tác truyền thông, giới thiệu về Liên hoan này với đông đảo công chúng. Điều này các sự kiện nghệ thuật hàn lâm đơn lẻ đã làm tốt hơn.
Thiết nghĩ, với thâm niên hoạt động 10 năm của Giai điệu mùa Thu, ban tổ chức cần đẩy mạnh việc thông tin tới khán giả, để những chương trình nghệ thuật thú vị này đến được với nhiều khán giả hơn.
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa