Hồi ức 'Cuộc chiến đấu tự nguyện': Ẩn chứa nhiều thông tin về liệt sĩ
(Thethaovanhoa.vn) - NXB Quân đội Nhân dân vừa ấn hành hồi ức Cuộc chiến đấu tự nguyện của đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 4. Đây là cuốn hồi ức thứ hai của đại tá Nguyễn Văn Hồng về dấu chân người lính trong cuộc chiến thống nhất Tổ quốc.
1. Trước đó, đại tá Nguyễn Văn Hồng ấn hành hồi ức Cuộc chiến đấu bắt buộc (NXB Quân đội Nhân dân 2004) viết về những năm tháng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ cũng như bảo vệ biên giới Tây Nam.
Theo đại tá Hồng, 10 năm ông cùng quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất Campuchia là cuộc chiến bắt buộc vừa giúp bạn vừa tự bảo vệ chính mình.
Nhà văn Văn Lê nhận xét: “Điều thú vị là cuốn sách viết ra không phải để “kể công” mà là để rút ra những kinh nghiệm sống và những bài học đắt giá từ thực tiễn chiến đấu. Cuốn sách xuất bản năm 2004 được đông đảo bạn đọc đón nhận. Không lâu sau đó, đại tá Nguyễn Văn Hồng được Đài Truyền hình Việt Nam mời tham gia vào bộ phim thời sự dài 6 tập Biên giới Tây Nam - Cuộc chiến tranh bắt buộc.
Đại tá Nguyễn Văn Hồng
Nhưng với những năm tháng chống Mỹ cứu nước, theo ông là cuộc chiến tự nguyện để giang sơn liền một, Bắc Nam không còn chia cách, đất nước sạch bóng ngoại xâm. Trong hồi ức Cuộc chiến đấu tự nguyện, ông viết về các trận đánh diễn ra trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Đối tượng tác chiến là Mỹ, quân Nam Triều Tiên dưới thời tổng thống Pak Chung Hy và các đơn vị thuộc quân đội Sài Gòn cũ.
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị ông là đánh phá giao thông, cắt tiếp tế của địch. Song, với yêu cầu của chiến trường, mỗi một đơn vị phải đồng thời tác chiến bằng mọi loại hình chiến thuật, đánh thắng mọi đối tượng tác chiến và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Những trận đánh đẫm máu với lính bộ binh và xe tăng Mỹ trong hai mùa khô đỏ lửa, những trận đánh cầu có địch canh giữ, những trận phục kích giao thông tiêu diệt từng đoàn xe địch trên đường 19 là những trận đánh ông được tham gia với vị trí là một tay súng hay cương vị là một người chỉ huy phân đội mà ông đã thể hiện trong các đề mục của cuốn sách là những câu chuyện có thật trong suốt chiều dài cuộc chiến mà ông vẫn còn nhớ và đã được thẩm định qua tài liệu lịch sử của sư đoàn và quân khu cùng nhiều ý kiến của những người trong cuộc.
Bìa cuốn "Cuộc chiến đấu tự nguyện"
2. Đặc biệt, thông qua hồi ức của đại tá Hồng, từ những nguồn tư liệu trong cuốn sách, đã giúp nhiều gia đình liệt sĩ biết được trường hợp hy sinh và nơi chôn cất người thân của họ mà đã 30 - 40 năm mới biết được.
Tác giả cuốn sách muốn làm một nhân chứng sống cho một cuộc chiến đã lùi về quá khứ, góp phần tuyên truyền, giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau về một thời kỳ lịch sử mà tầng lớp cha ông đã trải qua, để có được một đất nước như ngày hôm nay.
Năm 1995, đại tá Nguyễn Văn Hồng “gác súng” chuyển sang cầm bút cũng vì ý nghĩa giáo dục trong các câu chuyện mà ông muốn truyền lại cho thế hệ trẻ. Bởi, ngoài là một người lính, một sĩ quan trên chiến trường, đại tá Hồng có thời gian làm hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân 2. Dù đứng trên bục giảng với những người học trò đồng thời là đồng đội trong thời gian không dài, nhưng đại tá Hồng luôn chú trọng tính giáo dục trong mỗi tác phẩm của ông.
Đại Nguyễn Văn Hồng sinh năm 1945 tại Hà Tĩnh, cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ một chiến sĩ trinh sát rồi trải qua hai cuộc chiến với các trận đánh lớn nhỏ. Chính vì vậy vốn sống trong mỗi trang viết của ông luôn ngồn ngộn.
Nhà văn Văn Lê xúc động cho biết: “Qua những trang sách bụi bặm, nóng hổi, đầy máu và nước mắt của ông, người đọc còn cảm nhận được một cách sâu sắc tình đồng đội, tình quân dân ở những nơi mà đơn vị ông đi qua. Cũng từ nội dung cuốn sách, người xem có thể giải mã được câu hỏi là vì sao, bằng cách nào, trong hoàn cảnh cam go thế, mà người lính vẫn có thể tồn tại, và tồn tại một cách kiêu hãnh, để rồi tiến lên giành được thắng lợi”.
Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa