(Thethaovanhoa.vn) - Từ Tết 2017, du khách ghé thăm hội xuân tại Hoàng Thành Thăng Long có thể sẽ được tặng những lá ấn tạo tác từ chiếc ấn cổ “Sắc mệnh chi bảo” nổi tiếng.
Đây là thông tin được chú ý trong lễ dâng hương tại
Hoàng Thành Thăng Long, diễn ra vào sáng qua 16/2. Theo đó, trong thời gian tới, phía Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội sẽ tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia văn hóa, lịch sử về vấn đề này.
Được giới khảo cổ tìm thấy trong một hố khai quật tại nền điện Kính Thiên vào năm 2012, chiếc ấn gỗ khắc 4 chữ “Sắc mệnh chi bảo” này có niên đại khoảng 700 năm. Theo giới nghiên cứu, nhiều khả năng đây chính là chiếc ấn gỗ nổi tiếng được Đại Việt Sử ký toàn thư nhắc tới. Cụ thể, vào năm 1257, khi rời bỏ Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, vua Trần Thái Tông đã cho khắc chiếc ấn này để sử dụng “tạm”, thay thế cho chiếc ấn truyền thống bị thất lạc.
Chiếc ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo thời Trần đang được lưu giữ tại HTTL
“Cho đến giờ, đây là chiếc ấn cổ nhất trong lịch sử Việt Nam mà chúng ta tìm được” – PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học nhận xét. “Do vậy, việc cung cấp cho du khách những tặng phẩm liên quan tới chiếc ấn này sẽ rất phù hợp với đặc trưng văn hóa của Hoàng thành Thăng Long, miễn là có cách làm phù hợp”.
Được biết, trong sáng 16/2, Trung tâm cũng lần đầu thử nghiệm tổ chức lễ khai ấn tại khu vực điện Kính Thiên. Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động mang tính chất nội bộ, nên phần lớn du khách không được tiếp cận và không có các lá ấn mang về.
“Rút kinh nghiệm từ những phức tạp tại lễ khai ấn đền Trần Nam Định, chúng tôi trước mắt không tổ chức phát ấn năm nay. Mọi thay đổi,nếu có, chỉ được tính tới sau khi Trung tâm lắng nghe dư luận và xin ý kiến các chuyên gia nghiên cứu” – bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng thông tin của Trung tâm cho biết.
“Cá nhân tôi cho rằng việc tặng ấn, nếu có, nên diễn ra một cách tự nhiên và nhẹ nhàng. Nghĩa là, du khách đến thăm Hoàng thành Thăng Long vào đầu năm nên được tặng các dải ấn, giống như khi đi thăm chùa chiền chúng ta vẫn được nhận những chiếc khánh đeo cổ cầu may. Còn lại, việc công đức đóng góp cho Hoàng thành Thăng Long là tùy tâm của mỗi người, chứ không thể đặt vấn đề bán vài chục ngàn một lá ấn để kinh doanh. Làm được như vậy, việc tặng lá ấn đầu năm trở thành một nét đẹp văn hóa phù hợp với bề dày lịch sử Hoàng thành”- PGS Tống Trung Tín chia sẻ.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa