Họa sĩ Văn Dương Thành nhớ Tết Hà Nội
(TT&VH) - Tuy là một người “nay đây, mai đó” nhưng năm nào họa sĩ Văn Dương Thành cũng chuẩn bị đón Tết rất chu đáo và truyền thống. Năm nay, điều đặc biệt là, bà đón Tết bằng cuộc triển lãm Tết Nhâm Thìn và Trống Đồng (đang diễn ra tại Đông Sơn Salon, số 1 Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, HN).
Họa sĩ Văn Dương Thành đã chia sẻ với TT&VH về những “dấu ấn” không thể nào quên khi đón Tết ở Hà Nội.
Tết xưa
Một trong những cái Tết khiến tôi nhớ là ở hồ Gươm đêm giao thừa năm tôi 4 tuổi, được ba dắt đi dạo quanh hồ Gươm, nhìn ngắm người người qua lại đông như mắc cửi, rồi đi hái lộc ở đền Ngọc Sơn, xem bắn pháo hoa. Khi ba dắt tôi đi trên cầu Thê Húc, tôi đã ríu chân lại không chịu đi vì nhìn xuống khe ván lát cầu, tôi thấy mặt nước sóng sánh, tôi sợ là chân bé bị lọt vào khe và sẽ rơi tõm xuống nước. Dù ba giải thích là khe hở giữa ván cầu nhỏ hơn chân bé, nên cứ bước đi đừng sợ nhưng tôi òa khóc và đòi bế, tay thì vẫn cầm cành lộc nhỏ xíu. Lúc đó, hồ Gươm với tôi rộng lớn lắm. Nhìn xa, nhà cửa thấp, đường thưa vắng nên càng thấy hồ rộng mênh mông.
Sau này, Tết xa ba, thiếu thốn lắm nhưng má vẫn cố gắng lo đủ cái Tết cho chúng tôi. Đặc biệt, má còn dạy chúng tôi cách làm bánh mứt. Cho đến tận bây giờ, đây là món truyền thống của gia đình luôn xuất hiện vào mỗi dịp Tết. Các loại củ quả bình dị như cà rốt, khoai lang, quả bí, cà chua, củ gừng... được má cắt tỉa rất đẹp thành những bông hoa ngọc lan trắng muốt, quả hồng, quả ớt, hoa hồng, hình chú thỏ ngọc, con rồng, con chó, con mèo... thật công phu và đẹp sống động như thật vậy. Sau đó, tất cả được cho vào nước đường đã được đun. Khi đường khô và bớt nóng, chúng tôi phụ má vớt lên và dùng ngón tay khéo nặn gọt định hình. Những cuống lá xanh thì được nhuộm bằng màu xanh lá dứa, vàng hoa hòe, ăn càng thơm ngon. Khi bày mứt lên đĩa mời khách, lúc đầu không ai muốn ăn vì nhìn chúng đẹp quá, ai cũng xin đem về nhà. Giờ đây, dù chúng tôi đã lớn, người là kỹ sư, bác sĩ hay họa sĩ nhưng ai cũng theo lời má dạy, cắt tỉa bánh mứt hoa quả mới đón Xuân về.
Không chỉ là mứt Tết, nhà tôi cũng nấu bánh chưng. Chuẩn bị nấu bánh chưng cũng rất cầu kì vì phải có đủ nguyên liệu như lá dong, lá chuối, lạt, nếp, đỗ xanh, thịt heo đều chọn rất cầu kì để bánh ngon. Cả nhà trải chiếu ra ngồi gói bánh. Trẻ nhỏ thì tự học gói bánh chưng Muội – bánh bé tí, tự gói lấy, xộc xệch, đủ là nếp, đỗ và thịt. Khi thức canh lửa và đổ thêm nước vào nồi bánh luộc, mọi người lại rôm rả kể những câu chuyện xưa của gia đình. Bánh bé chín nhanh, vớt lên thơm phức và bọn trẻ nhà tôi háo hức ăn ngay. Bánh ngày ấy, luộc xong nén nặng rất kỹ bằng bộ ván gỗ, hình dáng vuông sắc cạnh, để được rất lâu. Khi dùng sợi lạt tre cắt bánh trông rất đẹp, bánh có màu xanh cốm mới, nếp bên trong trắng nõn nà, đỗ vàng óng và thịt heo như trong vắt, mùi bánh mới thơm lừng cả nhà.
Tết nay
Bây giờ, đã có nhiều thay đổi so với Tết xưa. Tùy ý thích và điều kiện thời gian của mỗi người mà làm Tết. Người ta sắm Tết đơn giản hơn, bánh chưng có thể đặt gói hoặc mua sẵn, có thể không ngon nhưng nhàn hạ. Gia đình gặp nhau trò chuyện nhiều hơn là trước kia, dùng hết mấy ngày Tết để lo nấu nướng cỗ bàn và làm bánh mứt. Phong tục thì mỗi nhà vẫn giữ nguyên, nhất là tục lệ thờ cúng tổ tiên và đi lễ chùa. Song quả thật, “thời gian là vàng” của hôm nay đã khiến cho nhiều tục xưa mai một hoặc giảm bớt.
Còn tôi sống rất đơn giản, làm Tết là để cho gia đình và bạn bè. Khi đón Tết ở Việt Nam, tôi thường trang hoàng nhà cửa, sân vườn với những cây hoa ngày Tết như đào, quất, cúc, mai. Mỗi khi Tết đến, những thứ không thể thiếu trong gia đình tôi là món mứt Tết gia truyền của má, bánh chưng, gà luộc, đèn nến cúng tổ tiên, ba má.
Năm nào cũng vậy, tôi và bạn bè đi thăm vãn cảnh chùa, đi chúc Tết bà Bùi Xuân Phái, mừng tuổi, trồng cây và đặc biệt dù ở đâu tôi cũng có một thói quen không thể bỏ, đó là khai bút đầu Xuân để nhớ ơn ba má, cũng là để được sáng tạo ngay giờ phút giao thoa giữa năm mới và năm cũ. Những bức tranh ra đời trong khoảnh khắc này luôn được vẽ về Tết, phong cảnh Tết hoặc tĩnh vật Tết, người đi du Xuân sắm Tết. Với mong muốn được sáng tạo dồi dào và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người thưởng tranh nên những bức tranh này luôn thể hiện sự ấm áp, huyền bí và tràn ngập niềm vui.
Nhiều tranh khai bút ở Thụy Điển, khi bên ngoài cửa sổ là tuyết trắng rơi dày đặc trên những cành cây thông, bên trong nhà là đĩa ngũ quả, đèn hương, bánh chưng – cảm giác như đang ở quê nhà vậy. Và đó cũng là không gian tôi cho ra đời những bức tranh đêm giao thừa, quà ngày Tết, chợ hoa. Các tác phẩm này khi được triển lãm tại tòa thị chính, gallery ở Pháp, Ý, Thụy Điển đã đem lại cho người xem sự hào hứng và muốn biết thêm về Việt Nam.
Đây cũng là điều mà tôi học được ở các bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm – những họa sĩ đã làm nên lịch sử mỹ thuật Việt Nam, dù ở hoàn cảnh thanh đạm đến đâu, họ cũng khai bút đầu Xuân với tinh thần vẽ lấy vui, lấy sự mong ước cả năm được sáng tạo và sau đó tặng nhau các bức tranh vẽ 12 ông Giáp. Vài chục năm sau, tôi có dịp thấy lại những bức tranh này ở triển lãm tranh Việt Nam tại Bảo tàng Louvre (Paris), Bảo tàng Asiantiska (Stocholm) hay nhìn thấy trong cataloges đấu giá của Christy với giá khởi điểm từ vài ngàn cho đến vài chục ngàn USD...
Lam Ngọc (lược ghi)