Họa sĩ Đặng Ái Việt: Đi khắp đất Việt vẽ mẹ Việt Nam anh hùng
“Một hành động rất đỗi khâm phục”
Họa sĩ Đặng Ái Việt |
Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết, ý tưởng vẽ chân dung các Mẹ VNAH được bà ấp ủ đã lâu. Với bà, đó là “một sự tri ân và trả ơn cuộc đời’’. Nhưng năm nay, ở tuổi 62 bà mới có điều kiện thực hiện dự định ấy.
Ngày 19/2 (tức mùng 6 Tết), Đặng Ái Việt đã tự tổ chức một cuộc hành trình xuyên Việt. Một mình bà với chiếc xe Chaly (gắn bó 20 năm), xuất phát từ TP.HCM ngược ra Hà Nội. Bà đã tự tìm đến nhà từng Mẹ VNAH, gặp gỡ, trò chuyện và vẽ chân dung. Qua 5 tháng, bà đi qua 18 tỉnh thành, đến hơn 200 huyện, xã, phường... Ngày 26/6, bà đặt chân đến Hà Nội và vẽ được 225 bức ký họa ở các thể loại than chì, màu nước.
Triển lãm Hành trình nét vẽ thời gian (kéo dài đến hết ngày 19/8) giới thiệu hơn 100 bức ký họa đã được hội Mỹ thuật VN tuyển chọn. Đây là những bức ký họa còn nóng hổi, vừa mới hoàn thành trong hành trình xuyên Việt của bà. Bên cạnh những bức ký họa, một bộ phim ngắn cùng tên cũng được giới thiệu cùng một số hiện vật, tư trang của nữ họa sĩ...
“Tôi mới đi được 1/3 hành trình”
Tâm sự với TT&VH, họa sĩ cho biết: “Trên thế giới chỉ VN mới có danh xưng Mẹ VNAH. Mẹ VN vĩ đại quá! Mỗi mẹ còn sống là mỗi câu chuyện dài kể lại cho thế hệ chúng ta, con cháu chúng ta về những hy sinh, mất mát để có được cuộc sống như ngày hôm nay...”.
Chân dung Mẹ Việt Nam |
- Hành trình của tôi đến nay mới chỉ là 1/3. Dự định của tôi là trong 18 tháng sẽ hoàn thành 63 tỉnh thành. So với danh sách các Mẹ VNAH còn sống hiện nay là trên dưới 5.000 mẹ, thì tôi mới vẽ được 225 mẹ, con số này nhỏ lắm. Các Mẹ VNAH ở khắp cả nước, mà thời gian thì hữu hạn, tôi chỉ sợ mình chậm chân... không kịp gặp các mẹ. Nhiều nơi, khi tôi đặt chân đến thì được biết không mẹ nào còn sống. Tôi nuối tiếc và miên man trong cảm giác có lỗi... Cũng phải nói thêm là, không phải tất cả các mẹ còn sống, tôi đều vẽ được chân dung. Ngay ở quận Ba Đình, Hà Nội, có 3 Mẹ VNAH, nhưng trên thực tế tôi chỉ vẽ được một mẹ...
* Tại sao lại không vẽ được, thưa bà?
- Vẽ Mẹ VNAH là vẽ cái thần thái, thần khí của mẹ. Đa phần những Mẹ VNAH tôi gặp hầu hết đều đã ở vào tuổi 80, 90, nhiều mẹ trên 100 tuổi, bởi tuổi cao như thế nên sức đã rất yếu. Với những mẹ đã quá yếu, tôi chỉ đến thăm mẹ, hôn mẹ, chúc cho mẹ bình yên, chụp hình với mẹ và không vẽ gì. Vì bản thân tôi xúc động không vẽ được. Rất nhiều mẹ tôi chỉ đến thăm rồi ra đi trong nước mắt...
Vẽ Mẹ VHAH không dễ, không phải ký họa vẽ một nét là ra, mà phải vẽ từ chính tâm can của mình. Tôi thường trò chuyện với các mẹ rất lâu, nhìn ngắm kỹ những gương mặt già nua, để tìm ra một góc cạnh nào đó bộc lộ thần thái của mẹ và vẽ với tất cả tình cảm kính yêu, cảm phục.
Một mình tự túc kinh phí
Họa sĩ Đặng Ái Việt (SN 1948, tại Tiền Giang), nguyên là họa sĩ báo Phụ nữ Giải phóng của LHPNGP miền Nam VN, nguyên giảng viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Chuyến hành trình này của bà hoàn toàn tự túc về kinh phí. Trên đường đi, không ít đơn vị đã xin được tài trợ, nhưng bà không nhận và muốn tự mình sẽ đi và vẽ hết Mẹ VNAH còn sống với tất cả tấm lòng! |
- Kỷ niệm thì không thể kể hết. Tất nhiên, Mẹ VNAH hiện nay được Nhà nước quan tâm chăm sóc rất nhiều, nhưng không phải tất cả đều đã hết khó khăn. Nhiều mẹ của chúng ta còn khó khăn lắm. Tôi có gặp một mẹ ngồi bán khoai lang ở ngoài chợ và tôi vẽ ngay ở chợ luôn. Nếu mời mẹ về nhà, thì gánh khoai lang đó ai bán... Có những bà mẹ bị mù, không thể đi đâu được, thấy thương lắm. Nhiều mẹ không còn minh mẫn..., tôi xúc động không tài nào vẽ được!
* Bà có dự định chuyển những bức ký họa này thành những tác phẩm lớn hơn không?
- Người nghệ sĩ, nhất là họa sĩ không thể dừng lại ở ký họa, vì đây vốn như hơi thở của người họa sĩ. Nhưng chính những bức ký họa này là cái để tôi khởi điểm cho những tác phẩm lớn sau này. Bảo tàng Phụ nữ VN có dự định sẽ lưu giữ những tác phẩm này của tôi và đối với tôi là niềm hạnh phúc lớn. Tuy nhiên, công việc của tôi vẫn chưa kết thúc, tôi chưa thể nói nên làm thế nào tiếp theo...
* Xin cảm ơn bà!