loading...
(TT&VH) - Sinh năm 1940 tại Hà Nội, họa sĩ Bùi Quang Ánh đã có gắn bó đặc biệt với đường Trường Sơn từ 1968 đến 1975 và đã vẽ khoảng 150 ký họa về một giai đoạn rất khốc liệt của cuộc chiến tranh. Nay nhìn lại hành trình 50 năm của một con đường (1959-2009), Bùi Quang Ánh tự hào nói rằng: “Tôi đã vẽ hoàn toàn theo sự thật được nhìn thấy”. TT&VH trao đổi với ông về điều này.
Họa sĩ Bùi Quang Ánh
* Thưa ông, ông nói “tôi đã vẽ hoàn toàn theo sự thật được nhìn thấy” nghĩa là sao?
- Tôi có may mắn là được đi theo các vị tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy ngoài chiến trường, họ có cái nhìn rất khoa học và khách quan. Sự thật với họ cực kỳ quan trọng, nếu không, chiến thắng sẽ khó mà đoạt được. Họ thường chỉ đạo tôi trước mỗi chuyến đi, rồi những lúc gặp nhau, họ đều xem tranh ký họa và góp ý như những bức nào tỏ ra “thơ mộng”, hay thiếu tính “chụp hình”. Các vị ấy hay nói với tôi rằng: cứ vẽ sự thật, dù khốc liệt, khổ đau hay mất mát, bởi thiếu sự thật, tranh ký họa sẽ vô giá trị.
Nay nhìn lại các tác phẩm của mình, tôi không hổ thẹn bất kỳ điều gì, vì đó là lịch sử, là những gì đã xảy ra... Có những ký họa không thật, vì họa sĩ không trực tiếp chứng kiến, hoặc có chứng kiến nhưng lại vẽ theo lối chỉ “tuyển chọn” những hình ảnh đẹp đẽ. Tôi thì tuyệt đối không như vậy.
* Xem các ký họa của ông, tôi thấy có những trận đánh khốc liệt, những khoảnh khắc ở dưới hầm, những hình ảnh khó mà lặp lại... Thường thì ở ngoài chiến trường, ông có bao nhiêu thời gian để vẽ?
- Rừng Trường Sơn thời bấy giờ có sức sống mãnh liệt lắm, nhiều quả đồi, đoạn đường trọc do bom đạn, vậy mà sau 1 tuần thì đã xanh um. Nếu mình vẽ rề rà, thì sự thật cũng đã biến đổi rồi, nên tôi ký họa rất nhanh, từ 5 đến 15 phút cho một ký họa màu nước khổ 40x55cm, hoặc 40x110cm. Có những trận đánh khốc liệt, trọng điểm, tôi phải vẽ thật nhanh, nhiều khi giữa 2 đợt dội bom, ở dưới hầm chui lên, vẽ tích tắc rồi chui xuống lại, sống chết nhờ vào may rủi. Có những cuộc họp quan trọng, diễn ra trong vài phút ở dưới hầm, với độ sâu 40m dưới lòng đất, tôi được phép chứng kiến và vẽ ký họa. Tôi luôn có ý thức đây là những thời khắc hiếm hoi, sự thật chỉ mỗi mình ghi lại, nên không thể bỏ qua, hay vẽ không đúng.
Ký họa của Bùi Quang Ánh
* Nói như vậy thì những ký họa của ông đã phản ánh chân thực diện mạo của con người, sự việc đã diễn ra trên đường Trường Sơn từ 1968 đến 1975?
- Đúng vậy. Nay nhìn lại, tôi có thể tự tin nói rằng, mình đã vẽ được những ký họa tột đỉnh, vì đó là những khoảnh khắc có một không hai của lịch sử. Tôi cho rằng tột đỉnh, vì mấy lý do sau: Thứ nhất, tôi đã được gần gũi với những vị tướng thích tột cùng sự thật; thứ hai, tôi có tầm nhìn về chiến tranh, về phẩm chất tốt đẹp của con người; thứ ba, tôi có kiến thức về hội họa và khả năng để thể hiện. Chính vì những điều này mà những ký họa của tôi khá riêng biệt, không giống với hình dung và mong muốn của nhiều người người.
* 150 ký họa này, chắc có thể được nhìn thấy trong các bảo tàng mỹ thuật của Việt Nam? Ông có còn giữ lại bức nào không?
- Tôi đã bán khoảng 30 bức cho các cựu chiến binh Mỹ, các nhà sưu tập nước ngoài; tôi giữ 20 bức quan trọng nhất; phần lớn còn lại, con trai tôi (Bùi Quang Tùng - PV) giữ. Các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam rất chểnh mảng trong việc sưu tập các ký họa kháng chiến, và dường như, họ cũng không đủ sự sâu sát để phân loại các ký họa, các tác phẩm thực sự có giá trị. Khi các tác phẩm đã đi ra nước ngoài rồi, chúng ta rất khó có hy vọng để nó quay trở lại, ngay cả việc xem lại tác phẩm gốc cũng khó khăn, vì xa xôi và rất đắt đỏ.
* Từ 1986 đến nay, ông hoàn toàn chuyển hướng sáng tác, từ biểu hiện - hiện thực sang biểu hiệu - trừu tượng. Tuy nhiên, nhân sự kiện kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn, ông có hoạt động gì không?
- Từ 23/4 đến 19/5/2009 tôi ở Bangkok, và sẽ vẽ về thành phố này, chuyến đi này do nhà sưu tập người Anh là J. Arian tài trợ. Tôi đi khi triển lãm Mãi yêu của mình đang diễn ra tại Tự Do gallery (53 Hồ Tùng Mậu, TP.HCM) và đến 30/4 mới kết thúc.
Nhìn lại quá khứ, tôi tự hào vì tôi đã vẽ hoàn toàn theo sự thật được nhìn thấy, như vậy là đủ rồi.
Văn Bảy
loading...