A+ A A- Kiểu đọc sách

Hé lộ căng thẳng chủng tộc quanh việc làm phim ‘Cuốn theo chiều gió’

15:26 16/12/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - 75 năm sau khi phim kinh điển Cuốn theo chiều gió ra mắt, người ta mới biết được rằng đã từng có những căng thẳng liên quan tới vấn đề chủng tộc, giữa nhà sản xuất phim và giới chức thành phố Atlanta, Mỹ.

Giáo sư Matthew Bernstei thuộc trường Đại học Emory đã công bố thông tin trên, sau khi bỏ ra nhiều năm để nghiên cứu kho tài liệu của của nhà sản xuất phim là David O. Selznick, được lưu trữ tại Trung tâm Harry Ransom thuộc trường Đại học Texas ở Austin. Ông thấy rằng Selznick đã rất lo lắng về cách hành xử của thành phố Atlanta với các diễn viên da màu trong phim.


Nữ diễn viên da màu Hattie McDaniel (trái) vai vú em Mammy trong phim Cuốn theo chiều gió

Selznick đã rất buồn khi nữ diễn viên da màu Hattie McDaniel, người đóng vai vú em Mammy, không được mời tới tham dự buổi chiếu giới thiệu phim ở Atlanta vào ngày 15/12/1939. "Ông khẳng định rằng bà phải được mời đến sự kiện này” – Bernstein nói.

Thời điểm đó, văn phòng ông William B. Hartsfield, Thị trưởng thành phố Atlanta, đã đề nghị Selznick đưa phim tới công chiếu tại thành phố này. Song do miền Nam Mỹ khi đó vẫn áp dụng luật phân biệt chủng tộc Jim Crow nên không ngôi sao da màu nào tham gia đóng phim được phép tham dự buổi chiếu giới thiệu. Thậm chí họ còn không được tham gia chương trình quảng bá phim.

“Selznick là một người Do Thái nên ông rất lưu tâm đến sự ngược đãi người Do Thái ở châu Âu dưới thời phát xít Đức hồi cuối những năm 1930. Ông đã khó chịu khi chứng kiến cuộc sống bị phân biệt của người Mỹ gốc Phi dưới bộ luật Jim Crow, đặc biệt là tại miền Nam Mỹ” - Bernstein nói. Trong các tài liệu của Selznick còn có những cuốn sổ ghi chép và bức điện tín, thể hiện nỗ lực của ông nhằm khiến giới chức Atlanta thay đổi quyết định.


Nhà sản xuất phim Cuốn theo chiều gió, David O. Selznick

Trái ngược với thái độ của giới chức thành phố Atlanta, các tổ chức của người da màu ở địa phương đã có nhiều sự kiện khác nhau trước đêm chiếu phim để thể hiện sự ủng hộ với các diễn viên da màu. “Một trong những sự kiện gây chú ý nhất là sự tham gia của Martin Luther King Jr., lúc đó mới 10 tuổi. Martin xuất hiện trên sân khấu tại một sự kiện từ thiện, mặc đồ của một người nô lệ và hát cùng dàn đồng ca nhà thờ Ebenezer” - Bernstein kể.

Tại lễ trao giải Oscar hồi năm 1940, McDaniel đã làm nên lịch sử giải khi rở thành diễn viên da màu đầu tiên đoạt giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc, với vai vú em Mammy.

Tuấn Vĩ


loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...