(Thethaovanhoa.vn) - Tối 10/12, tại TP. HCM đã diễn ra Lễ trao giải POPS Awards 2014 với chủ đề Không giới hạn đam mê và sáng tạo. Đây là lần đầu tiên một giải thưởng được lập ra để trao cho các sản phẩm giải trí kỹ thuật số và vinh danh các đơn vị, nghệ sỹ, nhóm làm phim trẻ đang sản xuất nội dung kỹ thuật số.
Với nhiều người từng tham dự những lễ trao giải âm nhạc nói riêng hay văn hóa nói chung, theo kiểu truyền thống, sẽ khá ngỡ ngàng khi tham dự giải thưởng này bởi độ “nóng” của những người được nhận giải phần nhiều chỉ xuất hiện trên màn hình vi tính hay các thiết bị số. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lần đầu tiên đứng chung nhận giải với nhóm nhảy ST 319 hay Mỹ Linh trao giải cho ca sĩ vẫn còn khá mờ nhạt trên thị trường biểu diễn chính thống, Nhật Kim Anh… Nhưng điều tưởng chừng mâu thuẫn đó thật ra lại đều hợp lý nếu xét từ khía cạnh mạng xã hội. Những nhân vật được trao giải đều bước ra từ các kênh nghe nhìn trực tuyến và họ đã đều rất thành công.
Những con số biết nói
Lần đầu tiên được tổ chức nên POPS Awards cũng “trình làng” những đề cử mà giờ nhiều người mới biết đến và khi biết được những con số công bố họ mới thật sự ngỡ ngàng. Chẳng hạn như hạng mục Video ca nhạc thiếu nhi có lượt xem nhiều nhất được trao cho ca khúc Xúc Xắc Xúc Xẻ của cô bé Bảo An và diễn viên Phi Long trong 12 tháng qua có lượng người xem là gần 19 triệu lượt. Nhưng ở đây, cần nói thêm rằng, con số này được tổng hợp từ 9 kênh của POPS như iTunes, Amazon.mp3, Spotify, Deezer, Guvera, Nokia Mix Radio, Google Play, YouTube… nhưng trong đó YouTube vẫn là đông đảo nhất. Ấn tượng hơn, 65% người nghe và xem bài hát này là đàn ông tuổi từ 25 đến 44.
Nhóm BB&BG có 86 video với hơn 1 triệu người đăng ký theo dõi và 92 triệu lượt xem trong 12 tháng gần nhất nhận giải Kênh Giải trí có lượt xem nhiều nhất
Nhưng chưa hết, ở hạng mục Video ca nhạc được cover nhiều nhất thì ca khúc Bốn chữ lắm của ca sỹ Trúc Nhân và Thảo Nhi được cover đến 3.900 lần. Một kỉ lục khác: Video phim ca nhạc có lượt xem nhiều nhất được trao cho Khởi My với Gửi cho anh 2. Trong vòng 3 ngày, MV này có 2 triệu lượt xem và sau 12 tháng là hơn 18 triệu.
Hạng mục Bài hát được tải nhiều nhất (có trả tiền), bất ngờ với cái tên người lĩnh giải lại là ca sĩ Nhật Kim Anh với Mưa đã tạnh chứ không phải là một ngôi sao ca nhạc nào khác. Theo POPS, bài hát này đã được phát hành cách đây 3 năm nhưng vẫn nằm trong top tải nhạc chờ của nhà mạng và đã đạt được 599.952 lượt tải trên tất cả kênh kinh doanh trực tuyến của POPS Worldwide trong 12 tháng gần nhất. Còn Video ca nhạc có lượt xem nhiều nhất với gần 7,5 triệu lượt xem đã thuộc về ca sỹ Tuấn Hưng với MV Nắm Lấy Tay Anh.
Có tất cả 12 hạng mục đã được trao và tất cả những số liệu đưa ra đều được POPS đảm bảo tổng hợp từ con số thật trên 9 kênh phát hành của POPS Worldwide.
Bài toán không dễ
Sự phát triển đến chóng mặt của thị trường nghe nhìn trực tuyến đã biến thị trường này thành cuộc đua của nhiều “ông lớn”. Sau những Zing, Sky Music… giờ là một công ty từ ngoài nhảy vào, POPS Worldwide. Trong vòng 7 năm có mặt tại Việt Nam, từ thăm dò, nghiên cứu đến phát triển, công ty này hiện được xem là đơn vị tiên phong và phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực kinh doanh nội dung giải trí kỹ thuật số hiện nay tại Việt Nam. Điều quan trọng nhất mà POPS đang khác biệt với một số ông lớn khác, chính là giúp cho nghệ sỹ bảo vệ bản quyền trên các kênh kinh doanh kỹ thuật số, mang lại doanh thu cho họ.
Tuy vậy, điều này không phải là một bài toán dễ.
Hồi tháng 8/2011, POPS Worldwide công bố họ đã ký kết dự án hợp tác bản quyền hoá nội dung nhạc Việt Nam với YouTube (thuộc tập đoàn Google). Kể từ thời điểm này, những nội dung nhạc Việt Nam dưới hình thức video clip do người dùng YouTube đưa lên hệ thống website www.youtube.com được chính thức đăng ký bản quyền và bảo vệ bản quyền.
Theo đó, người dùng có thể sử dụng nội dung có bản quyền trên YouTube không phải trả phí nhưng YouTube sẽ là đơn vị trả phí cho chủ sở hữu bản quyền bằng cách chia sẻ doanh thu quảng cáo trên YouTube, cụ thể là trong từng MV. Càng được chia sẻ nhiều, các MV nhạc Việt sẽ càng mang lại lợi nhuận nhiều cho chủ sở hữu của nó. Những MV bị đưa lên trái phép sẽ bị gỡ bỏ.
Tuy nhiên quyền lợi nhận được của những người được YouTube công nhận chính thức, lại không hề giống nhau. Tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo của mỗi người sẽ khác, ca sĩ có tiếng, có lượng người hâm mộ đông đảo sẽ nhận tỷ lệ chia sẻ khác nhau. Hiện có hơn 100 nghệ sỹ Việt Nam đăng ký bản quyền với POPS.
Nhiều người cho rằng POPS đang hơi tự tin thái quá bởi việc thu tiền từ YouTube vẫn còn khá mù mờ ở Việt Nam. Nhưng cũng cần thấy rằng, xu thế này không phải mới ở xung quanh. Chẳng hạn như kênh VEVO (Thu Minh là nghệ Việt đầu tiên có kênh riêng tại đây), một đối tác của YouTube, chỉ tính riêng trong năm 2011 đã thu về hơn 150 triệu USD lợi nhuận và bản thân giá trị của thương hiệu này đã lên tới gần 800 triệu USD. Khi mà sự phát triển của internet có thể khiến cả thế giới cùng xem một sự kiện cùng lúc thì POPS vẫn cơ sở để làm điều này ở Việt Nam.
Tuy vậy, đến giờ tỉ lệ phân chia phần trăm cho các nghệ sĩ vẫn chưa được công bố cụ thể. Và trong đêm trao giải, giải được chú ý nhiều nhất, Nghệ sỹ thu được quảng cáo nhiều nhất (Đàm Vĩnh Hưng) lại không thấy công bố con số cuối cùng.
Những gì có thể thấy từ việc POPS đang làm là “nghiêm chỉnh hóa” việc tuân thủ bản quyền trên các trang trực tuyến như YouTube, giúp người dùng “học” cách tôn trọng bản quyền các tác phẩm âm nhạc được đăng tải và giúp những ngệ sỹ trẻ có tiếng nói xa hơn.
Đang có nhiều thuận lợi cho những nghệ sỹ Việt đăng ký bản quyền trên YouTube nhưng quyền lợi này thực tế đến đâu thì vẫn còn phải chờ. Và những con số thu chi cụ thể, biết đâu sẽ được công bố vào mùa giải năm sau.
N. Minh
Thể thao & Văn hóa