(Thethaovanhoa.vn) - Theo Ruchir Sharma, chuyên gia kinh tế Mỹ tại Quỹ đầu tư thuộc ngân hàng Morgan Stanley “Trung Quốc hiện là một mối nguy đối với Mỹ, nhưng không phải vì nước này quá mạnh về quân sự mà vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trở nên quá mong manh, dễ đổ vỡ hơn bao giờ hết”.
Ngay cả tỉ phú người Mỹ hiện đang chạy đua vào Nhà Trắng Donald J.Trump đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc là một mối đe dọa đang “cướp đi bữa ăn” của người Mỹ, bởi theo ông, Bắc Kinh đang “bóp méo” đồng nhân dân tệ để giữ cho đồng tiền này ở mức rẻ mạt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh cho hàng hóa xuất khẩu.
Với mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu, kinh tế Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong tất cả lĩnh vực kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2009 đạt mức 10.800 tỷ USD (theo số liệu của ADB) vào năm 2015, tiếp tục chiếm khoảng 1/3 mức tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, sau hơn 30 năm cất cánh ngoạn mục, Trung Quốc giờ đây đang trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn. Trung Quốc đã rơi vào trạng thái “không ổn định” và “mất cân bằng” với quá nhiều nhà máy “nhả khói” lên bầu trời. Tình thế của Trung Quốc tuy chưa hẳn bị coi là hết sức tồi tệ, nhưng cũng chứa đầy nguy cơ.
Cũng theo nhận định của The New York Times “Kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ thoái trào, thách thức uy tín và kế hoạch cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi chiến dịch chống tham nhũng kiến ông đang phải đối diện với ngày càng nhiều lực cản trong nội bộ giới tinh hoa”.
Và thực tế, mô hình tăng trưởng cũ dựa trên xuất khẩu và đầu tư đang có dấu hiệu hụt hơi, khiến cho tăng trưởng sụt giảm đến mức thấp nhất kể từ 30 năm qua. Mô hình kinh tế này dường như đã đi đến giai đoạn cuối và rõ ràng không còn hiệu quả. Trung Quốc biết rằng đã tới lúc phải thay đổi.
Phải chăng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đứng bên bờ vực? Phải chăng cỗ máy được coi là “động cơ của kinh tế thế giới” cuối cùng đã chết máy? Liệu có nguy cơ xảy ra “sự sụp đổ vĩ đại của Trung Quốc”, như một tiêu đề trên tạp chí The Economist mới đây? Những cú sốc dồn dập hơn nữa xuất phát từ “quốc gia trung tâm” làm dấy lên tâm trạng lo ngại về một sự “hạ cánh cứng’’ đang ngày càng gia tăng.
Cho dù ban lãnh đạo Trung Quốc đang quyết liệt tập trung vào việc tiến hành cải cách nhằm mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế để tránh khủng hoảng, nhưng liệu họ có thành công hay không khi một loạt vấn đề vẫn hiển hiện như: tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, những khoản nợ khổng lồ do đầu tư ồ ạt vào bất động sản và hạ tầng cơ sở, bong bóng nhà đất có nguy cơ vỡ tung bất cứ lúc nào, các khoản nợ xấu có nguy cơ gây khủng hoảng trong hệ thống tài chính, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng ra...
Những thách thức trên hiện nay đối với Trung Quốc được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay và chúng đã và vẫn là những dấu hỏi chưa có hồi kết.
Với 286 trang (khổ 14,5 x 20,5 cm) bao gồm 4 phần cơ bản, Điều gì đang xảy ra với kinh tế Trung Quốc đã tập hợp, chắt lọc và chọn lựa những nguồn thông tin đa chiều sâu sắc về thực tế nền kinh tế Trung Quốc.
Từ góc nhìn của chính giới truyền thông, các nhà phân tích Trung Quốc đến cách tiếp cận khách quan, không khoan nhượng của những chuyên gia kinh tế, của báo chí nước ngoài về thực trạng nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện tại. Trong cuốn sách, bạn đọc có thể bắt gặp nhiều nội dung, vấn đề của kinh tế Trung Quốc được phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng nhưng khá khác biệt với những thông tin mà chúng ta vẫn thường xuyên được tiếp cận.
Tôn trọng sự khác biệt và nhằm cung cấp cho bạn đọc thông tin đa chiều, giúp bạn đọc tiện theo dõi và phục vụ công tác nghiên cứu, tham khảo, tác giả Nguyễn Văn Lập (nguyên Trưởng ban Biên tập Tin Thế giới của Thông tấn xã Việt Nam) và Nhà xuất bản Thông tấn và Nhà xuất bản Thông tấn trong quá trình biên tập đã cố gắng giữ nguyên các luận chứng của các bài phân tích, bình luận và coi đây là các quan điểm riêng, không phải quan điểm của Nhà xuất bản Thông tấn.
Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cụ thể và hữu ích những vấn đề mà bạn đọc quan tâm, để một lần nữa tìm lời giải cho câu hỏi: Sự không chắc chắn về nền kinh tế Trung Quốc đang khuấy động các thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng mối đe dọa đối với triển vọng dài hạn của Trung Quốc cũng như với sự ổn định kinh tế toàn cầu thực sự nghiêm trọng đến mức nào?
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tên sách: Điều gì đang xảy ra với kinh tế Trung Quốc Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm Số trang: 286 trang Giá: 90.000 VNĐ |
Nội dung sách gồm 4 phần chính: 1. Kinh tế Trung Quốc: “Sụp đổ hay tình trạng bình thường mới” 2. Những thách thức với kinh tế Trung Quốc 3. Tác động của khủng hoảng kinh tế Trung Quốc đối với thế giới 4. Những triển vọng kinh tế Trung Quốc |
P.V