A+ A A- Kiểu đọc sách

Giải Pulitzer - từ 'Cuốn theo chiều gió' của Margaret tới 'Cảm tình viên' của Nguyễn Thành Việt

14:23 19/04/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay giải Pulitzer danh giá tròn 100 năm tuổi và giải thưởng dành cho tác phẩm hư cấu năm 2016 đã được trao cho tác giả người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thành Việt với tác phẩm đầu tay The Sympathizer (Cảm tình viên).

Tiểu thuyết lấy bối cảnh Sài Gòn 1975 với nhân vật trung tâm là một người đàn ông mang hai dòng máu Việt - Mỹ. Ông là một điệp viên Việt Nam và năm 1975 vượt biên từ Sài Gòn (tên gọi cũ của thành phố Hồ Chí Minh) sang Los Angeles để hoạt động tình báo.

Trên facebook cá nhân, ông Nguyễn Thành Việt đã chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải thưởng danh giá này: "Xin cảm ơn lời chúc của các bạn. Tôi đã kiểm tra với nhân viên của văn phòng xuất bản và họ xác nhận The Sympathizerđã thắng giải Putlizer ... Tôi thật sự choáng váng".

Nguyễn Thành Việt sinh ra tại Buôn Mê Thuột và theo gia đình di cư sang Mỹ vào năm 1975. Ông tốt nghiệp bậc cử nhân hạng ưu của trường đại học California, Berkeley với chuyên ngành tiếng Anh và Dân tộc học sau đó tiếp tục đạt học vị tiến sĩ. Hiện ông là giáo sư giảng dạy tại trường đại học Nam California. Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Thành Việt là Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War, được Harvard University Press xuất bản hồi đầu tháng 4. Bên cạnh đó, Nguyễn Thành Việt đang viết tiếp phần tiếp theo của cuốn The Sympathizer.


Nhà văn Mỹ gốc Việt Nguyễn Thành Việt và bìa cuốn "The Sympathizer", tác phẩm đoạt giải Pulitzer 2016 ở hạng mục tác phẩm hư cấu

Giải Pulitzer, được nhà xuất bản tiên phong Josseph Pulitzer sáng lập từ năm 1917 và được xem là giải thưởng danh giá nhất trong làng báo chí Mỹ. Pulitzer tài trợ cho những năm đầu tiên trao giải Pulitzer và đã chỉ định trường Đại học Columbia là thiết chế giám sát giải thưởng. Cho tới nay, New York Times là tờ báo giành được nhiều giải thưởng Pulitzer nhất với 117 giải.

Trong di chúc của mình viết hồi năm 1904, Pulitzer, chủ bút báo New York World đề nghị trao giải cho 13 hạng mục, gồm 4 giải cho báo chí, 4 cho văn học, 4 cho sân khấu và 1 cho giáo dục. Đến nay, giải Pulitzer có 21 hạng mục, trong đó gồm các giải cho loại phóng sự, biên tập, biếm họa, nhiếp ảnh, tiểu thuyết, tiểu sử, sân khấu, thơ và âm nhạc.

Sau đó, Pulitzer lập ra một hội đồng tư vấn có quyền thay đổi nội dung giải thưởng. Từ năm 1917, giải được hiệu trưởng trường Đại học Columbia trao vào tháng 4 hàng năm. Giải thưởng còn kèm theo số tiền thưởng trị giá 10.000 USD.  

Giải Pulitzer dành cho tác phẩm hư cấu được trao cho tác phẩm của một tác giả người Mỹ và tác phẩm đó nghiêng về đề tài mô tả cuộc sống ở xứ cờ hoa, được xuất bản trong năm. Hạng mục này từng có 31 năm được gọi là "hạng mục dành cho tiểu thuyết" và trong 66 năm đầu tiên cho tới năm 2013 được gọi là hạng mục dành cho tác phẩm hư cấu. Ban giám khảo giải có quyền không trao giải nếu thấy không có tác phẩm nào xứng đáng.


Logo giải Pulitzer

Trong 31 năm hạng mục dành cho tiểu thuyết, giải thưởng được trao 27 lần. Còn trong 66 năm đầu tiên cho tới năm 2013, hạng mục dành cho tác phẩm hư cấu được trao giải 59 lần. Trong 100 năm qua, hạng mục này không được trao giải 11 lần, trong đó gồm cả năm đầu tiên. Hiện đã có 3 nhà văn từng 2 lần đoạt giải ở hạng mục dành cho tác phẩm hư cấu, gồm  Booth Tarkington, William Faulkner và John Updike.

Trong các hạng mục giải Pulitzer, hạng mục văn học và báo chí được xem là quan trọng nhất. Như vậy, có thể nói đoạt giải Pulitzer năm nay là một niềm vinh dự lớn đối với Nguyễn Thành Việt bởi năm nay giải thưởng tròn 100 tuổi.

Thêm nữa, đoạt giải Putizer, Nguyễn Thành Việt có thể đứng cùng đội ngũ với các nhà văn nổi tiếng từng đoạt giải như Margaret Mitchell với Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind– 1937), John Steinbeck - Chùm nho uất hận (The Grapes of Wrath -  1940), Tennessee Williams - Chuyến tàu mang tên dục vọng (A Streetcar Named Desire -  1948) và Con mèo trên mái nhà nóng bỏng (Cat on a Hot Tin Roof – 1955), Ernest Hemingway - Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea – 1953) và Harper Lee - Giết con chim nhại (1960).

Trong lịch sử giải Pulitzer, ít nhất còn có một người Việt nữa giành được giải thưởng là Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út. Ông là phóng viên ảnh của hãng tin Associated Press (AP) và đã đoạt giải Pulitzer ở hạng mục Ảnh tin tức với bức ảnh Em bé Napalm (Vietnam Napalm Girl). Bức ảnh chụp em bé Phan Thị Kim Phúc bị bỏng do bom napalm tại Trảng Bàng - Tây Ninh hồi năm 1972.

Tuấn Vĩ
Tổng hợp

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...