Gặp lại 'báu vật sống' Hà Thị Cầu ở 'Xẩm Đỏ'
(Thethaovanhoa.vn) - Hoàn thành từ năm 2012 nhưng Xẩm Đỏ chưa từng ra mắt lần nào. Trong sản phẩm mới hoàn thiện chuẩn bị giới thiệu tới khán giả có 35 phút là phim Xẩm Đỏ, và sau đó là 68 phút vừa là phim vừa là tư liệu về những bài hát để những người yêu Xẩm có nhiều cơ hội được nghe lại "báu vật sống" cụ Hà Thị Cầu.
- Ninh Bình tri ân cố Nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu
- Giỗ tổ xẩm nhớ nghệ nhân Hà Thị Cầu
- Sẽ truy tặng danh hiệu NSND cho bà Hà Thị Cầu?
Đạo diễn Lương Đình Dũng, người dàn dựng "Xẩm Đỏ" cho biết, khi phác họa hát xẩm bằng màu sắc thì sẽ thiên về màu đỏ. Đó là màu báo động về một loại hình nghệ thuật có thể bị thất truyền khi những nghệ nhân của nó dần ra đi. Nó còn là màu của nước mắt, mồ hôi của những thân phận nghệ nhân hát xẩm khốn khó, hẩm hiu khi xưa... Vì thế, anh quyết định lấy lên "Xẩm Đỏ".
Phim được quay tự nhiên về cụ Hà Thị Cầu, với những hình ảnh vừa đẹp vừa lạ. Bộ phim không có lời bình, giống như một sự độc diễn của nhân vật. Lý do vì đạo diễn không muốn đem lời bình vào phim mà muốn để dành phần đó cho khán giả.
Theo lời kể của đạo diễn, NSƯT Hà Thị Cầu đã nắm tay anh khi đoàn phim đóng máy: “May mà con làm sớm chứ bây giờ sắp không hát được nữa rồi con ạ”. Từ hơn 1.200 phút quay, anh quyết định chắt lọc còn 35 phút.
“Tôi quyết định mang Xẩm Đỏ đến với công chúng do có một nhóm các nghệ nhân yêu Xẩm rất trẻ đến gặp tôi mà muốn được tiếp cận tư liệu này về để học. Họ hát cho tôi nghe, tôi thấy cảm động và hy vọng họ là những người kết nối” - đạo diễn Lương Đình Dũng giải thích về việc quyết định ra mắt "Xẩm Đỏ" dù biết rằng phải bù lỗ.
Được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ ưu tú và giải thưởng Đào Tấn cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc, bà Hà Thị Cầu được gọi là "báu vật nhân văn sống". Bà qua đời tháng 3/2013. |
H.A