(Thethaovanhoa.vn) - Giữa một dòng thác những lời than về văn hóa đọc, nhà phê bình Bùi Việt Thắng vẫn đưa ra một loạt số liệu về những cuốn sách hay và... bán khá chạy trên thị trường bây giờ. Và, ý kiến ấy đã thu hút sự quan tâm khá cao trong hội thảo "Thị trường văn học và văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn" do Viện Văn học tổ chức ngày 29/8.
Quả thật, như lời ông Thắng, một số cuốn sách từng "làm mưa làm gió" thời gian qua vẫn khó lòng thuyết phục được các nhà phê bình về chiều sâu cần có của mình. Đó là trường hợp của hồi ký
Một đời giông bão của Thương Tín (in lần đầu 10.000 bản), là
Ngày trôi về phía cũ của Anh Khang (đã in tới 20.000 bản) hay
Oxford thương yêu của Dương Thụy (đã in...44.500 bản).
Bởi, nếu xét tới những tiêu chí về giá trị bền vững (thay vì mang tính thời thượng hoặc... thời trang), về sự tồn tại liên thế hệ, liên thời đại, hay khả năng neo lại dài lâu trong ký ức nhiều độc giả khác nhau... thì những cuốn sách này phần nào chưa làm được.
Hội thảo "Thị trường văn học và văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn"
Nhưng, cũng theo góc nhìn ấy, một số cuốn sách được giới chuyên môn đánh giá khá tốt lại cũng không hề... ế khách trên thị trường vài năm qua. Đó là trường hợp của tiểu thuyết tư liệu – lịch sử Biên bản chiến tranh 1.2.3.4 - 75 của Trần Mai Hạnh đã in tới 15.000 bản trong vòng 2 năm qua, là Quân khu Nam Đồng của Bình Ca với con số hơn 6.000 bản, là Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng của Nguyễn Nhật Ánh với kỷ lục 100.000 bản. Thậm chí, trường ca Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng đang bán rất tốt, cho dù nhiều thi sĩ vẫn khản cổ than về cảnh bi đát của thơ ca.
Bên cạnh giá trị tự thân của tác phẩm, thành công ấy – theo phân tích của ông Thắng – còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng tổ chức truyền thông, khả năng chọn đề tài, hay sự lựa chọn riêng của từng tác giả. Điển hình, Nguyễn Nhật Ánh là cây bút vừa hiểu tâm lý trẻ nhỏ, vừa làm chủ một "trận địa để trống" trong bối cảnh hiện nay: mảng sách cho thiếu nhi.
Tập thơ của tác giả Nguyễn Việt Chiến chạm vào "mẫu số chung" của dân tộc về lòng tự hào với chủ quyền biển đảo, trong khi Bình Ca lại biết khai thác ở một dòng chảy ngầm rất phong phú: ký ức của những người Hà Nội cũ...
Có nghĩa, thay vì những tranh cãi liên tu bất tận giữa văn học đỉnh cao và... văn học thị trường, dường như các nhà văn bây giờ cũng cần chú ý hơn tới một khía cạnh mà nhà phê bình Bùi Việt Thắng đưa ra: khả năng nắm bắt và thấu hiểu tâm lý của độc giả trong thời buổi thông tin bùng nổ.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa