loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 19/9 vừa qua, Ban lãnh đạo (BLĐ) Công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam Nam (trước đây là Hãng phim truyện Việt Nam - VFS) đã tổ chức cuộc họp với các nghệ sĩ và các cơ quan báo chí tại trụ sở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội.
1. Cuộc họp diễn ra khá căng thẳng và gay gắt với một số nội dung chính được nêu ra: Quyết định của BLĐ trong việc sử dụng khu đất, kho đạo cụ của hãng phim, mức lương của các nghệ sĩ và định hướng vực dậy hãng phim truyện trong tương lai. Cuộc họp vẫn còn bỏ lửng khi cả 2 bên đều chưa đưa ra được tiếng nói chung.
Vấn đề đầu tiên được nêu ra trong cuộc họp là cách xử lý của BLĐ đối với kho đạo cụ cũ và những chứng nhận, kỷ niệm chương, ảnh chụp với Bác Hồ… những thứ được coi là một “di sản” của hãng phim. Các nghệ sĩ lên án ban lãnh đạo đã tự ý thẳng tay bỏ đi toàn bộ những tư liệu, đạo cụ quý một cách lãng phí và thiếu trân trọng những giá trị của chúng.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn, Phó Tổng giám đốc Công ty xác nhận rằng việc xử lý đạo cụ đã có sự đánh giá của 2 họa sĩ từ bộ phận thiết kế và phục trang, đồng thời đã lập cả biên bản có xác nhận. Tuy nhiên lời giải thích này có vẻ vẫn chưa làm hài lòng các nghệ sĩ bởi 2 họa sĩ đó không có mặt tại cuộc họp.
Một vấn đề nhức nhối khác là cách thức sử dụng mảnh đất số 4 Thụy Khuê, như các nghệ sĩ cho biết hiện nay một số phòng ban không còn được sử dụng, bỏ không thậm chí là cho bên ngoài thuê để bán hàng ăn, đặc biệt là dãy nhà phía mặt tiền hướng ra Thụy Khuê vốn là phòng làm việc của đạo diễn, biên kịch, quay phim nay cũng bỏ không khiến các nghệ sĩ phải chen chúc trong căn phòng rộng 20m2.
Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vận tải thủy - ông Nguyễn Thủy Nguyên - thẳng thắn nói rằng không hề có chuyện cho thuê mướn các phòng đó. Mục đích việc “dồn” nghệ sĩ ra là để dọn dẹp, nâng cấp và phân thành 2 khu nhà làm việc và sản xuất, đồng thời sửa sang 1 chỗ riêng để dựng bảng quảng cáo phim.
Theo ông Nguyên, cơ sở vật chất của Hãng phim quá xuống cấp và xập xệ do không có ai chăm sóc nhiều năm. Nếu được nhà nước cho phép ông sẽ cải tạo khu đất này trở thành rạp chiếu, chiếu những phim do Hãng sản xuất và cả phim từ bên ngoài.
2. Về vấn đề mức lương dành cho các nghệ sĩ đang bị phản ánh là quá thấp so với cam kết chủ đầu tư đưa ra, ông Nguyễn Thủy Nguyên trả lời rằng, chủ đầu tư mới tiếp quản được 2 tháng, chưa thể nắm được chất lượng làm việc của từng người để đưa ra mức lương phù hợp, do đó vẫn trả theo mức cũ của nhà nước. Còn số tiền các nghệ sĩ thực nhận trong thời gian vừa qua mới chỉ là tiền tạm ứng, do tình hình tài chính của Hãng phim đang rất khó khăn cũng như chưa xây dựng được cơ chế lương. Hiện tại Hãng phim đang nợ nhà nước 21 tỷ đồng do các năm trước để lại, bao gồm thuế đất, thuế VAT và tiền phạt vì chậm nộp thuế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ VHTT&DL rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa để quyết định việc hoàn thành công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam theo thẩm quyền, đúng quy định, và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng đưa ra quan điểm rằng sắp tới ban lãnh đạo sẽ không để tình trạng có người đi làm nhiều năm không ra sản phẩm mà vẫn được nhận lương, bảo hiểm.
Ý kiến này vấp phải sự phản ứng mạnh từ các nghệ sĩ. Đạo diễn Lưu Quốc Tuấn nói: “Chúng tôi rất muốn làm việc, muốn cống hiến nhưng lại không phân phim cho chúng tôi làm. 1 năm, Hãng chỉ sản xuất 2 phim thì làm sao đủ việc cho 8 đạo diễn!”. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng bày tỏ quan điểm rằng nhân viên bảo vệ, tài vụ có vẻ đi làm đầy đủ hơn các nghệ sĩ nhưng trên thực tế họ không phải những người đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của điện ảnh.
Cuối cùng, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyên đã cam kết tạm thời sẽ trả đủ lương cho các cán bộ đi làm đủ ngày công. Tùy theo tính chất công việc của nghệ sĩ thì sẽ chấm theo sản phẩm và phải có giấy xác nhận ở cả 2 hình thức trên.
Về định hướng của Hãng phim trong tương lai, ông Nguyễn Thủy Nguyên cho biết: “Chúng tôi mới tiếp quản được 2 tháng nên chưa thể có được hết các phương án. Trước mắt chúng tôi đang trang bị hệ thống sản xuất phim, mua thêm máy quay mới để thay thế đồ đã cũ. Chúng tôi vẫn đang cố gắng khắc phục dần!”.
Khá nhiều nghệ sĩ đã bỏ về trước khi cuộc họp kết thúc cho thấy 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Và câu chuyện về cổ phẩn hóa Hãng phim truyện Việt Nam sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Hà My
loading...