A+ A A- Kiểu đọc sách

'Diamond Show' của Đàm Vĩnh Hưng: Còn ít 'kim cương'

07:00 03/10/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần 5 năm với liveshow từng gây chú ý - Số phận - nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa trở lại với một liveshow mới khủng hơn với tên gọi Diamond Show, với số tiền đầu tư lên đến 12 tỷ đồng cho 3 đêm diễn.

Sự khác biệt của Diamond Show với tất cả những liveshow trước đây của Đàm Vĩnh Hưng là phần âm nhạc với những ca khúc quốc tế ít được biết đến qua tiếng hát của anh. Tuy nhiên, lần này, phần âm nhạc lại không có nhiều điểm nhấn.

Sân khấu hoành tráng

Diamond Show được xây dựng kịch bản theo mô hình một sân khấu thu nhỏ theo kiểu cabaret tại Las Vegas (kết hợp giữa hài kịch, âm nhạc, vũ đạo). Ở đó, yếu tố âm nhạc sẽ mang tính cốt lõi, gồm các ca khúc vàng son thập niên 1980, 1990 kết hợp một số loại hình nghệ thuật như: múa, nhạc cảnh, xiếc, kịch, kỹ xảo ánh sáng, nghệ thuật thị giác… làm đa dạng và phong phú các phần trình diễn.

Đạo diễn Trần Vi Mỹ sử dụng hợp lý các công nghệ, thủ thuật như trình chiếu mapping, laser, màn gouze hiệu ứng ảo… kết hợp với cảnh trí, các hình thức múa tương tác để tạo nên những phần trình diễn có hiệu quả về thị giác.

Chương trình được mở màn bằng nhạc cảnh Can't Take My Eyes Off You, với bối cảnh chính là một lễ hội của muôn thú, muôn người trong khu rừng tại một ngôi làng. Và ở đó, Đàm Vĩnh Hưng đột ngột bước ra từ viên kim cương được thiết kế cách điệu hoành tráng trên nền nhạc của ca khúc Quando Quando Quando. Rất nhiều người đã vỗ tay cho sự mở màn khá độc đáo này.


Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong đêm nhạc Diamond Show tối 1/10 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM)

“Độc đáo” là điều mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và ê-kíp thật sự muốn đem đến cho công chúng tại liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát. Ngoài tiết mục mở màn, công chúng còn được chiêm ngưỡng nhiều hoạt cảnh sân khấu khá hấp dẫn như có cả một vườn hoa hồng tự nở trên sân khấu, những nhân vật mannequin không đầu, cả một khu vườn kiểu Nhật được trưng bày khá công phu và tỉ mỉ, những màn đấu kiếm kiểu samurai, những hoạt cảnh đường phố Âu Mỹ thập niên 1980… được tái hiện khá quy củ và ít nhiều tạo được điểm nhấn nơi người xem.

Sân khấu được dựng khá bắt mắt với những mô típ hình ảnh được thay đổi liên tục, lúc là lễ hội Carnaval sôi nổi và đa màu của quê hương samba, lúc lại quý phái, cổ điển theo màu Âu châu, lúc lại yên bình và bí ẩn của sắc màu châu Á.  

Tuy nhiên, những màn chuyển cảnh thì lại không được mượt mà cho lắm, có khá nhiều thời gian chết. Đó còn chưa kể, ở quãng 2/3 chương trình còn có thêm màn cảm ơn nhà tài trở kéo dài hơn 20 phút làm cho nhiều người bị mất đi nhịp cảm xúc bị cắt khá vội vàng.

Âm nhạc chưa “đã”

Có thể thấy, Diamond Show là một chương trình “đậm” về phần nhìn hơn là phần nghe. Nhưng điều quan trọng nhất của mô hình cabaret như lần này, là phải có một dàn nhạc chơi sống, thì lại hoàn toàn mất tăm.

Chính vì không có dàn nhạc sống, và chơi nhạc đệm bật sẵn, nên các ca sĩ thể hiện, từ Đàm Vĩnh Hưng, Bảo Anh, Hồ Ngọc Hà, Dương Triệu Vũ… thiếu sự bay bổng trong trình diễn. Ở nhiều phần, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đôi chỗ bị lạc nhưng nhờ kinh nghiệm sân khấu nên đã sửa chữa được ngay. Nhiều chỗ, Đàm Vĩnh Hưng gần như liên tục phải chạy nốt và nó khiến cho phần lời Anh ngữ trong các bài mà anh thể hiện bỗng dưng bị “nuốt chữ”.

'Diamond Show' của Đàm Vĩnh Hưng có thêm 'soái ca'

'Diamond Show' của Đàm Vĩnh Hưng có thêm 'soái ca'

Thông tin mới nhất từ Đàm Vĩnh Hưng cho biết, ca sỹ Tuấn Hưng và Isaac (cựu thành viên nhóm 365) sẽ là hai khách mời đặc biệt mà anh quyết định mời tham gia vào liveshow “Diamond Show" sẽ diễn ra vào 1,2/10 tới đây.


Hay như ở bài Say tình của Hồ Ngọc Hà, đúng ra đó sẽ là một phần trình diễn rất hay nếu như phần mở đầu bằng tiếng guitar flamenco không được chơi bằng âm thanh của keyboard...

Nếu bảo rằng, điều gì là đáng tiếc nhất trong đêm nhạc Diamond Show chính là việc nó thiếu đi một dàn nhạc chuyên nghiệp.

Diamond Show là một đêm diễn nhạc nước ngoài hiếm hoi của Đàm Vĩnh Hưng. Trước đây anh vẫn thường hát nhiều bài nhạc quốc tế nhưng khá lẻ tẻ và cách đoạn. Giờ đây, tất cả được hát lại theo cách riêng của Đàm Vĩnh Hưng và anh cũng thêm mới rất nhiều bài để hoàn thiện nội dung một chương trình.

Những gì mà Đàm Vĩnh Hưng đã thể hiện tối 1/10, tạm không bàn đến chất lượng âm nhạc bởi không có dàn nhạc giúp nghệ sĩ thật sự thăng hoa, thì dường như Đàm Vĩnh Hưng muốn đưa Diamond Show thành một chương trình hoài niệm và xa hơn, anh muốn mọi người sẽ nhớ đến mình như một phần của quãng đường âm nhạc của thời kỳ đó.

Đàm Vĩnh Hưng đã đến với bolero, đã ngả sang nhạc xưa, đã hát nhạc tiền chiến, đã lấn luôn cả những ca khúc của thời ca khúc chính trị, đã hát nhạc quốc tế, đã xưng vương ở lãnh địa nhạc trẻ, thậm chí cả EDM… thì giờ, với Diamond Show, anh đã “lắp” thêm mình vào một thời kỳ sôi động của âm nhạc Việt Nam, thời cuối 1980 sang 1990.

Những ca khúc như Môi tím, Dancing All Night, Trời còn mưa mãi, Người yêu dấu ơi, Within You’ll Remain, Never Fall In Love, Một thuở yêu người, Touch By Touch… được hát lại dưới dáng vẻ mới, có cái nghe được, có cái được phối ngồ ngộ, chưa thấm được ngay.

Nếu nhìn lại cả một quá trình phát triển của nhạc trẻ Việt, gần như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chưa bỏ sót một thời kỳ nào.

Nhưng, cho dù đây là một chương trình mang tính tâm huyết nhưng nó vẫn như là một giấc mơ. Bởi, như đã nói từ trên, chương trình lại quá chú trọng phần nhìn, trong khi phần âm nhạc, mang nhiều tính hoài niệm như vậy, lại không được chăm chút ngang bằng.

Và trong giấc mơ ấy, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã chạm vào được phần nào linh hồn của không khí âm nhạc hơn 20 năm trước nhưng để trở thành một phần bất biến của nó, e rằng vẫn còn khiên cưỡng.

Diamond Show là một chương trình hay nhưng hạt thì nhiều mà kim cương thì lại hơi ít.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...