Đến lượt điện ảnh nhắc nhở về bản quyền phim
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi một số nghệ sĩ ở lĩnh vực âm nhạc tại Việt Nam “nổ phát súng” đầu tiên về “Nghe có ý thức”, tới lượt lĩnh vực điện ảnh lên tiếng về bản quyền phim.
Ngày 8/11, tại Đại học Ngoại thương (Hà Nội) diễn ra cuộc hội thảo kéo dài cả ngày về “Vai trò của sinh viên trong việc khuyến khích và bảo vệ nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam” do Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) phối hợp với Công ty Dịch vụ phim Cầu Nối Đỏ và Đại học Ngoại thương tổ chức. Dù chỉ là hội thảo trong trường đại học, nhưng chương trình đã mời được Phó Chủ tịch MPA Frank Rittman, đại diện Cơ quan Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ Peter Fowler, Giám đốc Pháp lý và Thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương Susan Lee sang Việt Nam nói chuyện với sinh viên.
Nghệ sĩ: Đau khổ khi sáng tạo của mình bị đánh cắp
Nhà tổ chức đã khá khôn khéo khi mời được những người nổi tiếng như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhạc sĩ Quốc Trung, diễn viên Tự Long đến nói chuyện với sinh viên, giữ chân họ từ sáng đến chiều để nghe một vấn đề khá mới ở Việt Nam.
Từ trái qua: Bà Phan Cẩm Tú; Giám đốc Pháp lý và Thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương Susan Lee; đạo diễn Hoàng Điệp và diễn viên Tự Long. |
Nhạc sĩ Quốc Trung cũng đồng quan điểm với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về “những thứ miễn phí”. “Tôi thấy nhiều ngôi sao nước ngoài đến đây với mục đích như quảng bá nhãn hiệu, vì là show miễn phí nên họ biểu diễn như là “ban phát”. Ở đây không có sự bình đẳng giữa ngôi sao và người hâm mộ, giữa người bán sản phẩm nghệ thuật và người mua là khán giả. Chừng nào chúng ta chưa có một thị trường lành mạnh thì những ngôi sao thực sự sẽ không tới đây. Khi không có một môi trường, thị trường văn minh, thì rất khó cho những người làm nghề sáng tạo”.
Quốc Trung nhắn nhủ các bạn trẻ nên có ý thức từ sớm việc tôn trọng giá trị sáng tạo, có ứng xử đúng đắn về bản quyền, để tránh gặp phiền phức trong công việc sau này.
Diễn viên Tự Long sau khi khiến sinh viên cười nghiêng ngả đã chia sẻ nỗi khổ thường xuyên bị “mạo danh”, chương trình biểu diễn thì bị in trộm để bán đĩa. “Tôi thực sự buồn, nhưng quả thực đây là hiện trạng ở Việt Nam, vì lợi nhuận người ta sẵn sàng xâm phạm quyền lợi của người khác”.
Vi phạm bản quyền cản trở đầu tư cho điện ảnh
Trao đổi với TT&VH, bà Phan Cẩm Tú, chuyên gia tư vấn của MPA tại Hà Nội cho biết, lý do MPA tổ chức cuộc hội thảo này vì “MPA nhận thấy thị trường điện ảnh Việt Nam tăng trưởng với tốc độ chóng mặt trong vài năm trở lại đây và muốn tham gia đầu tư”. MPA là hiệp hội do 6 hãng phim lớn của Mỹ thành lập từ năm 1945 đấu tranh cho quyền tự do của các nhà làm phim, bảo vệ quyền sáng tạo và ý tưởng của người làm điện ảnh.
Tuy nhiên, đại diện của MPA, Phó Chủ tịch cao cấp MPA Frank Rittman, hiện làm việc tại hãng Paramount Pictures cho biết: “Thách thức lớn nhất ở thị trường của các bạn chính là vấn đề bản quyền. Ở đây mọi người vẫn nghĩ việc tải từ mạng về máy tính 1 bộ phim là bình thường và việc xử phạt nhẹ hơn hẳn so với các tội khác. Điều đó khiến nhà đầu tư e ngại”.
Trong hội thảo, ông Peter Fowler, đại diện Cơ quan Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ cho rằng thời đại kĩ thuật số khiến cho việc vi phạm bản quyền trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng “việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có tầm quan trọng trong sự phát triển của cả một quốc gia. Chỉ khi tạo ra một thị trường lành mạnh, thì các chủ thể trong đó mới có thể yên tâm sáng tạo”.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Bà Hà Thục Vân, Giám đốc Công ty Dịch vụ Sản xuất phim Cầu Nối Đỏ (Red Bridge): “Các ngành khác đã khơi lên chuyện bản quyền, tại sao điện ảnh lại không. Bây giờ không làm thì đợi đến bao giờ nữa. Chúng tôi đã gợi ý cho đối tác (MPA) nên hướng vào các bạn trẻ, tổ chức cho các bạn một sân chơi từ đó thay đổi nhận thức về bản quyền. Ví dụ như làm thông điệp truyền thông, các em đưa ý tưởng, kết hợp với các nhà làm phim thực hiện, từ đó hiểu làm điện ảnh vất vả thế nào và biết trân trọng việc bảo vệ bản quyền. Ở nước ngoài trẻ con đã được dạy ý thức về bản quyền từ nhỏ, ở Việt Nam thì chưa. Nhưng tôi nghĩ dẫu muộn còn hơn không”. |