Gặp gỡ mùa Thu do Phan Đăng Di và Trần Bích Ngọc sáng lập năm 2013. Năm thứ hai tổ chức, ngoài lớp đào tạo dành cho đạo diễn, sự kiện được mở rộng thêm lớp học dành cho quay phim với sự tham gia giảng dạy của hai đạo diễn hình ảnh nổi tiếng Hàn Quốc là Kim Hyung Koo và Lee Doo Man. Tuần qua, tại Đà Nẵng, chương trình Gặp gỡ mùa thu 2014 đã bế mạc và trao các giải thưởng: Bộ phim tương lai thuộc về Vũng của Phan Nha Trang và Dịch vụ bạn cùng phòng của Nguyễn Lê Hoàng Việt; Phim thương mại xuất sắc nhất thuộc về Thằng ròm của Trần Dũng Thành Huy và Phim độc lập xuất sắc nhất là Cha cha cha của Đỗ Quốc Trung.
Đạo diễn Trần Anh Hùng đánh giá:
- Gặp gỡ mùa Thu là sự đầu tư vào tương lai. Qua hai mùa đào tạo các bạn trẻ, tôi chỉ hi vọng sẽ thấy được trong những điều cần thấy trong tương lai gần. Ban đầu, khán giả đến buổi gặp gỡ như thế này sẽ chưa thể hình dung được bất cứ điều gì. Tuy nhiên, từ những lớp học này, các đạo diễn trẻ sẽ nhìn thấy một cái gì đó mới mà ngay bây giờ họ chưa thể thực hiện được.
Thực tế, những nền điện ảnh như Pháp, Ý, Hàn Quốc... phát triển như bây giờ, cũng bắt đầu bằng những chương trình như thế này. Chẳng hạn như LHP Busan, lúc đầu cũng chỉ vài người đến nhưng giờ lại thành liên hoan phim quốc tế có uy tín trong khu vực.
Đạo diễn Trần Anh Hùng (bìa trái) trao giải “Bộ phim tương lai” cho hai tác giả Phan Nha Trang và Nguyễn Lê Hoàng Việt
* Đã có hai năm làm việc cùng những nhà làm phim trẻ tại Gặp gỡ mùa Thu, anh nhìn thấy từ đó một nền điện ảnh Việt thế nào?
- Sự kiện hàng năm này để các nhà làm phim trẻ đến đây chia sẻ, trình bày ý kiến của mình. Đồng thời đây là bài học cho họ về sự can đảm, “nói” về chính mình. Sau này, họ phải đi những LHP quốc tế, thậm chí chỉ để “nói” để giành lấy một chút tiền ít ỏi làm phim.
Trong những ngày đào tạo các nhà làm phim trẻ, tôi phải tìm câu chuyện, nội dung đơn giản để chỉ cho họ làm sao có thể khai thác ngôn ngữ điện ảnh cho tốt. Quan trọng nhất là họ phải hiểu ngôn ngữ điện ảnh là gì. Đôi khi, công việc này khiến tôi khá mệt mỏi nhưng nhiều lúc rất hưng phấn, giúp tôi vỡ ra được nhiều thứ. Nói vui, với tôi, công việc này giống như là đi cày vậy.
Những mùa đầu tiên, Gặp gỡ mùa Thu có thể chưa cho ra đời tác phẩm nào, nhưng tôi mong rằng 4-5 năm nữa sẽ có “trái ngọt”. Đến một lúc nào đó, sẽ có một tài năng xuất hiện. Chúng ta phải chờ thôi. Tôi nghĩ chắc chắn và mong rằng, điện ảnh Việt Nam trong tương lai sẽ tốt hơn.
* Nếu có một LHP Quốc tế Đà Nẵng, anh nghĩ sao?
- Đà Nẵng là nơi rất đẹp, có con sông nằm giữa TP với ánh sáng lung linh trên mặt nước, có những cây cầu rất đẹp, đường xá rất rộng, sạch sẽ, nhiều resort và bờ biển đẹp. Đây là điều kiện thuận lợi hơn so với TP.HCM và Hà Nội.
Năm nay, Gặp gỡ mùa Thu đã mời được những người từ LHP Cannes, Venice, vài chuyên gia từ Hàn Quốc... để lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thấy, chúng ta có những người cố vấn rất tốt để làm LHP sau này.
Tôi không nghĩ việc tổ chức LHP Quốc tế Đà Nẵng là việc xa vời. Đà Nẵng có thiệt thòi vì không nhiều sự kiện về điện ảnh diễn ra ở đây. Nhưng TP lại có một nhu cầu rất lớn về phát triển văn hóa nên tôi nghĩ đây là nơi rất tốt để tổ chức LHP. Đà NẵngTP chưa cần xây dựng cái gì đó quá lớn để chuẩn bị cho sự kiện này. Những bước đầu sẽ là cái nhỏ nhỏ, những cái đã có như chiếu phim ở đâu. LHP Busan lúc đầu cũng thế, vừa rồi, họ mới làm một nơi dành cho LHP. Hãy bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhưng vững chắc.
* Nhiều năm làm việc tại nước ngoài, anh cho rằng điểm yếu nhất của điện ảnh Việt Nam là gì?
- Tôi không biết. Có thể, điểm yếu nhất của điện ảnh Việt Nam là chưa có một hệ thống chuyên nghiệp để làm phim. Những anh em bây giờ họ rất khổ sở để làm phim. Việt Nam chưa định hình được một nền công nghiệp điện ảnh. Tuy hoàn cảnh như thế nhưng lâu lâu mình vẫn có một bộ phim dự LHP quốc tế.
Tiền không phải là tất cả cho điện ảnh. Mình phải xem lại hết mọi vấn đề: cách suy nghĩ về ngôn ngữ điện ảnh, thế nào là câu chuyện hay, nhân lực... Đơn giản như một trợ lý đạo diễn giỏi, có thể tổ chức một ngày quay làm sao để đạo diễn có nhiều thời gian hơn để quay, không để mất thời gian vì những chuyện nhỏ. Cái này, mình phải cần đào tạo rất nghiêm túc để có những người như thế. Nhưng Việt Nam lại rất thiếu những điều đó.
Hồng Thúy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa