Đạo diễn Stephane Gauger và hành trình 'yêu đi, đừng sợ!'
(Thethaovanhoa.vn) - Từng gây ấn tượng với người xem bằng hai phim đậm chất Việt là Cú và chim se sẻ (2007), Sài Gòn yo! (2011), nay Stephane Gauger bất ngờ trở lại Việt Nam bằng một phim phái sinh (remake) từ kịch bản của Hàn Quốc, có tên Yêu đi, đừng sợ!, công chiếu từ ngày 25/8.
Trước khi đến với vai trò đạo diễn một phim có tính cách thương mại như Yêu đi, đừng sợ!, Stephane Gauger từng có chân trong tổ máy quay và tổ điện của 21 phim, nhà quay phim cho khoảng 15 phim, biên kịch của 6 phim, nhà sản xuất của 6 phim, diễn viên của 2 phim, và làm đạo diễn của 7 phim có tính cách độc lập. Hoàn toàn có thể nói Stephane Gauger (sinh 1970, mẹ Việt, cha Mỹ gốc Đức) là người của phim trường, dường như việc gì anh cũng sẽ làm.
Thách thức của tác phẩm phái sinh
“Năm 2016, CJ Entertainment và HK Film mời tôi về làm trong ê-kíp của phim Cô hầu gái, thấy họ là những đơn vị làm việc phù hợp với tiêu chí của mình, nên nhận lời làm đạo diễn cho một kịch bản mà họ đề nghị. Kịch bản phim gốc Spellbound (Lời nguyền tình yêu, 2011) là một câu chuyện khá thú vị, dường như người nước nào xem cũng được, nên khi làm lại sẽ có nhiều thuận lợi. Tất nhiên, từ quan niệm riêng về việc làm phim, tôi đã cố gắng thay đổi và Việt hóa, để làm sao người xem cảm thấy rằng câu chuyện này cũng có thể xảy ra tại Việt Nam” - Stephane Gauger kể duyên cớ làm Yêu đi, đừng sợ!
Tất nhiên ai làm tác phẩm phái sinh cũng đều nghĩ rằng mình sẽ làm hay hơn, sẽ thay đổi cho hợp lý và hợp hoàn cảnh sống, hợp văn hóa của nước sản xuất hơn. Stephane Gauger có lẽ cũng vậy? Dù chỉ có một nửa dòng máu Việt, rời Sài Gòn từ lúc 5 tuổi, nhưng khi làm phim ở Việt Nam, dường như Stephane Gauger buộc phải nghĩ cách cho phim của mình mang màu sắc Việt nhiều nhất, dù đây hoàn toàn là câu chuyện hư cấu.
Stephane Gauger cho biết khi nhận kịch bản, anh đã điều chỉnh, viết thêm và làm đậm hơn các màn ảo thuật, cũng như khắc họa rõ hơn các tuyến nhân vật phụ. Bên cạnh đó, anh cũng điều chỉnh lời thoại, cách ứng xử… sao cho tự nhiên, gần gũi với người Việt. “Tôi may mắn vì có được các diễn viên giỏi nghề, họ đã giúp tôi rất nhiều trong cách Việt hóa lời thoại, cách biểu lộ cảm xúc cho gần với cách của người Việt hiện nay” - anh nói.
Stephane Gauger nói rằng dù nguyên cớ làm phim Yêu đi, đừng sợ! khác với hai phim độc lập trước đây, nhưng chắc chắn người xem sẽ khó nói đây là một phim Hàn Quốc nói tiếng Việt. Nhưng đây cũng không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam, chỉ người Việt mới cảm nhận thấu hiểu. Cũng như khi làm Cú và chim se sẻ, một câu chuyện tưởng điển hình cho cuộc sống tại TP.HCM, nhưng khi ra quốc tế, nó trở thành một câu chuyện của tình người, nước nào cũng thấu hiểu được.
Nhà làm phim “hầm hố”, nhưng dễ gần
Có thể nói Stephane Gauger là một nhà làm phim kiên quyết và “cứng đầu”, vì vậy tinh thần độc lập và tự chủ luôn khá cao. Còn nhớ khi làm Cú và chim se sẻ, để tiết kiệm kinh phí, anh vừa viết kịch bản vừa tìm diễn viên, rồi đạo diễn và tự quay phim. Đây là chưa nói trong các khâu khác, do có kinh nghiệm thực tế, anh cùng mọi người tính toán sao cho hợp lý nhất. Kết quả đoàn phim đã xong phần sản xuất với thời gian kỷ lục: 15 ngày.
Không phải vì thế mà phim dài đầu tay này yếu hoặc hời hợt, đó là một câu chuyện của cảm xúc, với diễn xuất và cách thể hiện khá sinh động. Sau khi phim hoàn tất, trong hơn 1 năm, Stephane Gauger đã mang phim đến gần 30 liên hoan phim ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Phim đã giành được hơn 10 giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Phim truyện đầu tay xuất sắc nhất của LHP quốc tế Hawaii và LHP Los Angeles (Mỹ); giải BGK dành cho Phim hay nhất tại LHP châu Á ở San Diego và LHP San Francisco.
Khác với vẻ ngoài “hầm hố” và thích lang thang vỉa hè, trong đoàn phim, Stephane Gauger lại khá gần gũi, dễ tính. “Không chỉ là một đạo diễn rất chiều diễn viên, mà Stephane còn luôn tạo tâm lý thoải mái để diễn viên thể hiện hết khả năng của mình. Những cảnh quay khó anh đều tự mình thị phạm, sau đó đề nghị diễn viên làm theo, qua đó tự đưa ra cách của mình, cái nào hợp lý hơn thì lấy” - diễn viên Ái Phương cho biết.
Thông điệp của “Yêu đi, đừng sợ!” “Chuyện tình giữa Tùng và Phương trong phim không chỉ là tình yêu trai gái, mà còn là tình yêu với đời sống nói chung. Qua phim của mình, tôi muốn gởi thông điệp rằng: Hãy yêu đi, đừng sợ! Bởi chỉ có tình yêu mới làm cho ta thấy con người, công việc, cuộc sống, xứ sở… thật đáng yêu, đáng sống” - Stephane Gauger nói. |
Như Hà
Thể thao & Văn hóa