loading...
(TT&VH Online) - Đạo diễn Ron Howard biết trước ông sẽ tự chuốc lấy nhiều rủi ro khi chấp nhận công việc chỉ đạo Angels and Demons (Thiên thần và Ác quỷ), bộ phim thứ 2 của nhà văn trinh thám Dan Brown sau thành công mang tính hiện tượng của The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci).
Bối cảnh chủ yếu của tập truyện này là thành phố Rome, tuy nhiên ông đã chuẩn bị trước tinh thần để đón nhận những khó khăn mà Nhà thờ Công giáo sẽ gây ra cho đoàn làm phim, sau khi tổ chức tôn giáo lớn nhất thế giới này kịch liệt chỉ trích Da Vinci Code. Chính vì thế vị đạo diễn từng đoạt giải Oscar đã phải dùng tới kế sách...
Ron Howard (trái) và Tom Hanks
Ông đi khảo sát bối cảnh bằng cách tự bỏ tiền túi để cùng một đoàn khách du lịch đến thăm tòa thánh Vatican. Ông đã phải đeo kính đen và đội mũ lưỡi trai để tránh bị phát hiện. Và khi bộ phim bắt đầu được bấm máy, ông đã vận dụng toàn bộ kỹ năng, kỹ xảo của hơn 50 năm hành nghề trong lĩnh vực điện ảnh để san phẳng những chướng ngại trên con đường ông đi.
Ron Howard nói: “Tôi tự hào về những gì chúng tôi đã đạt được với bộ phim này, bởi chúng tôi đã vận dụng gần như tất cả các kỹ thuật thị giác trong điện ảnh, từ những kỹ thuật đơn sơ của một trăm năm trước, đến công nghệ số tối tân nhất hiện nay. Chúng tôi đã phải xây dựng một phim trường khổng lồ, thế nhưng vẫn phải quay "du kích" một vài cảnh ở Rome và sử dụng phông nền xanh. Tôi rất mừng vì đây là bộ phim thứ 20 của tôi chứ không phải bộ phim thứ 2, bởi nó đòi hỏi phải lên kế hoạch kỹ lưỡng, phải nhìn bao quát trước mọi thứ, phải vận dụng nhiều kỹ thuật hình ảnh và phải ráp nối rất nhiều những mảnh ghép nhỏ. Về mặt kỹ thuật, bộ phim là một chiến công thực sự, còn về mặt thống kê, nó lại là một thách thức khủng khiếp, thế nhưng chúng tôi cũng đã biết cách để hoàn thành nó”.
Ron Howard thậm chí còn không cần xin phép để được quay phim tại một số nhà thờ nổi tiếng ở Rome vì ý thức được rất rõ ràng những ác cảm của Vatican đối với The Da Vinci Code và món đặc sản cocktail, gồm những thành phần: khoa học, tôn giáo, hiện thực và hư cấu, của nhà văn Dan Brown.
Vị đạo diễn 54 tuổi cho biết: “Chính sách của họ là bất hợp tác, vì thế chúng tôi chỉ hy vọng khi đặt chân xuống Rome, họ sẽ không ngay lập tức ra tay ngăn cản. Thực tế là họ đã không làm vậy trong phần lớn thời gian, tuy nhiên khi thực hiện một số cảnh quay tại những địa điểm được chính quyền thành phố cho phép, mà từ đó bạn có thể nhìn thấy một số nhà thờ ở phía sau, thì chúng tôi đã gặp phải rất nhiều rắc rối. Chúng tôi tin Vatican đã làm mọi cách để đuổi chúng tôi ra khỏi những địa điểm đó”.
Đoàn làm phim đã thực hiện những cảnh quay tại Rome trong vòng 1 tháng, trên những con đường của thành phố, tại Pantheon, Piazza del Popolo và Castel Sant Angelo, thế nhưng ngoài những cản trở từ phía Vatican, họ còn gặp phải những vấn đề từ chính khán giả hâm mộ, những người đã vây kín khu vực quay phim để ngắm nhìn những ngôi sao bằng xương bằng thịt. Chính vì thế, họ đã trở lại Los Angeles, nơi quảng trường Thánh Peter, đền thờ Sistine, Piazza Navona, cùng những đài, tháp, và các tác phẩm điêu khắc của Raphael, Michelangelo đều được tái hiện lại trên những trường quay của Hollywood.
Mặc dù Angels and Demons ra đời trước The Da Vinci Code trong loạt truyện trinh thám ăn khách của Dan Brown, và cũng đồng thời là chuyến phiêu lưu đầu tiên của giáo sư biểu tượng học, Robert Langdon, thế nhưng Howard lại quyết định chuyển thể quyển truyện này thành phần tiếp theo, trong đó Tom Hank tiếp tục thủ vai Langdon, đương đầu với Illuminati, một tổ chức bí mật với những âm mưu thanh trừng đẫm máu.
Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh Howard làm một bộ phim thứ 2 về 1 nhân vật, ông nói: “Trước đây, tôi không bao giờ muốn làm điều đó, bởi tôi luôn hứng thú trong việc tìm tòi những điều mới mẻ. Thế nhưng, mặc dù Robert Langdon một lần nữa trở lại với vai trò trung tâm, bộ phim vẫn vô cùng khác biệt so với The Da Vinci Code, chính vì vậy tôi đã không có cảm giác mình đang thực hiện phần phim tiếp theo. Bộ phim này cần một giai điệu và một nhịp độ khác. Đây là một bộ phim ly kỳ, dựa trên một bí ẩn thú vị, trong khi đó, The Da Vinci Code lại đề cập nhiều đến quá khứ. Về khía cạnh chỉ đạo và hình ảnh, hai bộ phim này cũng hoàn toàn khác biệt”.
Mặc dù trong Angles and Demons, nhân vật chính Robert Langdon đứng về phía Nhà thờ Công giáo để chống lại những thế lực âm mưu tiêu diệt tổ chức tôn giáo này, thế nhưng giới chức nhà thờ vẫn tiếp tục chỉ trích bộ phim ngay từ khi nó còn chưa hoàn tất. Họ phản đối Brown vì đã viết nên một câu chuyện trong đó mô tả Nhà thờ làm cản bước tiến của khoa học, bằng việc giết hại các nhà khoa học, đồng thời miêu tả vị trí Giáo Hoàng ở Vatican là một chức vụ khiến nhiều người sẵn sàng nhúng tay vào máu để đạt được nó. William Donohue, giáo chủ Liên minh Công giáo, còn cáo buộc câu chuyện đã thổi phồng lịch sử của tổ chức Illuminati, khi cho rằng tổ chức này chỉ tồn tại trong khoảng 1 thập kỷ, thay vì hàng thế kỷ, và Galileo chưa bao giờ là thành viên của tổ chức này.
Howard nói tiếp: “Tất cả sự phản đối này đều vang vọng từ chiến dịch chỉ trích Da Vinci Code. Tôi hy vọng ngoài việc cảnh báo những bê bối có thể xảy đến với Nhà thờ, bộ phim còn tái hiện được những giá trị tâm linh của nó. Tôi có những người bạn rất thân thiết theo Công giáo, khi hỏi họ về Da Vinci Code, họ có vẻ khó nói, nhưng khi hỏi họ về Angels and Demons, thì họ trả lời những vụ bê bối và bạo lực là một phần của lịch sử Nhà thờ, mà bạn có thể đọc được ngay trong thư viện của Vatican. Quyển sách đúng là đã hư cấu những gì liên quan đến đề tài này, thế nhưng nó hoàn toàn không hề có ý định làm tổn hại đến ai”.
Một cảnh trong Angels and Demons
Đã có khoảng 40 triệu người đọc quyển sách này, và gần như tất cả sẽ cau mày trước những sự thay đổi và lược bỏ mà Howard đã làm trong quá trình đưa câu chuyện lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên ông đã không hề biện hộ quyết định của mình: “Tôi muốn được tự do hơn với tập phim này bởi nếu tôi nhận thức được một điều gì đó từ The Da Vinci Code, thì đó là một câu chuyện rất, rất tham vọng. Cốt truyện của nó rất phù hợp với thể loại tiểu thuyết, nhưng khi lên phim thì bạn buộc phải đơn giản hóa nó, với bộ phim này, tôi muốn thu hẹp sự tập trung lại”.
Nhà văn Dan Brown cũng vừa kết thúc tập truyện thứ ba về nhân vật Robert Langdon với nhan đề The Lost Symbol (Biểu tượng bị đánh mất). Quyển truyện này sẽ được xuất bản vào tháng Chín tới. Sẽ rất an toàn nếu đặt cửa Howard, Hanks và đoàn làm phim sẽ sớm tái ngộ để chuyển thể tập truyện này lên phim, cho dù chính Howard đã khẳng định ông chưa có ý tưởng gì về nội dung quyển sách.
Ông nói: “Dan không nói gì với tôi cả. Tôi biết là anh ấy đã quay lại, đào sâu câu chuyện hơn và chăm chút nó từng tý một. Tại lễ ra mắt bộ phim tại Rome, tất cả chúng tôi đều quây lấy anh ấy và liên tục chuốc rượu để anh ấy tiết lộ một chút về nội dung, nhưng anh ấy chẳng hề hé ra lấy một từ”.
Trần Việt (theo Telegraph)
loading...