Đạo diễn Phan Đăng Di: Tôi thực sự không thấy vui vì 'thành tích' này
* LHP Berlin với anh là chỗ “người quen”, vốn đã lỡ hẹn một lần với Bi, đừng sợ!, lần này đem được phim đến dự, cảm xúc của anh thế nào? Anh hy vọng phim đi đến đâu?
- Khi biết phim được chọn, chúng tôi đều phấn chấn. Nhưng phim được chọn khi vẫn chưa hoàn tất hậu kỳ nên bây giờ cả ê-kíp phải làm ngày làm đêm cho kịp giao vào cuối tháng Một nên cũng bở hơi tai. Vả lại vào Official Competition là một việc khá phức tạp với nhiều thứ phải chuẩn bị, riêng phần nghi lễ đã có một danh sách dài đầu việc phải để ý. Đạo diễn như tôi thì xuất hiện tùng tiệm cũng được, nhưng với diễn viên lại là chuyện khác, như Đỗ Hải Yến, riêng bộ áo dài phải may mất gần một tháng, nhưng đó là sự cầu kỳ xứng đáng cho lần đầu chúng ta xuất hiện tại LHP Berlin.
Về phần mình, tôi hy vọng sau khi ra mắt khán giả ở LHP Berlin, Cha và con và... sẽ có cơ hội lớn hơn để được phát hành rộng rãi cả trong và ngoài nước; các nhà đầu tư có thể thu hồi vốn, còn tôi thì được thêm tí tiền để chuẩn bị cho bộ phim mới sẽ quay vào cuối năm nay. Cũng may là đến LHP Berlin lần này, chúng tôi đã có hãng phát hành quốc tế.
* Theo anh, LHP Berlin có những điểm khác biệt, hay đặc trưng nào khác so với các LHP khác?
- Là LHP hàng đầu, nhưng không như Cannes, LHP Berlin mở cửa để công chúng có thể mua vé vào xem. Điểm làm cho Berlin đặc biệt chính là sự cuồng nhiệt của khán giả, mỗi năm có khoảng vài trăm phim được trình chiếu với hàng ngàn buổi, nhưng khán giả thường kín rạp, chuyện dựng lều xếp hàng mua vé cũng thường thấy dù trời lạnh cắt da (LHP diễn ra vào thời điểm rét mướt nhất trong năm). Và có lẽ cũng vì phải mua vé để xem nên khán giả LHP Berlin ít khi ngủ trong rạp như LHP Cannes. Tại Cannes, sau những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, dân trong nghề vào rạp đánh một giấc dài nhiều lắm, dù cho khán giả bình thường đứng đầy đường chỉ để xin ai đó thương tình cho một tấm vé (vốn không thể mua được).
* Anh có nghĩ điện ảnh nội địa Việt Nam đã phải chờ quá lâu?
- Rõ ràng rồi. Bởi đây là một việc mà các nước láng giềng Đông Nam Á của chúng ta đã làm được từ lâu. Dù là đạo diễn Việt Nam đầu tiên được vào Official Competition ở LHP Berlin, tôi thực sự không thấy vui vì “thành tích” này. Giá như trước tôi, nhiều phim của chúng ta đã ở đó và tiếng Việt đã trở nên quen thuộc thì sẽ vui và hay hơn rất nhiều. Bởi lúc đó, bộ phim nhỏ này của tôi sẽ được vừa vặn là một tiếng nói cá nhân và riêng tư mà không phải mang thêm bất kỳ một trách nhiệm hay kỳ vọng nào khác chỉ vì lần đầu có một phim đến từ Việt Nam.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần