(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu Sao Minh Béo công diễn vở cải lương hài Trạng làm quan (KB: Huy Cờ, chuyển thể cải lương: Đăng Minh, ĐD: NSƯT Phạm Đỗ Kỷ) vào thứ Bảy hàng tuần, với các ngày 3, 10, 17 và 24/10, nhằm chuẩn bị dự thi Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tại Bạc Liêu vào tháng 11/2015. Điều gì khiến một sân khấu kịch làm cải lương?
Mượn chuyện dân gian về chàng trạng hiền lành ra giúp vua chiến thắng ý đồ xâm lược của nước lân bang, đồng thời thoát khỏi sự ám hại của nịnh thần để về quê sinh sống. Vở cải lương hài Trạng làm quan là cách để mượn chuyện xưa nói chuyện nay.
Danh hài Minh Béo (ông bầu Sân khấu Sao Minh Béo) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa về vở diễn này.
* Thưa anh, vì sao các anh muốn dựng một vở cải lương, trong khi thế mạnh là kịch, tấu hài, tạp kỹ?
- Sân khấu Sao Minh Béo đã từng dựng các vở hài kịch, nay muốn thay đổi không khí, nên làm thêm những vở cải lương hài. Theo thăm dò thị trường quận 11 và các quận lân cận, họ vẫn yêu thích bộ môn cải lương. Trước đây khi sân khấu mới mở, chúng tôi đã từng thử nghiệm vở Võ Tắc Thiên (cải lương Hồ Quảng), cũng được khán giả yêu thích.
Mặt khác, dựng cải lương để đi thi, với mục đích giao lưu, học hỏi và để quảng cáo mình với khán giả miền Tây. Sân khấu cũng từng thành công và đạt nhiều huy chương tại liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa, cũng như liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân tại Hà Nội vừa qua. Trong sự hào hứng đó, nay chúng tôi muốn tiếp tục chinh phục khán giả miền Tây.
Danh hài Minh Béo trong vở "Trạng làm quan"
* Để hát được cải lương cho ra trò, với anh và các nghệ sĩ khác có khó lắm không?
- Thật ra vở Trạng làm quan có đến hơn 70 % là nghệ sĩ cải lương, chỉ vài diễn viên kịch tham gia, nên việc ca ngọt và diễn cải lương có lẽ cũng an tâm. Duy chỉ có Minh Béo lần đầu nhận vai chính cải lương, phải ca trên 20 bài lý và ca cổ, đó là thử thách rất lớn.
Có một động lực chính, Minh Béo là fan cuồng của nghệ thuật cải lương. Cho nên đã nhờ các thầy cô và các nghệ sĩ chỉ dạy về ca diễn, cộng với kinh nghiệm nhiều lần hát cải lương trích đoạn.
* Vở cải lương này sẽ được đầu tư như thế nào?
- Ê-kíp đã tập hơn 1 tháng và từ 3/10, vở diễn sẽ sáng đèn cho khán giả xem trước khi đến hội diễn. Với tinh thần mang đến cuộc thi một luồng gió mới, nên chúng tôi tham gia rất thoải mái, không đặt nặng vấn đề giải thưởng.
Tuy vậy, vở diễn vẫn được đầu tư gần 500 triệu đồng, quy tụ gần 80 người trên sân khấu, với phục trang thiết kế riêng, giản dị, đẹp mắt. Bên cạnh đó là ê-kíp tác giả, đạo diễn, thiết kế sân khấu và âm nhạc chuyên nghiệp, hy vọng sẽ hỗ trợ tốt cho diễn viên. Chúng tôi rất muốn mang cải lương hài chào khán giả miền Tây.
* Vậy xét về mặt cải lương, vở này đi theo lề lối nào?
- Dân gian hài, kết hợp chất liệu giữa Bắc và Nam, sử dụng nhiều đồng dao. Các bài bản thì theo nghệ thuật cải lương cổ truyền dân gian, với ban nhạc sống, không sử dụng nhạc cụ điện tử. Diễn viên ca diễn mộc mạc, chân phương, phục trang không cầu kỳ, mang đậm phong cách Việt Nam.
* Vở này có kết hợp được với chất kịch, tấu hài, tạp kỹ của bên anh?
- Chỉ sử dụng âm nhạc truyền thống, vì đây là vở dân gian. Sân khấu cũng được thiết kế đậm chất dân gian, giống như một lễ hội bên bờ tre, có tò he, trống kèn cổ, tranh Đông Hồ…
* Anh có thể nói những thông điệp mà vở này muốn gởi gắm?
- Phải lấy dân làm gốc. Dù làm quan to nhưng vẫn cần dân giúp, và phải luôn lo cho dân cho nước, người tốt phải được tôn vinh, người thông minh phải được trọng dụng. Mượn câu chuyện giã sử dân gian để nói lên tính thời sự hiện đang nóng hổi. Thông qua những trò chơi của con nít, chúng tôi muốn gởi suy ngẫm cho cuộc sống hiện nay.
Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa