loading...
(TT&VH) - Chiều 13/9, NSND Đặng Thái Sơn - Chủ tịch danh dự, Giám đốc nghệ thuật của cuộc thi Piano Quốc tế lần I tại Hà Nội đã có buổi trò chuyện với báo giới trước đêm Gala trao giải. Ông đã tâm sự rất nhiều điều thẳng thắn.
Không giành được giải cao nhất (2 giải Nhất đều thuộc về thí sinh quốc tế), các thí sinh Việt Nam đã giành được 3 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải phụ... Kết quả này liệu đã làm hài lòng các thầy cô giáo cũng như công chúng yêu piano cả nước, trong khi chúng ta có những ứng viên sáng giá, từng đoạt các giải quốc tế trước đó và được rất nhiều kì vọng tại cuộc thi này? “Thí sinh Việt Nam chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng” NSND Đặng Thái Sơn cho biết: Có lẽ điều đáng tiếc nhất cho các thí sinh Việt Nam chính là ở khâu chuẩn bị. Phần thi của các thí sinh Việt Nam phản ánh sự chuẩn bị không kĩ lưỡng và vì thế, kết quả không đạt được cao như mong muốn là điều dễ hiểu. Thực tế, không chỉ ở cuộc thi này mà trong nhiều cuộc thi quốc tế khác, các thí sinh của Việt Nam thường ở trong tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, đến phút cuối mới xoay xở thì thật khó có thể đạt tới đỉnh cao.
NSND Đặng Thái Sơn. Ảnh: Ngọc Trần
Bình thường, chúng ta chỉ tổ chức những concour quốc gia nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức một concour quốc tế. Bởi lẽ, một concour quốc tế bao giờ cũng đòi hỏi có một thời gian chuẩn bị tối thiểu là 9 tháng đến 1 năm, bình thường là năm rưỡi đến 2 năm nhưng concour của chúng ta, đến phút chót chỉ có 4 tháng. Vì thế, hơi buồn là 1 concour quốc tế nhưng thí sinh của Việt Nam chiếm đa số. Mặt khác, trong hai yếu tố đều ảnh hưởng đến tâm lý khi đi thi là tự tin và tự ti thì Việt Nam thường tự tin hơi quá, hay nghĩ mình là nhất rồi. Trước đây, khi có các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam trình diễn, thường là những người ở đỉnh cao nên khó so sánh. Còn trong cuộc thi này, với lứa tuổi như nhau, rất dễ thấy sự phát triển của các thí sinh nước bạn so với mình như thế nào. Điều này cũng phản ánh phần nào về tình hình đào tạo chuyên ngành piano ở nước ta, còn chịu nhiều ảnh hưởng của Liên Xô (cũ) trong khi thế giới đã phát triển với nhiều nguồn khác nhau. Chúng ta đã có một cơ sở vật chất khá đầy đủ nhưng về phần đào tạo, có lẽ cần phải thay đổi theo hướng phát triển một cách tổng quát, mở rộng môi trường giáo dục như mở những lớp học ngắn hạn hoặc tổ chức các trại hè âm nhạc để giao lưu. Có như vậy, chúng ta mới có sự trao đổi giữa bên trong và bên ngoài để thấy mình đang đứng ở đâu và cần phải định hướng giáo dục như thế nào thì mới tiến xa hơn được.“Phản ánh đúng khả năng của từng thí sinh” Một điều cần nói đến nữa, là thành phần BGK. BTC cuộc thi đã mời được những BGK rất chuyên nghiệp nhưng chưa phải đã là “đỉnh nhất”. Và cuộc thi nào cũng đòi hỏi sự công bằng nhưng đây không phải là một cuộc thi như kiểu chạy Marathon để đo bằng thước mét và tính bằng giây. Càng vào vòng trong, những tiêu chuẩn chấm thi cũng nâng lên. Không chỉ chấm về mặt kỹ thuật mà còn chấm về khả năng thể hiện phong cách âm nhạc của tác giả thông qua tác phẩm trình diễn, về khả năng thể hiện cá tính riêng ở mỗi thí sinh. Và ở những cuộc thi chuyên nghiệp cao lại còn phụ thuộc vào “gu” của từng BGK. Rồi cuộc thi nào cũng cần có sự may mắn. Việc chơi cùng một tác phẩm giữa các thí sinh là một cơ hội nhanh nhất để các BGK nhận thấy ai chơi tốt hơn. Chưa kể thời điểm thi của các thí sinh cũng ảnh hưởng đến việc chấm thi của BGK. Ví dụ thi vào đầu buổi sáng hay cuối buổi chiều đều không thuận lợi. Chính vì thế, đòi hỏi sự công bằng trong cuộc thi một cách tuyệt đối là điều rất khó. Tuy nhiên, kết quả cuộc thi vẫn phản ánh đúng khả năng của từng thí sinh.
Các thí sinh bảng C của Cuộc thi
“Hơn 40 thí sinh Việt Nam tham gia trong mỗi bảng đã được các thành viên trong BGK đánh giá có chuyên môn cao và phát triển đồng đều” (Phát biểu của GS Trần Thu Hà, Chủ tịch BGK) |
Duy trì và nâng cao vị thế của cuộc thi Để nói về vị trí của cuộc thi lần này so với hơn 600 các cuộc thi piano trên thế giới, NSND Đặng Thái Sơn cho rằng “sẽ không thể đánh giá ngay được một cách xác đáng, vì đây là lần đầu chúng ta tổ chức, tuy nhiên không phải concour quốc tế nào cũng có phần thi mà thí sinh trình bày tác phẩm cùng dàn nhạc. Vì thế cuộc thi này cũng không phải đứng ở vị trí gần cuối trong 600 các cuộc thi piano trên thế giới. Làm thế nào để sau cuộc thi lần thứ nhất này, chúng ta thực hiện được những cuộc thi tiếp theo với tần suất 2 năm một lần sẽ là một thử thách đối với BTC. Vì để có nhiều thí sinh quốc tế đến tham dự hay không còn phụ thuộc vào kinh phí đài thọ và mức độ danh tiếng của cuộc thi đem lại. Giải thưởng của chúng ta còn hạn chế, nếu không muốn nói là còn không đủ để các thí sinh mua vé máy bay, chưa kể đến việc ăn ở trong những ngày thi. Riêng điều này đã khiến chúng ta mất đi cơ hội mời những thí sinh tài năng đến tham dự. Điều quan trọng nữa mà các thí sinh quốc tế quan tâm đến, đó là giải thưởng sẽ giúp họ có được thuận lợi như thế nào trong việc phát triển sự nghiệp sau này, như việc sẽ được chơi với những dàn nhạc nào trên thế giới, sẽ có một lịch trình biểu diễn ở những đâu, sẽ được ghi âm với các hãng đĩa nào?... Lần đầu trao học bổng Đặng Thái Sơn Năm nay, học bổng Đặng Thái Sơn trị giá 1.000 USD đã được trao cho các thí sinh Bùi Vũ Nguyệt Minh (bảng A); Nguyễn Lê Bình Anh (bảng B) và Lưu Hồng Quang (bảng C). NSND Đặng Thái Sơn cho biết, đây là lần đầu tiên có quỹ này và ông trao cho các thí sinh Việt Nam nhằm động viên, khích lệ các em. Tuy nhiên, điều kiện trao giải là phải là thí sinh trẻ tuổi nhất và lọt vào vòng chung kết. Cuối cùng, một điều nhỏ đáng nói ở đây là nhà tài trợ chính cho cuộc thi này là Techcombank.
Ngọc Minh (ghi)
loading...