Cộng đồng phim độc lập Việt rùng mình chuyển động
(Thethaovanhoa.vn) - Họ đã có mặt tại các LHP Quốc tế uy tín trên thế giới, đã khiến các nhà phát hành trong nước đề nghị được phát hành phim. Họ đang kết nối để tạo thành một mạng lưới...
1.Đập cánh giữa không trung, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là hai bộ phim độc lập gây được sự chú ý nhiều nhất năm 2014 tại Việt Nam. Hai bộ phim đã đi một loạt LHP quốc tế, gặt hái được một số giải thưởng và khi trở về nước, tiếng vang của nó đã khiến các nhà phát hành phải chú ý.
Một nhà sản xuất trong nước đã tự tìm đến đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đề nghị được phát hành bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Đây cũng là lần đầu tiên một bộ phim tài liệu được phát hành thương mại tại Việt Nam. Tận dụng đà này, Nguyễn Hoàng Điệp đã "gõ cửa" CJV và tìm được cơ hội phát hành thương mại cho Đập cánh, chỉ trong 2 tuần đầu bán được 17.000 vé, một kết quả không tồi với phim độc lập.
Ngay sau hai phim này, điện ảnh có tin vui khi Cha và con và... của đạo diễn Phan Đăng Di lọt vào hạng mục tranh giải chính thức của LHP Berlin lần thứ 65.
Không khí điện ảnh khác hẳn cách đây 4 năm, khi phim độc chỉ là những tiếng nói nhỏ lẻ. Nay họ xuất hiện chưa đến mức dồn dập nhưng đã có nhiều người cùng góp tiếng nói. Trong năm 2014, 2015 các workshop về phim độc lập liên tiếp được các trung tâm văn hóa nước ngoài mở ra đã tạo nên một không khí điện ảnh sôi nổi... Ở đó các nhà làm phim có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, thực hành làm phim, và tìm kiếm cơ hội…
Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều những nhà làm phim độc lập khác, có thể họ chưa gây được chú ý, nhưng không có nghĩa là họ không có tài năng. Ở những trường điện ảnh, những trung tâm điện ảnh (như TPD, Doclab), những dự án điện ảnh đang nuôi dưỡng những “mầm” nhà phim độc lập. Cộng đồng phim độc lập đã hình thành nhiều năm nay, nhưng cho đến thời điểm này mới bắt đầu kết nối mạnh hơn, vì họ biết họ phải dựa vào nhau để tồn tại.
2. Những nhà làm phim độc lập đã cho thấy họ không chỉ nghĩ tới bộ phim dài đầu tay, mà họ còn biết lo cho tương lai xa hơn của cộng đồng của mình. Phan Đăng Di vài năm nay đã tổ chức khóa học Gặp gỡ mùa thu tại miền Trung, mời các chuyên gia điện ảnh trong và ngoài nước về dạy cho các nhà làm phim trẻ. Đến năm 2014 sự kiện này đã được nâng tầm trở nên chuyên nghiệp hơn với các lớp học huấn luyện kĩ năng cụ thể, với những giải thưởng hỗ trợ tiền mặt cho các nhà làm phim.
Nối tiếp Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp đã tổ chức Hà Nội Mùa xuân 2015. Khóa học này tiếp tục làm "bà đỡ" cho những hạt giống được gieo từ Gặp gỡ mùa thu.
Nhà làm phim Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: "Chúng tôi luôn sẵn sàng học hỏi, nếu chưa biết cách làm thì phải "bứng" một ai đó từ nước ngoài về dạy cho mình. Cá nhân tôi đã mất 5 năm cho phim dài đầu tay, quá vất vả, tôi không muốn các nhà làm phim độc lập khác bị như vậy. Trong workshop Hà Nội Mùa xuân 2015, tôi đã vô cùng bất ngờ. Nhà làm phim nào cũng cần tiền làm phim cả, nhưng họ đã có những cách thức mà tôi không thể tưởng tượng được. Một bạn đã xin được tiền từ chùa dù phim của bạn ấy có nội dung bạo lực. Có bạn đã nghĩ ra cách thức làm phim thời gian quay dài gấp 3 lần phim thông thường nhưng chi phí chỉ bằng 1/6 so với chi phí sản xuất thông thường".
Sáu dự án được chọn từ workshop này đều có cơ hội để trở thành phim dài vào năm 2017.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa