Chuyện về những bức ảnh thời chiến của Thông tấn xã: Khoảnh khắc khốc liệt nhất
(Thethaovanhoa.vn) - Những bức ảnh thời chiến vẫn được coi là một thương hiệu đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam trong suốt 70 năm kể từ khi ra đời. Đổi bằng mồ hôi, máu, và cả tính mạng của người cầm máy, hàng trăm bức ảnh như vậy đã thật sự trở thành những bản anh hùng ca trong lịch sử Việt Nam, với những khoảnh khắc riêng và số phận riêng của nó.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2015), báo Thể thao &Văn hóa giới thiệu tới độc giả câu chuyện về một số bức ảnh trong kho di sản đặc biệt này.
1. "Nhiều phóng viên phương Tây nói với tôi: những tác phẩm của ông Dũng hoàn toàn không thua kém gì so với những bức ảnh quốc tế xuất sắc nhất về chiến tranh" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chia sẻ.
Trong số hơn 40 phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh tại chiến trường, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng là người từng có thời gian gắn bó với ông Chu Chí Thành với tư cách một đồng nghiệp lớn tuổi.
Năm 1968, khi vào chiến trường, nhà báo Lương Nghĩa Dũng chính là người trực tiếp giúp đỡ, kèm cặp và truyền thụ kinh nghiệm cho ông Thành. "Đi với anh, tôi có được những bài học cực kỳ quý giá về lòng dũng cảm" - ông Thành kể - "Bản thân anh Dũng cũng từng chết hụt hàng chục lần với cách tác nghiệp lăn xả và dấn thân của mình".
Giành giải thưởng Nhà nước năm 2007, bức ảnh nổi tiếng nhất của phóng viên Lương Nghĩa Dũng có tên gọi Đấu pháo ở Dốc Miếu. Ảnh chụp năm 1968 tại Quảng Trị - cũng là nơi ông hy sinh 4 năm sau đó.
Trong khuôn hình, hai pháo thủ đầu trần của quân giải phóng đang hối hả nạp đạn và giật cò để nã pháo vào căn cứ quân sự Dốc Miếu (Vĩnh Linh). Ngược lại, những loạt pháo từ căn cứ Dốc Miếu cũng bắn dồn dập về hỏa điểm này, khiến đất cát, cây lá cùng tung lên trong một cơn lốc lửa.
Ở góc độ nhiếp ảnh, rõ ràng đây là một khoảnh khắc vô cùng độc đáo về sự khốc liệt của chiến tranh. Và, gắn liền với cú bấm máy ấy là độ nhạy cảm về nghề nghiệp, cũng như cách tác nghiệp đầy dũng cảm của liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng.
Đặc biệt, một chi tiết thú vị của bức ảnh này thường khiến người xem ngạc nhiên: hai pháo thủ của quân giải phóng không đội mũ sắt để chống mảnh đạn như thường thấy.
"Đó là một tình huống rất thật, khi các chiến sĩ nổ súng trong tình huống khẩn cấp và quên cả việc giữ an toàn cho mình. Ở Ngư Thủy (Quảng Bình), khi cùng anh Dũng đi chụp cảnh chống tàu chiến Mỹ, chúng tôi cũng từng thấy những cô dân quân hối hả tác chiến với mái đầu trần, lộ rõ cả chiếc cặp ba lá trên mái tóc" - ông Thành kể. "Chính sự bất thường trở thành bình thường ấy lại là một thông điệp đặc biệt về lòng dũng cảm của người cầm súng".
2. Cũng là sự khốc liệt của chiến tranh, bức ảnh Những cô gái Đồng Lộc của Văn Sắc lại mang một sắc thái khác: nhẹ nhàng, lạc quan, thậm chí là thấp thoáng chút lãng mạn. Mảnh mai với chiếc áo mưa khoác trên người, hình ảnh những cô thanh niên xung phong trẻ được ghi lại bằng kỹ thuật chụp ngược sáng, in đậm trên nền trời như hàng tượng đài sống. Dưới chân họ là miệng hố bom khổng lồ - nét tương phản ấy trở thành điểm nhấn của bức ảnh và đưa người xem tới nhiều liên tưởng đặc biệt.
81 tuổi, nhà nhiếp ảnh Văn Sắc từng có hàng chục năm cầm máy trong quãng thời gian làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam. Kể với Thể thao & Văn hóa, ông bảo quãng thời gian lặn lội trên tuyến lửa Khu 4 và đường Trường Sơn từ 1967 - 1974 vẫn là giai đoạn để lại những ký ức sâu đậm nhất với mình. Trong đó, năm 1969 là thời điểm ông thực hiện bức ảnh nổi tiếng này.
"Tôi chụp bức ảnh ấy khoảng 3 tuần trước khi các cô ấy hy sinh, chứ không phải là một tuần như một số bài viết từng đưa" - cựu phóng viên chiến trường chia sẻ. Đó là năm 1968, khi tác nghiệp ở Hà Tĩnh, phóng viên Văn Sắc của Thông tấn xã Việt Nam đã có 3 ngày đêm ở lại cùng tiểu đội thanh niên xung phong đặc biệt này.
Trong ngày cuối cùng, ánh nắng chiều đậm hơn thường lệ. Các cô gái Đồng Lộc cùng ông ra hố bom để lấp đất, trong khoảnh lặng hiếm hoi giữa những trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ.
May mắn, chiếc máy ảnh khổ rộng Roleiflex với cỡ phim vuông 6x6 đủ giúp phóng viên Văn Sắc thu lại toàn bộ khung cảnh ấy trong khuôn hình. 20 ngày sau, khi đang ở trụ sở Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội, ông lặng người khi nghe tin một quả bom Mỹ đã rơi trúng hầm trú của cả tiểu đội trong buổi trưa 24/7/1968.
Bức ảnh đó đã được Văn Sắc in lại trên sứ vào năm 2012 và tặng cho khu di tích ngã ba Đồng Lộc. Trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, ông bảo một trong những nuối tiếc lớn của mình là việc chưa có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với người thân của các nữ liệt sĩ ấy, cho dù ông đã trở lại nơi đây nhiều lần.
Cúc Đường - Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa