Chống nạn đạo báo của các 'nhà cắt-dán': Cần những Phó Đức Phương trong báo chí
Báo chí đang mặc đồng phục
Hội thảo có sự góp mặt của gần 50 đại biểu đến từ nhiều cơ quan báo chí đang hoạt động tại hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và một số báo, đài địa phương. Hơn 30 ý kiến với nhiều vấn đề khác nhau đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo, nhưng tập trung chủ yếu vào vấn đề vấn nạn vi phạm bản quyền và cách khách phục.
Hầu hết các đại biểu cho rằng, chưa bao giờ tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền báo chí lại đáng báo động như hiện nay và hầu hết xảy ra trên các báo, các trang thông tin điện tử.
Ông Huỳnh Dũng Nhân, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo cho rằng, trong kỷ nguyên số, khi mà báo điện tử mọc lên như những tòa nhà chọc trời, khái niệm về nhà báo đã thay đổi. Theo ông, nhà báo tử tế thì ít, "nhà cắt-dán" thì nhiều.
Vị TBT Tạp chí Nghề báo ví von: "Thấy mảnh vườn ngập cỏ dại mà không có biện pháp nhổ cỏ tận gốc để trồng cây, thì không còn là nguy cơ nữa, mà sẽ là thực tiễn phá vỡ nền báo chí của chúng ta. Nhà báo cắt – dán sẽ tự giết mình, giết chết tờ báo của mình và làm hại đến người khác (bạn đọc)".
Ông Nguyễn Văn Bảy (Cục Sở hữu Trí tuệ) cho rằng; vi phạm bản quyền báo chí đến mức báo động như hiện nay cho thấy đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo, phóng viên đang xuống cấp, không thể điều chỉnh bằng dư luận xã hội được nữa vì "dây thần kinh đạo đức" đã bị đứt. Vì thế, nó cần được xử lý và "nối lại" bằng luật và những chế tài cụ thể hơn.
TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng Khoa Báo chí (ĐH KHXHNV TP.HCM) "nhận diện" lỗi vi phạm đạo đức về sử dụng thông tin trên môi trường báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp là do làn sóng "văn hóa miễn phí" trên internet.
Làn sóng này có thể tạo ra một cuộc tấn công, dù có thể bất tự giác đối với truyền thống tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, tác quyền nói riêng. Không phải ngẫu nhiên mà trên môi trường internet hiện nay, các trang thông tin kiểu "ký sinh" sử dụng không xin phép và không trả phí thông tin và tri thức của người khác để kinh doanh hưởng lợi đến mức đáng kinh ngạc...
Nói về vấn nạn sao chép, vi phạm bản quyền báo chí hiện nay, nhà báo Lê Xuân Trung, Tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ cho rằng, nhiều báo hiện nay đang mặc đồng phục và bán những mặt hàng giống nhau.
Ông Trung cho rằng trong rất nhiều nguyên nhân, có một phần nguyên nhân của việc nhiều quy định chưa rõ ràng, khó hiểu, dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất. Ông dẫn chứng: "Quy định tại Điều 25 – Luật Sở hữu Trí tuệ về những trường hợp được sử dụng tác phẩm báo chí mà không phải xin phép: "...Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình". Vậy, thế nào là trích dẫn hợp lý? Giống đến bao nhiêu phần trăm bài viết thì mới gọi là vi phạm bản quyền?
Liên minh bằng "công ước" chung
Trong phần thảo luận tìm giải pháp bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số, đã số các đại biểu đều đồng tình với giải pháp cần có một cơ quan kiểu như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam trong lĩnh vực báo chí và các cơ quan báo chí cần phải liên kết lại.
Cụ thể, theo nhà báo Lê Quốc Minh, TBT Vietnam Plus (TTXVN), cần có một liên minh các nhà báo với cam kết: "Chúng ta không lấy của ai và quyết tâm không cho ai ăn cắp của chúng ta thì mới mong tiến tới chấm dứt nạn đạo báo".
Đồng tình với quan điểm này và cũng là trả lời câu hỏi: Bản quyền báo chí có bảo vệ được không? Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Media JSC phát biểu: "Cần có một cơ quan bảo vệ bản quyền báo chí hoạt động độc lập, được thừa nhận bởi cơ quan quản lý cao nhất và sự đồng thuận của các cơ quan báo chí thành viên. Cơ quan này tương tự như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, có các quyền xử phạt hoặc yêu cầu thanh toán phí bản quyền theo một barem quy định. Phí bản quyền thu được sẽ được trả 50% cho các cơ quan bị sao chép và 50% dùng để duy trì trung tâm. Trung tâm này hoạt động phi lợi nhuận và vì mục đích bảo vệ quyền lợi cho các cơ quan báo chí là thành viên".
Cùng với việc các nhà báo cần liên minh trong "ngôi nhà chung" tạm gọi là Trung tâm Bảo vệ bản quyền Báo chí, theo nhà báo Lê Xuân Trung, Tổng thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ, các báo thành viên cùng ký một công ước thỏa thuận sẽ không vi phạm bản quyền. "Một khi đã đặt bút ký vào công ước này, chúng ta sẽ có động lực để chấp hành nghiêm quy định về bản quyền, báo chí không mặc đồng phục bằng cách sao chép lẫn nhau nữa" – ông Trung lạc quan nói.
Thực ra, ý tưởng thành lập một cơ quan kiểu như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam trong lĩnh vực báo chí đối với Việt Nam là mới, nhưng với thế giới thì họ đã làm từ lâu.
Cụ thể tại Sri Lanka, có một Ủy ban Khiếu nại Báo chí với thành viên là các chủ báo. Khi xảy ra vấn đề vi phạm bản quyền, Ủy ban này sẽ đứng ra phân xử và nếu không được chấp thuận, các bên có thể đưa nhau ra tòa.
Tuy nhiên ngay cả khi ra tòa thì ý kiến của Ủy ban này vẫn chi phối nội dung bản án. Vấn đề ở đây là trong môi trường báo chí Việt Nam, liệu Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin – Truyền thông có thể cho phép thành lập một Trung tâm như thế và có những người năng nổ, quyết liệt trong việc "đòi tiền" tác quyền như nhạc sĩ Phó Đức Phương đã làm trong lĩnh vực âm nhạc?
Trong khi chờ đợi một trung tâm như thế ra đời cùng các văn bản pháp lý và hệ thống tư pháp cải tiến theo hướng bảo hộ người sở hữu bản quyền thay vì gây khó khăn cho việc chứng minh vi phạm, có lẽ tự thân các báo, đài cần phải có hành động của chính mình trong việc bảo vệ mình, bảo vệ tài sản trí tuệ của mình thì hơn.
Báo Tuổi trẻ: Năm 2014 thu 2,4 tỉ đồng tiền bản quyền báo chí |