(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ với phần đông trong số gần 4.000 khán giả có mặt ở khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) tối 1/8, Hồ thiên nga là vở ballet trọn vẹn đầu tiên họ được xem trong đời. Dù đến với chương trình bằng tấm vé mời hay vé mua với giá “kỷ lục”, hầu hết trong số họ đều có trải nghiệm ấn tượng.
1. Với hàng trăm ngàn người Việt từng học tập, lao động và sinh sống ở Liên bang Nga, cái tin “Hồ thiên nga” đến Việt Nam đã gợi không ít cảm xúc. Còn với đại bộ phận công chúng, Hồ thiên nga và âm nhạc của Tchaikovsky cũng không phải thứ xa lạ.
Nó có thể đến trong album Chat với Mozart (ca sĩ Mỹ Linh, nhạc sĩ: Dương Thụ, Anh Quân và Huy Tuấn) hay trong Black Swan - bộ phim do cô đào nổi tiếng Natalie Portman thủ diễn hoặc những đêm hòa nhạc...
Nhưng trong hình hài một vở ballet trọn vẹn, lại được dàn dựng bởi công nghệ 3D, thì hoàn toàn là một điều mới lạ. Trước đêm duy nhất, thông tin “số lượng vé bán ra hạn chế” thực sự đã gây “dư chấn” không hề nhẹ với đông đảo khán giả.
Màn hình 3D khiến sân khấu “Hồ thiên nga” lung linh. Ảnh: Xuân Bình
Cùng với đó, thông tin về số tiền lên tới hàng triệu USD phải bỏ ra để đưa ê kíp hàng trăm người cùng nhiều tấn thiết bị đến Việt Nam cũng được “mổ xẻ” trên nhiều trang báo, mạng xã hội. Tất cả những điều đó đã làm nên “cơn sốt” cho Hồ thiên nga...
Nhưng nếu là một trong số 4.000 người có mặt ở khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia tối 1/8, khán giả chắc hẳn sẽ khó quên hai tiếng đồng hồ trải nghiệm Hồ thiên nga. Từ để nói duy nhất không gì khác, đó là “choáng ngợp”!
Câu chuyện tình yêu trong Hồ thiên nga đã là xưa cũ. Nhưng hình ảnh 3D sống động, rõ nét thì hoàn toàn mới mẻ. Nó khiến người xem như lạc hẳn vào câu chuyện từ nhiều thế kỷ trước. Cung điện tráng lệ, bờ hồ xanh mướt... thật sống động. Sự huyền thoại đó được tạo nên bởi 5 màn hình điện tử lớn. Có người ví vở diễn như một “Avatar” của ballet.
Trong khi đó, Hồ thiên nga quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của Nhà hát Talarium Et Lux mà hầu hết trong số đó xuất thân từ nhà hát lừng danh Bolsoi. Những màn trình diễn điêu luyện bay bổng cuốn hút người xem. Nữ diễn viên chính là Elisaveta Sergeevna Nebesnaya cho người xem cảm giác chị thoát khỏi những vận động cơ bắp và thăng hoa.
Nói thêm về E. Nebesnaya, chị từng là diễn viên chính trong nhiều vở kịch như: Kẹp hạt dẻ, Lễ bái Xuân, Don Quixote. Chị đoạt nhiều giải thưởng quốc tế tại các cuộc thi tại Vienna, Yalta, giải thưởng “Lưu giữ ballet truyền thống cổ điển”.
Năm 2006, chị nhận danh hiệu “Diễn viên cống hiến của Nga”. Chị từng phải rời sân khấu bằng xe cứu thương và mất hai năm để hồi phục. Nhưng niềm đam mê và nghị lực đã đưa chị quay lại sân khấu. Với Hồ thiên nga, chị gây ấn tượng mạnh với khán giả Việt.
Nữ diễn viên chính E. Nebesnaya gây ấn tượng mạnh với khán giả. Ảnh: Xuân Bình
“Hồ thiên nga” 3D được Elisaveta Sergeevna Nebesnaya và các nghệ sĩ của Nhà hát Talarium Et Lux trình diễn từ 2014. Vở diễn chu du nhiều nước trên thế giới, và Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, như nhiều người nhận xét, để là một vở ballet mẫu mực thì có lẽ Hồ thiên nga 3D chưa đạt được. Vì lý do khách quan và quá trình lưu diễn liên tục, Talarium Et Lux không thể dùng nhạc live. Điều đó có thể tiết chế rất nhiều cảm xúc của nghệ sĩ trình diễn.
2. Từ sự xuất hiện của ballet “Hồ thiên nga” 3D ở Hà Nội, không thể không nghĩ về sự èo uột của môn nghệ thuật này ở Việt Nam.
Được biết, tại Việt Nam hiện nay chỉ có Cao đẳng Nghệ thuật múa Việt Nam đào tạo diễn viên múa chính quy. Trường cũng chỉ có Khoa Múa nước ngoài đào tạo cả múa cổ điển châu Âu (ballet) và múa hiện đại. Để thực hiện mơ ước, nhiều người phải ra nước ngoài mới học được ballet một cách chính quy.
Còn thực tế, ballet chỉ tồn tại ở Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN và Nhà hát Giao hưởng & Nhạc vũ kịch TP.HCM. Như chia sẻ của Lê Vũ Long với tác giả bài viết, anh từng được học ballet bài bản ở nước ngoài. Nhưng về nước thì không có “đất dụng võ”.
Sau mỗi đêm diễn, trút bỏ xiêm y công chúa với hoàng tử họ lại phải chạm đất với bao nỗi lo cơm áo gạo tiền. Diễn viên học múa ballet lại còn ít có cơ hội chạy “sô”. Mà có chạy “sô” thì họ cũng phải múa hiện đại để phụ họa cho các tiết mục nhạc trẻ.
Chính vì thế, ballet Việt trở thành “món” xa xỉ với phần đông khán giả nội. Hiếm hoi lắm hai nhà hát nói trên mới ra mắt trích đoạn Hồ thiên nga hay Kẹp hạt dẻ. Theo trí nhớ của nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, anh xem vở Hồ thiên nga do nghệ sĩ Việt trình diễn trên sân khấu Hà Nội cách nay cũng phải hơn 20 năm.
Chia sẻ sau đêm diễn Hồ thiên nga 3D, một nhà quản lý văn hóa cho biết, vở diễn gợi cho ông ý tưởng sử dụng công nghệ, kỹ xảo trong biểu diễn. Nếu điều đó thành hiện thực, biết đâu, khán giả sẽ cũng phải choáng ngợp xem chèo, tuồng hay cải lương bằng công nghệ 3D...
Các nghệ sĩ Nhà hát Ballet Nga Talarium Et Lux biểu diễn vở ballet kinh điển Hồ Thiên Nga tại Hà Nội:
Hà Chi
Thể thao & Văn hóa