A+ A A- Kiểu đọc sách

Ca sĩ Vũ Khanh: Lần đầu cho 35 năm

07:11 27/02/2012
loading...

(TT&VH Cuối tuần) - Đặt Vũ Khanh bên cạnh Tuấn Ngọc là hai giọng nam có kỹ thuật và quyến rũ nhất ở hải ngoại, nhưng nhạc sĩ Từ Công Phụng vẫn xem Vũ Khanh là ca sĩ xuất sắc nhất với “làn hơi phong phú, phát âm đúng, giọng ngân đều đặn và không bị ngút hơi”. Sau gần 35 năm ca hát, hôm 25/2, giọng ca xuất sắc ấy lần đầu tiên hát cho khán giả ở quê hương.

Được Cô hàng nước mang ra ánh sáng

Theo dòng thời gian, giọng hát Vũ Khanh có gì khác biệt so với hiện tại? “Tôi nghĩ gừng càng già càng cay. Sau hơn 30 năm đi hát, khi trở về hát với khán giả trong nước tôi nghĩ mình đã đủ trưởng thành để chinh phục mọi người”.

Không may mắn như nhiều người nghĩ, Vũ Khanh đến với âm nhạc rất khó khăn. “Tôi đi hát từ những quán cà phê, hội quán bình dân, quán ăn suốt mấy năm trời trước khi được bước vào hát ở phòng trà chuyên nghiệp Ritz (1978). Từ phòng trà ấy tôi bắt đầu có show riêng và được các hãng băng đĩa mời cộng tác”. Khởi đầu Vũ Khanh được mời hát trong một tiệm phở có tên là Trường Xuân ở Little Saigon (California, Mỹ). Tại tiệm phở, ngoài hát, Vũ Khanh còn làm MC, phụ xếp bàn ghế và lo luôn cả phần điều chỉnh âm thanh, với thù lao mỗi buổi tổng cộng 35USD.

Đến với âm nhạc Vũ Khanh chẳng có gì ngoài giọng hát, còn nhạc lý thì nốt Sol bẻ đôi cũng không biết. “Tôi tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, nếu như khoa Âm nhạc là dành cho con nhà giàu theo học thì nhà tôi nghèo chỉ đủ tiền theo kịch nghệ. Tôi học thoại kịch và thực tế mê kịch nói vô cùng. Tôi chỉ đến với âm nhạc khi sang Mỹ và trở thành hạt nhân trong phong trào ca hát ở trường đại học tôi đang theo học”. Vũ Khanh chỉ có duy nhất một cơ hội để diễn kịch, đó là mãi sau này khi anh tham gia vào vở kịch có tên là Yêu tại Mỹ vào năm 1996.

Thời kỳ đầu, Vũ Khanh hát tất cả mọi thể loại miễn là có tính thị trường cao. Nhưng sau khi ký hợp đồng với trung tâm băng nhạc Diễm xưa, anh bắt đầu trở thành một trong những nam ca sĩ kỹ tính nhất từ khâu chọn bài. Một trong những ca khúc đầu tiên đem Vũ Khanh “ra ánh sáng” là ca khúc Cô hàng nước của nhạc sĩ Vũ Minh. Năm 1978, tại một đại nhạc hội ở San Diego (Mỹ), chàng ca sĩ mới toanh có bộ râu rất đàn ông và chưa được ai biết tới, có cái tên Vũ Khanh (tên thật là Vũ Công Khanh) đã chinh phục gần năm ngàn khán giả với chất giọng trầm ấm, ngọt ngào. Giọng ca ấy, sau này nhạc sĩ Từ Công Phụng đã phải công nhận là một trong những giọng ca nam xuất sắc nhất tại hải ngoại. “Về nam ca sĩ, hiện nay ở hải ngoại tôi thấy có hai giọng ca có kỹ thuật và có vẻ quyến rũ là Tuấn Ngọc và Vũ Khanh. Có thể có rất nhiều người không đồng ý với tôi ở nhận xét này, vì mỗi người có một cái “taste” (chất) khác nhau. Nhưng nếu dựa vào tiêu chuẩn làn hơi phong phú, phát âm đúng, giọng ngân đều đặn và không bị ngút hơi thì Vũ Khanh đáng được chọn là ca sĩ xuất sắc”, nhạc sĩ Từ Công Phụng nhận xét.

Vũ Khanh là một trong những nam ca sĩ có khả năng làm sống lại những bài hát cũ và định danh những bài hát mới. Từ Cô hàng nước cho đến Cỏ hồng của Phạm Duy, đến những bản tình của Từ Công Phụng, cho tới Phượng hồng của Vũ Hoàng - Đỗ Trung Quân,… ở góc độ nào anh cũng có nét xử lý bài hát rất riêng của mình. Rất nhiều ca khúc đã ghi dấu ấn của Vũ Khanh như Cô hàng nước, Cô hái mơ, Cô láng giềng, Cây đàn bỏ quên, Tôi bán đường tơ, Áo lụa Hà Đông,… Có dạo người ta từng so sánh Vũ Khanh với nam danh ca đã mất Sỹ Phú, bởi chất giọng, phong cách biểu diễn của cả hai có nhiều nét tương đồng. Nhưng Vũ Khanh một mực chối từ: “Không phải thế đâu, anh Sỹ Phú là một giọng ca nam tôi rất kính trọng, tôi từng chứng kiến anh hát ở một trường đại học, anh hát hay đến nỗi mà khi đến tiết mục của tôi, tôi chẳng biết nên hát như thế nào. Có thể dòng nhạc mà cả hai anh em theo đuổi có nhiều nét giống nhau nên mọi người hay so sánh thôi”.

Vũ Khanh sẽ biểu diễn tại Việt Nam vào ngày 25/2 tại KS Saigon Sofitel (25/2) và ngày 3, 4/3/2012 tại Nhà hát TP.HCM cùng ca sĩ Ý Lan trong chương trình Trên đỉnh bình yên. Ngoài những tiết mục song ca với Ý Lan, Vũ Khanh sẽ thể hiện những ca khúc quen thuộc của anh như Đôi mắt người Sơn Tây, Cô hàng nước, Cô hàng cà phê, Cô láng giếng, Lá đổ muôn chiều…

Đến nay, chỉ riêng album mang tên mình, Vũ Khanh đã có khoảng 60 CD album chưa kể những album tổng hợp của nhiều trung tâm băng nhạc. Gần 35 năm ca hát, Vũ Khanh tự nhận mình đến một lúc nào đó sẽ phải nhường đường cho lớp trẻ. “Ngày mới vào nghề tên tuối nằm ở cuối trên bandroll quảng cáo, vài năm thì nằm giữa và sau này mới được nằm trên cùng. Nhưng tôi cũng hiểu trong tương lai tên mình sẽ chẳng còn nằm ở đâu nữa”. Vũ Khanh khắt khe với chính bản thân và bởi thế anh có cái nhìn khá bi quan về âm nhạc. “Tôi nghĩ âm nhạc hiện nay đang không có lối thoát. Thế hệ của tôi già đi thì sẽ có lớp mới kế thừa nhưng âm nhạc ngày nay với sự hỗ trợ tuyệt đối của công nghệ đang bắt đầu tỏ rõ cái hai mặt của nó, nghệ sĩ chán chường vì băng đĩa lậu, những sáng tác mới thì không có chiều sâu. Nhiều lúc tôi nghe nhạc bây giờ và tự hỏi, khi âm nhạc không mang trong mình niềm tin, niềm hy vọng thì nó sẽ mang đến cho tuổi trẻ điều gì?”.

Trên đỉnh… không bình yên

Vũ Khanh sinh ra trong gia đình 11 anh em và anh là đứa con duy nhất đi theo nghiệp hát. Mặc dù vẫn luôn là một trong vài nam ca sĩ hàng đầu tại hải ngoại nhưng từ vài năm nay Vũ Khanh rất hạn chế xuất hiện. Vũ Khanh cho hay chỉ nhận lời trình diễn tại những chương trình được anh đánh giá là có giá trị về nghệ thuật như những buổi nhạc thính phòng. Nhưng đó chỉ là một lý do. Anh từng thú nhận: “Tôi rất là buông thả. Và tôi đã sống một đời sống nếu mà nói về sự trác táng thì là sự trác táng tột cùng của đời sống. Nhưng tôn giáo đã cứu tôi!”. Vũ Khanh có một cuộc hôn nhân đổ vỡ từ hơn 30 năm trước và rất nhiều mối tình đồn đoán. “Thật sự tôi không phải là một người đào hoa mà trái lại tôi rất chung thủy. Việc tôi hạn chế mình xuất hiện là do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính là tôi tự thấy chán mình. Có những lúc bạn sẽ thấy bạn không còn có mục tiêu gì ở cuộc đời. Bạn hoạch định cuộc sống, bạn mua nhà, rồi mua xe, rồi kiếm tiền, sau đó sẽ là gì tiếp theo. Nói thật, nếu không tìm được niềm tin để cân bằng thì tôi đã chết từ lâu rồi”.

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, Vũ Khanh yêu một người làm chung trong một công ty luật ở Mỹ (luật sư Tammy Trần, người từng giúp Vũ Khanh trong một vụ kiện đình đám ở hải ngoại liên quan tới bản quyền âm nhạc). Và chính từ môi trường này, anh thay đổi nhân sinh quan của mình. “Người ta khiếu kiện chuyện tai nạn thì ít mà gần như toàn người làm thủ tục ly dị”, Vũ Khanh tâm sự. “Tôi đối mặt với rất nhiều cuộc tình, với tấm gương và rất nhiều hiện thực để rồi tôi có thể nói rằng tình yêu là có hạn và nó chẳng giúp được gì nhiều cho bạn. Tôi đã từng hát bài Niệm khúc cuối có câu “dựa vai nhau cho nhau yên vui ấm áp cuộc đời”’, theo tôi lời bài hát rất hay nhưng thiếu một chữ “tạm”, dựa tạm vai nhau…, chỉ tạm mà thôi”.

Nhưng với tình đầu thì chẳng bao giờ quên. Vũ Khanh vẫn còn giữ trong tim những kỷ niệm về Sài Gòn cùng mối tình đầu trong sáng. “Nhà cô ấy ở đường Lê Văn Sỹ, bọn tôi học cùng trường và hàng ngày tôi chở cô ấy bằng chiếc xe cọc cạch từ Sài Gòn về quận 3 nhưng tôi thấy yêu đời lắm. Đó là mối tình đẹp nhất của tôi. Năm 1992, tôi có quay về tìm lại nhà cô ấy, phải hồi lâu cô ấy mới nhận ra tôi, cô ấy vẫn chưa chồng, chưa con, nhìn thương lắm. Vài năm sau thì cô ấy mất”.

Có thể vì thế mà những năm 1992, 1993, thị trường hải ngoại rất thích bài Phượng hồng qua sự thể hiện của Vũ Khanh, một bài hát mà anh nói được viết ra như thể cho anh. Trong những đêm nhạc sắp tới ở TP.HCM, Phượng hồng và những ca khúc đã làm nên tên tuổi của Vũ Khanh sẽ được cất lên.

Cung Tuy

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...