loading...
(TT&VH Cuối tuần) - Ngoài việc chung niềm đam mê âm nhạc, từng người trong AC&M còn có sở thích riêng. Người ta nhắc nhiều đến việc Thụy Vũ với việc chế tạo và ít khi rời chiếc máy bay trực thăng điều khiển từ xa, Đình Bảo hợp tác với bạn bè mở công ty chuyên về lĩnh vực âm nhạc, Lê Nam Khánh là thầy dạy hát tại gia, còn Hoàng Bách rảnh ngày nào là nhận nhiệm vụ đá hàng tiền đạo trên sân cỏ ngày ấy.
Hôm gặp Bách ở Hà Nội, ngồi với nhau trong quán New wave, Bách tặng tôi đĩa nhạc mới. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng tôi xoay sang chủ đề bóng đá.
Nói đến bóng đá, Bách như bắt được… vàng. Chuyện trò sôi nổi rôm rả hẳn lên. Ngoài 2 thứ âm nhạc và bóng đá ra, Bách nói chuyện thứ nào cũng nhàn nhạt như nhau, nếu không, thường thấy hắn ngồi im lặng ăn uống cho phải phép, nói cười cho phải phép.
Giờ có cậu con trai, Bách thêm khoản ca ngợi con hết lời (ông bố nào cũng giỏi món tán phét, nhưng chăm sóc con thì thường phần… vợ) rồi cuối cùng thể nào cũng kể sang chuyện (khá khó tin): mắt thằng cu nhà tớ luôn dán vào tivi, mà chỉ xem bóng đá và MTV thôi nhé!
Giờ có cậu con trai, Bách thêm khoản ca ngợi con hết lời
Ảnh: Trần Mạnh Cường |
Hoàng Bách sinh năm 1980 tại Nam Định. Tuổi thơ lớn lên trong lòng thành phố giàu truyền thống cả văn hóa lẫn thể thao này. Ra Bắc, Bách đến Hà Nội theo kiểu ghé qua, còn chủ yếu là dành thời gian về thăm quê. Mỗi lần chạm chân đến Thành Nam, thể nào cũng rủ rê đám bạn cũ làm với nhau một chầu… bóng đá.
Bách kể, khi còn chập chững biết đi, hắn đã được ra sân Chùa Cuối (sân Thiên Trường) ngồi… chầu rìa. Bách mê bóng theo anh Đăng - anh trai thứ hai, hơn Bách tám tuổi. Anh Đăng từ nhỏ đã đá bóng giỏi nên được tuyển vào đội trẻ của thành phố Nam Định. Mỗi lần đi tập bóng trên sân, anh Đăng vẫn phải lãnh trách nhiệm trông em. Chiều chiều, anh cõng em ra sân, cho em ngồi chơi trên bàn đánh bóng bàn, vừa đá bóng, vừa dòm chừng thằng em. Chẳng hiểu sao tí tuổi đầu mà Bách rất biết điều, ngồi ngoan ngoãn đúng chỗ anh “quy định” nên không bị ngã lộn cổ từ bàn cao xuống đất. Nhiều lần bị bóng sượt qua, suýt va vào mặt, cũng sợ, khóc toáng lên một tí, chờ được anh dỗ lại nín ngay.
Bách bảo, trong nhà quý nhất anh Đăng, hẳn vì kỉ niệm từ hồi nhỏ, cũng là vì anh Đăng chiều Bách cực kì. Món quà vô giá đầu tiên mà anh Đăng tặng Bách là quả bóng bằng da. Khi đó, Bách mới học lớp 6, nhận quà mà anh Đăng gửi từ Nga về, cậu sung sướng đến nghẹn thở. Không chỉ có Bách, cả đội bóng đều hết sức nâng niu quả bóng, coi nó như báu vật. Quả bóng được Bách và bạn bè đá đến khi nát tơi tả, không dùng nổi nữa mới thôi.
Học cấp I, Bách đá bóng với bè bạn cùng xóm. Trong đội , Bách đá cặp vị trí tiền đạo với một cậu bạn. Hai đứa thân nhau như hình với bóng. Cậu bạn này chạy nhanh hơn Bách, còn Bách có ưu điểm là lựa vị trí tốt và sút tốt. Hễ hai đứa mà ra sân, thể nào cũng thắng lợi trở về hoặc chí ít là ghi bàn.
Album mà Bách tặng tôi có bài Nhớ bạn. Đây là bài hát có ý nghĩa đặc biệt đối với Bách bởi mãi đến nhiều năm sau, anh mới có thể viết tặng người bạn thân nhất, chung nhau niềm vui, nỗi buồn của tuổi thơ nghịch, dại bên trái bóng… những câu ca: “Để ngàn lá sáng lấp lánh khúc tình ca vẫn gọi mời/ Góc sân trường xưa rộn tiếng cười”…
Bách kể, Bách và cậu ấy đá bóng cùng nhau khi Bách mới 4 tuổi, cậu ấy 5 tuổi. Có lần đánh nhau, vì cậu ấy to khỏe hơn nên Bách đánh không lại, đành dùng chiêu… cắn, xước cả mặt bạn. Nhưng dù xô xát đến đâu, hai đứa lại thân nhau như chưa có chuyện gì xảy ra.
Tiếc rằng, cậu bạn chưa kịp nghe bài hát, mãi mãi không được nghe, vì cậu ấy đã nhảy sông tự tử khi mới 23 tuổi.
Lên cấp II, Bách chuyển sang đá bóng với bạn cùng lớp. Bách học lớp chuyên Anh ở trường Hàn Thuyên, ngày nào cũng như ngày nào, rảnh học ra là đá bóng. Học buổi sáng đá buổi trưa, học buổi chiều đá buổi tối. Nhìn Bách hiền lành thế, nói năng nhỏ nhẹ thế, nhưng hắn luôn cầm đầu các vụ đánh nhau. Đã đá bóng thì hiếm khi vướng khỏi không ẩu đả. Đá bóng vừa nhanh, vừa khéo, vừa phải lì. Một lần bị phụ huynh của bạn đến nhà mách bố mẹ vì tội Bách… đánh bạn, lúc bấy giờ bố mẹ Bách mới hay thằng con mình cũng thuộc dạng nghịch ngầm. Bố phạt Bách quỳ úp mặt vào tường từ trưa đến tối. Bách vâng lời, không phân bua một câu. Cậu quỳ ngoan ngoãn mỗi khi có mặt bố, còn nếu bố lên gác thì nằm lăn ngay ra sàn, bố xuống thì giả vờ quỳ tiếp.
Mắt thằng cu nhà tớ luôn dán vào tivi, mà chỉ xem bóng đá và MTV thôi nhé |
Đến cuối lớp 7, vô tình đọc được một số báo cũ của Thể thao & Văn hóa do bạn cùng lớp dùng các trang báo… bọc vở. Đọc xong thì mê luôn. Từ đó, bắt đầu tìm hiểu báo ra ngày nào thì mua. Ở Nam Định, 14h thứ 7 báo mới về đến nơi thì Bách ngồi chờ từ 13h. Chả là cu cậu sợ báo bị bán hết, không đến lượt mình. Ngày ấy, Bách nhớ rõ là 700 đồng một tờ. Nhịn ăn sáng để mua báo. Có được tờ báo trong tay là niềm vui lớn nhất của Bách trong tuần. Từ đó đến nay, Bách hầu như không bỏ số nào. Bách bảo, dù thông tin bóng đá giờ đây có nhiều nguồn, nhưng vẫn đam mê nhất là Thể Thao & Văn hóa (thảo nào, hồi mới quen, khi biết tôi là dân Thể thao & Văn hóa, trông mặt hắn tỏ ra khoái chí thấy rõ, đến giờ tôi mới hiểu vì sao). Bách hỏi thăm tôi về Hồng Ngọc, nói, thích nhất là cây bút này.
Cấp III, Hoàng Bách theo gia đình vào Sài Gòn. Từ đây hắn làm quen với kiểu đá bóng ở đây. Bóng dùng để đá là loại bóng nhựa, có hai quả lồng vào nhau. Thường đá ở trước cửa Đại sứ quán Pháp, trên đường Lê Duẩn. Hội bạn Bách đặt chỗ đá chùa ấy cái tên rất oách: “Công viên các Hoàng tử”. Mỗi lần con trai đá bóng, hội con gái cùng lớp phải đến coi xe vì xe vứt ngoài đường. Có lần, bị công an bắt xe can tội đá bóng không đúng chỗ quy định, phải lên đồn nộp phạt và làm bản tường trình, thế mà Bách và bạn bè không chừa, cứ thế hồn nhiên tái phạm. Từ bóng đá, chơi thân với một cậu bạn. Thân đến mức không có gì không tâm sự. Đến nỗi mẹ Bách tưởng “hai đứa có vấn đề với nhau”. Tối tối, Bách thường ngủ lại nhà bạn để chơi game bóng đá. Có khi chơi game đến hết đêm, thi thoảng, hai cậu chàng lại rủ nhau trốn nhà ra ngoài xem bóng đá.
Bây giờ, thôi trò đá ngoài đường, địa điểm chuyển vào sân cỏ quân khu 7 và trung tâm huấn luyện bay. Luôn duy trì tuần đá 2 buổi. Thường đá cặp với ca sĩ Anh Khoa. Trong đội còn có cả Duy Mạnh, Xuân Hiếu và Hoài Sa.
Có thời gian Bách nghĩ, “không thích bóng đá, không phải là đàn ông”. Không rõ Bách giữ rịt quan điểm ấy đến bao giờ nhưng rõ ràng anh chàng mê bóng đá đến độ có dịp sang Anh, ngoài mua cho mình 2 cái áo của MU (đi đâu cũng thấy diện), Bách còn sắm một chú lợn có logo của đội bóng đá MU và bộ thìa, đĩa ăn cũng có logo MU, vì "muốn con sau này cũng mê MU như bố".
Muốn con sau này cũng mê MU như b |
Rồi đến khi mới chỉ được xem qua truyền hình 2 số phát sóng của “Tôi yêu thể thao” đã chủ động gọi điện cho anh Long Vũ để đăng ký được làm người chơi. Đúng hôm có mặt tại trường quay S10 để tham gia buổi ghi hình của “Tôi yêu thể thao” thì nghe tin vợ… lên bàn đẻ.
Có lẽ, vì lòng đam mê nhiệt thành quả bóng tròn nên khi bốn thành viên của nhóm AC&M tham gia bộ phim truyền hình ca nhạc dài 25 tập của nữ đạo diễn Mỹ Khanh mang tên Acappella (đài truyền hình TPHCM thực hiện), Bách vào vai cậu sinh viên học kèn ở Nhạc viện, mê ca hát, thích thể thao rất ngọt.
Hắn bảo, tớ rất thích nhân vật này vì bản lĩnh và tính cách y chang… Hoàng Bách ngoài đời.
Nguyễn Quỳnh Trang
loading...