A+ A A- Kiểu đọc sách

Bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine: Kiệt tác vĩ đại của Michelangelo

11:31 30/10/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Nói đến Vatican người ta nghĩ ngay đến một vương quốc nhỏ bé nằm trong lòng thành Rome, nổi tiếng về những kiến trúc độc đáo, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm và các nhà nghiên cứu nghệ thuật, lịch sử tôn giáo bởi những công trình nghệ thuật trác tuyệt. Một trong số đó là bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine.

Ngày 1 tháng 11 năm 1512, bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine đã được khánh thành.

Những ai đã từng may mắn được một lần ngửa cổ ngắm nhìn mái vòm của nhà thờ Sistine, chắc chắn sẽ không khỏi kinh ngạc trước sự kỳ vĩ của bức họa khổng lổ trên vòm mái. Và chắc chắn cũng không ít người lầm tưởng rằng, phải cần đến một tập thể những họa sĩ tài ba mới có thể làm nên kiệt tác này. Song trên thực tế, bức họa khổng lồ đó là của một mình Michenlangelo - nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà thơ, gương mặt sáng giá nhất của Italia thời Phục hưng.

Michelangelo “Người siêu phàm” của thời Phục hưng

Giáo hội Thiên Chúa giáo từng có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần của toàn châu Âu. Thiên Chúa giáo cũng là một chủ đề lớn được các nghệ sĩ thời văn hóa Phục hưng khám phá và sáng tạo. Đã có rất nhiều kiệt tác thi ca, âm nhạc, điêu khắc, hội họa... về chủ đề này. Leonardo Da Vinci có "Đức mẹ trong hang đá" và "Bữa tiệc cuối cùng"; Raphaello có "Đức mẹ Sistine"; Pontormo có bức họa "Đem Chúa từ thánh giá xuống"...

Bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine

Nhưng có lẽ Michenlangelo là người có nhiều tác phẩm sáng giá về đề tài này hơn cả, bởi sự nghiệp sáng tác của ông vì rất nhiều lý do, đã gắn chặt với Thiên Chúa giáo. Trong suốt cuộc đời, Michenlangelo chỉ nhận mình là một nhà điêu khắc, dẫu rằng ông cũng rất tài tình trong hội họa và thi ca. Chính ông, bằng tài năng và nhân cách của mình, cùng với những người như Leonardo da Vinci, Raphael đã “buộc” nhân loại phải có một cách nhìn khác, một cách nghĩ khác về vai trò và vị thế của người hoạ sĩ và điêu khắc trong xã hội.

450 năm ngày Michelangelo qua đời: 'Người siêu phàm' của thời Phục hưng

450 năm ngày Michelangelo qua đời: 'Người siêu phàm' của thời Phục hưng

Sinh thời, danh họa Phục hưng Michelangelo Buonarotti (1475-1564) được gọi là “người siêu phàm” do khả năng sáng tạo phi thường trên nhiều lĩnh vực. Ông cũng là nghệ sĩ được ghi chép đầy đủ nhất về cuộc đời trong thế kỷ 16.


Hai trong số các tác phẩm nổi tiếng của ông là "Đức Mẹ Sầu Bi" và "Vua David", được thực hiện trước khi ông bước sang tuổi 30.

Michelangelo là nghệ sĩ phương Tây đầu tiên có tiểu sử được xuất bản khi đang còn sống. Người ta thường hay so sánh Michelangelo với Raphael Sanzio. Hai nhà mỹ thuật thiên tài này đồng thời phục vụ cho tòa thánh Vatican nhưng rất khác nhau về phong cách cũng như con người. Tác phẩm của Michelangelo tiêu biểu cho nghệ thuật hùng vĩ, còn tranh của Raphael tiêu biểu cho vẻ đẹp dịu dàng trong sáng. Michelangelo là thiên tài sáng tạo độc đáo, còn Raphael là thiên tài tiếp thu và tổng kết cái hay khéo của thời đại. Tuy nhiên có điểm chung là hai người cùng đem nền mỹ thuật đến một đỉnh cao chưa từng thấy trong một thời đại sáng chói nhất của lịch sử thế giới.

Tuyệt tác trên vòm nhà nguyện Sistine

Được biết, ban đầu, Michenlangelo chỉ định vẽ bức họa trên vòm mái nhà thờ một cách qua loa cho xong việc. Nhưng khi được biết những kẻ đố kị loan tin rằng ông không thể nào hoàn thành bức họa đó thì ông quyết sẽ vẽ nên một bức họa để đời, cả về quy mô, cả về trình độ mỹ thuật, cốt để cho những kẻ ganh ghét chưng hửng...

Nhà thờ Sistine được xây dựng cuối thế kỷ XV. Trước đó, các danh họa thời văn hóa Phục hưng như Botticelli, Perugino đã từng vẽ một số bích họa lên tường của nhà thờ. Còn vị trí khó nhất là khu vực trên trần của mái vòm, các vị tiền bối đành phải "để lại" cho hậu thế.

Việc đầu tiên là Michenlangelo cho dỡ bỏ giàn giáo của người tổng kiến trúc sư đã dựng sẵn, tự tay dựng nên một giàn giáo mới. Ông cũng đuổi hết những người trợ thủ được cử đến, vì cho rằng họ không đáp ứng được tiêu chuẩn ông nêu ra. Là người chưa bao giờ sử dụng các loại bột màu, chưa bao giờ vẽ một bức họa, Michenlangelo bằng lòng nhốt mình trong không gian của nhà thờ Sistine, vừa nghiên cứu vừa làm việc.

Ông phải trèo lên một giàn giáo rất cao, ngửa cổ, cong lưng vẽ lên trần trong một tư thế rất khó khăn, liên tục trong 4 năm 3 tháng trời ròng rã... Ngày 1 tháng 11 năm 1512, bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine đã được khánh thành.

Vòm mái của nhà thờ Sistine có diện tích 540 mét vuông. Chủ đề của bức họa là câu chuyện "Sáng thế " trong kinh Cựu ước, được tạo thành từ 9 bức tranh liên kết lại. Bố cục có hơn 300 nhân vật và 9 tình tiết trung tâm từ Sách Khải huyền, được chia thành ba nhóm: nhóm thứ nhất là Sự sáng tạo Thế giới Thiên đàng và Trái đất của Chúa; nhóm thứ hai là Chúa tạo ra người đàn ông và đàn bà đầu tiên Adam và Eve và sự mất ân huệ của Chúa do bất tuân lệnh nên bị đuổi ra khỏi vườn Eden; và cuối cùng, nhóm thứ ba là sự cầu khẩn của Loài người và đặc biệt là của gia đình Noah.

Mỗi nét vẽ của ông không chỉ mang theo sự tôn kính và trông ngóng đối với Thiên Đường mà còn làm nổi bật một tâm hồn thần thánh thuần khiết, một sự đoạn tuyệt với những ưu phiền nơi trần gian. Những nhân vật trong bức họa gần như khỏa thân nhưng những hình ảnh này không gây ra bất cứ ý nghĩ bất thuần nào. Michelangelo đã vẽ họ như những nam nhân và phụ nữ rất mạnh mẽ, ngồi đắm mình trong suy tư, đọc, viết, tranh luận, hay như đang lắng nghe một tiếng nói từ nội tâm.

Cảnh Chúa truyền sự sống cho Adam

Bích họa “Sự phán xét cuối cùng” và chi tiết kinh điển "Chúa truyền sự sống cho Adam" được coi là trung tâm và điểm hội tụ của bức tranh. Michenlangelo đã vẽ Adam nằm trên mặt đất với tất cả sức mạnh và vẻ đẹp xứng đáng với con người đầu tiên; Chúa Cha đang tiến lại từ một phía khác, được đỡ nâng bởi các Thiên Thần của Người, quấn một tấm áo choàng rộng và oai nghi bung ra như một cánh buồm vì gió thổi, gợi lên sự thoải mái và tốc độ khi Người lướt đi trong khoảng không. Lúc Người đưa bàn tay ra, dù không chạm vào ngón tay của Adam, ta như thấy con người đầu tiên trỗi dậy, như từ trong một giấc ngủ miệt mài, và nhìn vào khuôn mặt chan chứa tình phụ tử của Đấng Tạo Dựng mình.

Trải qua hơn 500 năm, mỗi năm nhà nguyện Sistien đón hàng triệu lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm đến, để tận mắt chiêm ngưỡng những tuyệt tác của nghệ thuật đương đại; cũng như lắng mình trong không gian đầy tôn kính pha chút huyền bí của đạo Công giáo.

Nhà nguyện Sistine Chapel là một trong những điểm tham quan ở Ilaly đặc biệt hút khách du lịch. Hình ảnh và tên tuổi của nhà nguyện Sistine Chapel được nhắc đến trong hầu hết các website lữ hành như một niềm tự hào của Italy, một yếu tố góp phần giúp đất nước này được mệnh danh là chiếc nôi của nghệ thuật thế giới.

Thông tin tư liệu

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...