(Thethaovanhoa.vn) - Vụ tự vẫn của Lee Han Bit (27 tuổi), nhân viên tại công ty CJ E&M hồi tháng 10/2016, đang trở lại ám ảnh công ty này khi người thân của nạn nhân chỉ trích và đổ lỗi chính CJ E&M đã đẩy chàng trai trẻ tới cái chết.
Lee Han Bit là một nhà sản xuất truyền hình và anh đảm trách vai trò sản xuất của loạt phim truyền hình Drinking Solo của đài tvN, trong đó gồm cả việc lo bữa ăn, trang phục và đạo cụ cho ê-kíp làm phim. Nhưng sau khi phim hoàn thành, Lee Han Bit đã kết liễu đời mình.
Tại cuộc họp báo diễn ra hôm 18/4, gia đình Lee Han Bit tuyên bố anh đã phải làm việc quá sức và liên tục phải nghe những lời mắng mỏ của cấp trên. Tuy nhiên, theo tuyên bố của CJ E&M, công ty này đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về cái chết của Lee Han Bit và đưa ra kết luận rằng không có bất cứ sự lăng mạ hay bạo hành nào liên quan đến anh.
"Công ty từ chối cho phép gia đình chúng tôi tham gia vào cuộc điều tra và từ chối cung cấp dữ liệu có thể chứng minh Lee Han Bit đã phải làm việc quá sức. Có ý kiến nói rằng Lee Han Bit đã sao nhãng công việc nhưng đó chỉ là dựa vào những lời nói của các nhân viên đồng nghiệp là "thù địch" với Lee Han Bit" – gia đình Lee Han Bit tuyên bố.
Đoàn Thanh niên Hàn Quốc, tổ chức đang hợp tác với gia đình Lee Han Bit nhằm tìm hiểu tại sao anh lại tự vẫn, cho biết họ đã quyết định tổ chức họp báo 6 tháng sau khi Lee chết bởi gia đình anh cần thời gian để đối diện với sự thật đau lòng đó. Hôm 18/4 là đúng 1 năm Lee Han Bit được phân công tham gia ê-kíp làm phim Drinking Solo.
Gia đình Lee tuyên bố anh phải làm việc 53 ngày trong 55 ngày quay phim, trong khi chỉ được ngủ 4 tiếng/ngày. Họ còn cho biết, trong điện thoại của Lee có nhiều tin nhắn từ các cấp trên, trong đó là có nhiều câu chửi và lăng mạ anh.
"Nếu Lee đi làm muộn, các đồng nghiệp của anh đe dọa sẽ anh sẽ không bao giờ có thể làm việc trong ngành truyền hình được nữa. Mỗi khi phải di chuyển đi đâu, Lee thường phải khuân tất cả va-li và túi của họ" – Lee Han Sol, anh trai của Han Bit kể.
Cuối ngày 18/4, CJ E&M đưa ra tuyên bố chính thức và thề sẽ tuân theo các nhà chức trách nếu như họ tiến hành điều tra các tuyên bố của gia đình Lee Han Bit.
“Thật đáng tiếc là một tình huống như vậy đã xảy ra, tuy nhiên chúng tôi phải làm việc với gia đình của người đã khuất để bàn cách điều tra về cái chết của Lee" – tuyên bố của CJ E&M.
Tuy nhiên, một nhà chức trách của Đoàn Thanh niên Hàn Quốc, cho biết CJ không hề có bất cứ sự liên lạc nào với gia đình Lee kể từ sau cuộc họp báo.
"Chúng tôi chưa nghĩ đến việc kiện tụng gì vào thời điểm này. Tất cả những gì chúng tôi muốn là CJ phải nhận trách nhiệm và đưa ra các kế hoạch. Nếu CJ làm đúng như vậy thì sẽ chẳng có vụ kiện nào xảy ra. Chúng tôi không muốn đưa bất cứ cá nhân nào ra xét xử" – quan chức thuộc Đoàn Thanh niên Hàn Quốc tuyên bố rõ.
Còn Lee Han Sol tuyên bố: "Gia đình tôi không muốn tiền bạc mà chỉ muốn nhận được lời xin lỗi chân thành từ CJ và đảm bảo rằng trường hợp như em trai tôi sẽ không bao giờ xảy ra trong công ty nữa".
Trong ngành sản xuất truyền hình, thông thường các nhân viên mới trong đội sản xuất thường phải làm các công việc lặt vặt ngoài nhiệm vụ chính của họ, do vậy họ thường phải gánh vác một khối lượng công việc lớn.
Hồi năm 2008, một cây bút 20 tuổi của SBS đã tự vẫn với nguyên nhân được cho là làm việc quá tải.
Theo báo cáo của Hãng Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, các nhân viên sản xuất truyền hình phải làm việc trung bình 10,4 tiếng/ngày. Theo kết quả điều tra hồi năm 2016 của Liên minh các nhân viên truyền thông Quốc gia, một cây bút truyền hình phải làm việc trung bình 53,8 giờ/tuần.
“Tôi từng là một nhà sản xuất nhưng còn phải đảm nhiệm công việc của một nhà biên kịch và thu âm" – một cựu sản xuất chương trình tin tức của một đài truyền hình địa phương cho biết. "Sau khi bỏ việc, tôi biết họ đã thuê thêm hai người để làm việc cũ của tôi".
Hôm nay 23/5, Song Ji Sun - một trong những phát thanh viên hàng đầu cho chương trình thể thao Plus Sports của đài MBC (Hàn Quốc) đã tự vẫn bằng cách nhảy từ căn hộ riêng của cô từ tầng 19 xuống đất.
Người này còn cho biết thêm, các thứ tự trong ngành truyền hình thường tạo thách thức cho các nhân viên trẻ. Không "hợp cạ" với cấp trên nên bà đã phải chuyển sang bộ phận khác và bà đã phải làm nhiều việc "không tên" cho đến khi từ bỏ.
"Khi đọc tin về Lee Han Bit, tôi chỉ nghĩ: "Chúng ta phần nào liên quan đến chuyện này khi môi trường làm việc trong nền truyền hình vô cùng khắc nghiệt. Nhưng những gì mà tôi từng phải trải qua không khắc nghiệt như thực tế mà Lee Han Bit đã phải nếm trải" – cựu nhân viên truyền hình cho biết.
Tuấn Vĩ
Theo Korea Herald