loading...
(Thethaovanhoa.vn) -
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 ghi dấu Hát Xoan Phú Thọ sau 4 năm được UNESCO vinh danh. Trong dịp lễ hội này, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu và quảng bá đậm nét về các làn điệu Xoan để đồng bào cả nước hiểu hơn về văn hóa trên quê hương Đất Tổ Vua Hùng.
Theo đó, tại Khu di tích Đền Hùng, tỉnh sẽ tổ chức liên hoan “Dân ca và hát Xoan Phú Thọ” do các phường Xoan gốc và các câu lạc bộ Hát Xoan biểu diễn. Tại thành phố Việt Trì, sẽ có chương trình hát Xoan của thiếu niên nhằm khẳng định Hát Xoan đã được trao truyền và lan tỏa không chỉ ở người lớn tuổi mà còn ở cả thế hệ trẻ.
Ở 4 phường xoan gốc là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (thành phố Việt Trì) sẽ tổ chức hát Xoan làng cổ do những nghệ nhân kế cận biểu diễn. Đây là những báu vật nhân văn sống được đào tạo để kế cận với các bậc cao niên, đồng thời cũng là kết quả, bước đi để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa Hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.
Theo các nhà nghiên cứu, hai Di sản Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tuy hai mà một, gắn kết với nhau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát huy được, trong nghi thức có Hát Xoan. Vì theo sử sách ghi lại, Hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm. Từ thời các vua Hùng dựng nước, Hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và chúc tụng Vua Hùng. Từ lâu, Hát Xoan đã gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh của đời sống người dân. Tên gọi và nguồn gốc Hát Xoan đều gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước.
Hàng năm cứ vào ngày mồng 1 tháng Giêng, các phường Xoan ở Phú Thọ lại tiến hành làm lễ ở trước Miếu Lãi Lèn và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng. Cuộc lưu diễn của các phường Xoan thường diễn ra trong gần 3 tháng. Trải qua năm tháng, khúc hát ấy vẫn mãi mãi trường tồn và khẳng định sức sống lâu bền. Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm được 31 cửa đình thuộc 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ (9 huyện) và 18 xã có Hát Xoan (trong đó Phú Thọ 15 xã, Vĩnh Phúc 3 xã) có nguồn gốc về Hát Xoan. Hiện nay đã có 11/30 đình làng - không gian diễn xướng Hát Xoan cổ được công nhận là Di tích Văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Lâm Đào An
Theo TTXVN
loading...