Bảo Tàng Mỹ thuật TP.HCM: Mua bức tranh 57 ngàn USD?
Hôm qua (5/1), dư luận xôn xao nhiều hơn về chuyện tác phẩm mới Phiên chợ đời (sơn dầu, 300x150cm) của Lê Kinh Tài đã được đại diện Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM dán nơ đăng ký mua, trong khi giá của tác phẩm này được đưa ra là 57 ngàn USD.
(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, triển lãm tân niên 12 tác giả khai mạc hôm 3/1/2010 tại phòng tranh Applied Arts (5 Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) đã thu hút khoảng 300 người đến dự, trong đó có giới sưu tập. Đến hôm qua (5/1), dư luận xôn xao nhiều hơn về chuyện tác phẩm mới Phiên chợ đời (sơn dầu, 300x150cm) của Lê Kinh Tài đã được đại diện Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM dán nơ đăng ký mua, trong khi giá của tác phẩm này được đưa ra là 57 ngàn USD.
Một tác phẩm của họa sĩ Lê Kinh Tài
|
Thực hư của việc này thế nào, TT&VH hỏi Lê Kinh Tài, họa sĩ này nói rằng rất cảm kích với chủ trương mới của bảo tàng nên đang đợi xem mức giá mà họ đề nghị mua là bao nhiêu? Riêng bà Mã Thanh Cao, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho biết: Việc sưu tập luôn phải theo chủ trương và yêu cầu về nội dung của từng bộ sưu tập. Bảo tàng có ý định mua những tác phẩm này nhưng còn phụ thuộc vào việc xét duyệt của hội đồng khoa học, việc thương lượng giá với từng họa sĩ. Có thể giá bên ngoài của họ cao hơn, nhưng khi bán cho sưu tập của bảo tàng, họ sẽ chấp nhận với mức giá thấp hơn. Bên cạnh tác phẩm này, bảo tàng còn dán nơ với các tác phẩm: IR.2010, điêu khắc đá-đồng-thủy tinh, 120x120x80cm, của Bùi Hải Sơn; Thư giãn đi, điêu khắc nhôm-đồng-sắt, 70x200x100cm, của Hoàng Tường Minh; Ghế, điêu khắc gỗ-sắt, 60x60x180cm, của Ca Lê Thắng; Những câu chuyện nhỏ màu tím, sơn dầu, 120x160cm, của Nguyễn Huy Khôi. Việc bảo tàng chọn những tác phẩm theo khuynh hướng mới này cũng đã chứng tỏ phần nào sự quan tâm của họ với các tác phẩm đương đại. Như TT&VH đã từng đưa tin, họa sĩ Lê Kinh Tài (sinh 1967, TP.HCM) trong năm 2009 đã từng khiến dư luận chú ý khi đã bán cùng lúc 37 bức tranh với giá 4,9 tỷ đồng. Người mua là bà Chua G.Bee (Zen gallery, một nhà sưu tập đặc biệt yêu thích tác phẩm của anh) đã dùng số tranh này để thực hiện một dự án giới thiệu tác giả, tác phẩm tại các bảo tàng đương đại ở Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc), Chile và sau đó ở Singapore, Indonesia. Văn Bảy