A+ A A- Kiểu đọc sách

Bảo Ninh và nỗi buồn không phải của chiến tranh

13:43 29/10/2013
loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Truyện ngắn Bảo Ninh buồn, ảm đạm, không hẳn vì kể chuyện chiến tranh. Có những truyện hầu như không thấy bóng dáng chiến tranh, mà là đời sống ở một đô thị bắt đầu trỗi dậy (Hà Nội) thời mấy chục năm trước.

Bảo Ninh cũng là một nhà văn hay viết về Hà Nội và đề tài đô thị thời bình, có thể khẳng định như vậy bất chấp tên tuổi ông có lẽ gắn liền với đề tài chiến tranh/hậu chiến vì mức độ nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.


Nhà văn Bảo Ninh

Bảo Ninh ở một diện mạo khác

Bảo Ninh - Những truyện ngắn có bìa đơn giản, nổi bật nhất là chữ Bảo Ninh cỡ lớn, màu đỏ tươi được mạ bóng. Cuốn sách không cần cách “chào mời” nào khác, tên tác giả chính là lý do người đọc tìm đến. Nếu đã biết ông là ai, độc giả chắc chắn sẽ “vồ” lấy đọc ngay. Nếu chưa biết ông (dễ rơi vào lứa độc giả 9X), có thể người ta sẽ đi lướt qua cuốn sách trên giá như lướt qua bất cứ cuốn sách nào trông quá dày và giá hơi cao.

Đây là tuyển tập dày dặn, gồm 36 truyện ngắn của tác giả Nỗi buồn chiến tranh, mà NXB Trẻ khẳng định là một tuyển tập khá đầy đủ những truyện hay và ấn tượng nhất của một trong những nhà văn lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Nhà báo Dương Phương Vinh, người đọc khá kỹ văn Bảo Ninh, lại cho rằng gia tài truyện ngắn của ông còn nhiều nữa.

Không phải ngẫu nhiên mà tập truyện được ra mắt cùng với chùm sách về Hà Nội “Sách trẻ với thủ đô” của NXB Trẻ trong tháng 10 này, bên cạnh tác phẩm về Hà Nội của những tác giả có tên tuổi khác như Nguyễn Việt Hà, Phạm Ngọc Tiến, Đỗ Phấn.

Nhà văn Bảo Ninh không có mặt ở buổi ra mắt sách ngày 7/10 ở Thư viện Hà Nội vì đang ở Hàn Quốc. Cũng lâu rồi ông không phát biểu trước công luận, ít thấy dự ra mắt sách. Có lẽ đó là cách ứng xử khôn ngoan của một tác giả đã được công nhận về tầm vóc, có vị trí trong nền văn chương, và của những người cầm bút có thực tài nói chung.

Bảo Ninh viết không nhiều như nhiều nhà văn cùng thế hệ và cùng tầm khác, nhưng cũng không phải là “nhà văn một tác phẩm” (Nỗi buồn chiến tranh) như nhiều người nhầm tưởng. Tập truyện ngắn này là một minh chứng.


Bìa cuốn Bảo Ninh - Những truyện ngắn

Sống và chỉ sống mà thôi

Trong văn Bảo Ninh nổi bật một Hà Nội hậu chiến. Một Hà Nội gần gần mà xa xa, thỉnh thoảng vẫn được nhắc lại đâu đó trong một bài hát, một triển lãm ảnh, một đoạn phim... Vậy còn trong văn? Bảo Ninh góp một góc nhìn trầm lắng, phải nói là buồn, không thấy lạc quan, nếu nhìn vào kết cục của các nhân vật.

Bảo Ninh viết về chiến tranh hay không về chiến tranh đều hướng ngòi bút vào các mối quan hệ tình cảm giữa con người, cá nhân nhưng không nhỏ nhặt và đòi hỏi sự quan sát tinh tường.

Văn là nghĩ

“Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn tự xem mình là kẻ có khả năng, có trách nhiệm và có ham thú đúc kết nhân tình thế thái đặng tìm ra cho bản thân mình và bạn đọc của mình những giá trị, những ý nghĩa vừa cố định vừa đổi thay không ngừng của đời sống con người, một đời sống tuy ngắn ngủi và khá là ảm đạm, nhiều buồn đau và bất hạnh, song lại cũng hàm chứa vô cùng tận những lẽ đời đáng sống, những giá trị cao quý, những vẻ đẹp tuyệt vời, hạnh phúc và niềm vui” - Nhà văn Bảo Ninh (in trên bìa tập sách Bảo Ninh - Những truyện ngắn)

Trong Mắc cạn, hình ảnh thời bao cấp khốn khó được lồng vào chuyện của đôi vợ chồng bỏ nhau nhưng cuộc sống vẫn gắn chặt vào nhau: “Con người ta thuở ấy cũng như con người ta muôn thuở chỉ lo sống, cứ thế sống, sống và chỉ sống mà thôi”.

Trong Lối mòn dọc phố, Hà Nội khi loại bỏ phương tiện giao thông tàu điện là bối cảnh cho một mối tương giao kỳ lạ của người công chức nghèo và một cô gái đẹp lạ lẫm trên một chuyến tàu đêm muộn màng: “Không còn tàu điện nữa. Đường ray đã bị bóc. Cái bộ xương han gỉ, cái di tích sống động và tàn tạ của Hà thành cả một thế kỷ 20 đã thật sự chết rồi... Hàng ngày bám theo lối mòn giữa phố ấy, lòng tôi vẫn âm thầm ấp ủ một cuộc gặp gỡ không bao giờ còn có thể”.

Tiếc là các truyện ngắn trong sách không được ghi kèm năm sáng tác để độc giả dễ liên tưởng với hoàn cảnh xã hội. Thời điểm sáng tác, giả sử với những truyện ngắn có bối cảnh miền quê hoặc rừng núi không quá quen thuộc của Nguyễn Huy Thiệp (Con gái thủy thần, Những ngọn gió Hua Tát, Những người thợ xẻ...) thì không quá cần thiết. Nhưng với bối cảnh Hà Nội như trong truyện ngắn Bảo Ninh, thứ bối cảnh đã quá quen thuộc với không chỉ người Hà Nội nhờ mức độ phủ sóng trên truyền thông, thì cần. Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử là thứ người ta luôn tò mò tìm hiểu và so sánh.

Vật đổi sao dời

Viết về thời đại của mình là việc chẳng có gì lạ lẫm. Nhà văn là người chấp nhận thách thức theo đuổi những thứ “vừa cố định vừa đổi thay” (chữ của Bảo Ninh), gắng tạo ra những tác phẩm có giá trị lâu bền, nhìn thấu cả sự ổn định và đổi thay. Là người cầm bút, ai cũng viết ở hiện tại nhưng mơ rằng mãi về sau vẫn còn người đọc mình.

Tiếc là cả Bảo Ninh và những nhà văn tên tuổi cùng thế hệ với ông (từ sau Đổi mới đến nay) hiện có phần mất nhịp với độc giả trẻ đương đại. Văn hay thì không cũ, ảnh đẹp cũng không cũ, nhưng rõ ràng có những đề tài văn học hoặc nhiếp ảnh cũ theo thời gian. Chúng hơi trôi ra ngoài mối quan tâm của xã hội đương đại, nắm giữ một vai trò thiêng liêng nhưng thiệt thòi là gợi về ký ức.

Những đặc điểm từng cực kỳ quen thuộc khiến đông đảo độc giả đồng cảm, nay trở thành lạ lẫm với thế hệ độc giả mới. Vật đổi sao dời. Văn về thời bao cấp, cũng như những triển lãm ảnh về Hà Nội thời bao cấp, chúng cuốn người ta vào hoài niệm khi thi thoảng xuất hiện trong đời sống nghệ thuật đương đại, nhưng có vẻ không có nhiều mối liên quan với hiện tại và tương lai.

Tất nhiên, hiện tại nằm trong quá khứ và tương lai, nhưng dường như thế hệ nhà văn nào, thế hệ độc giả đó. Những người đọc “chệch” thế hệ, thực sự hoài cổ, có lẽ ngày càng thu hẹp thành số ít.

Bảo Ninh - Những truyện ngắn, 570 trang, do NXB Trẻ ấn hành tháng 10/2013. Các truyện tiêu biểu: Mắc cạn, Bí ẩn của làn nước, La Mác-xây-e, Khắc dấu mạn thuyền, Lối mòn dọc phố, Lan man trong lúc kẹt xe, Thời tiết của ký ức...

Trước đây, có vài tuyển tập truyện ngắn của Bảo Ninh đã được xuất bản như Chuyện xưa kết đi, được chưa? (NXB Văn học), Bảo Ninh - Tác phẩm chọn lọc (NXB Phụ nữ), Lan man trong lúc kẹt xe (NXB Hội Nhà văn), Truyện ngắn Bảo Ninh (NXB Công an Nhân dân).

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của ông (được dịch ra 19 thứ tiếng) hàng năm vẫn được tái bản dưới nhiều hình thức, với cả tên gọi khác Thân phận của tình yêu.


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...