Văn hóa bóng đá
(Thethaovanhoa.vn) - Khi Dwight Yorke tới Việt Nam, trả lời câu hỏi có hiểu gì về văn hóa bóng đá ở Việt Nam không, tiền đạo lừng danh một thời của Man Utd nói đại ý rằng, đó là một phạm trù rất đặc biệt, nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố và vươn lên khỏi ranh giới của bóng đá thuần túy. Yorke rất thích sự cuồng nhiệt của các fan Việt Nam.
- CĐV Than Quảng Ninh 'tẩy chay' khán đài B sân Cẩm Phả
- CĐV Than Quảng Ninh 'chơi chiêu' VPF
- Chịu chơi như Hội CĐV Than Quảng Ninh
Nhưng văn hóa bóng đá thường bộc lộ rõ rệt và đầy đủ trên các khán đài, trong những trận bóng đá quốc nội, nơi mà người ta dễ dàng thấy sự khác biệt của mỗi sân đấu, mỗi Hội CĐV, mỗi địa phương, và thậm chí là cả mỗi môn thể thao.
CĐV Than Quảng Ninh tạo nên bản sắc riêng trong phong cách cổ vũ tại V-League.Ảnh: Thanh Hà
Cách nay 6 năm, ở Nam Phi, World Cup diễn ra ở đó trong sự dự báo rằng đây sẽ là ngày hội bóng đá giàu bản sắc nhất. Nhưng ấn tượng đọng lại rõ rệt từ giải đấu ấy từ các khán đài là gì nếu không phải những chiếc kèn vuvuzela, một loại kèn nhựa giản đơn nhưng có thể phát ra uy lực tương tự một chiếc còi xe hơi.
FIFA đòi cấm vì hàng vạn chiếc kèn thổi cùng một lúc trong một sân bóng đá được thiết kế với những toan tính nhằm giúp các âm thanh cổ vũ trên khán đài trở nên ấn tượng hơn đã khiến cho không chỉ những ai không thổi kèn cảm thấy khó chịu, mà cả những người xem qua truyền hình cũng thấy tức tối.
Nhưng FIFA không thể cấm. Vì vuvuzela là một loại kèn đặc trưng của người da màu ở Nam Phi. FIFA thua cuộc dù biết rằng hàng chục xe container chở kèn vuvuzela sản xuất từ Trung Quốc mang qua bán với giá chỉ bằng vài chai bia.
Nhưng vuvuzela không bao giờ xuất hiện ở những trận Rugby – một môn thể thao cực kỳ phổ biến ở Nam Phi và các khán đài còn sôi động gấp bội so với những trận đá bóng ở xứ này. Văn hóa của Rugby chỉ có những lời hát, những tiếng boo boo, những tiếng hò reo.
Và ngay trong khuôn khổ World Cup, khi Tây Ban Nha gặp Hà Lan trong trận chung kết, đó là cuộc đấu giữa hai đội bóng châu Âu, thì sự hân hoan trở lại. Người ta được nghe những âm thanh truyền thống nhất từ các khán đài ở những ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh: Chỉ có những lời hát nghe sởn gai ốc. Không cần trống. Không cần kèn. Không cần loa.
Trên các sân cỏ thế giới, các CĐV thường hát gì? Một bài hát trứ danh như Hey Jude mà các fan của Man City hát là điều rất xa xỉ. Phổ biến hơn là một vài câu hát giản đơn nhưng thể hiện cái chí khí của một đội bóng, một dân tộc, hoặc mộc mạc hơn là đôi khi chỉ là phóng đại sự hiềm khích của giữa những kỳ phùng địch thủ.
Như người Argentina và Brazil hát chế giễu nhau, tôn vinh huyền thoại của mình. Hoặc thậm chí tối giản mà mạnh mẽ như cái cách người Chile hò hét “Chi Chi Chi, Le Le Le, Viva Chile”.
EURO 2016 chắc chắn sẽ là một ngày hội của thứ văn hóa cổ vũ bóng đá truyền thống. Vì không có cộng đồng fan nào hát hào hùng hơn những người hâm mộ ở Ba Lan, Đức, Anh…
Việt Nam thì sao? Các CLB không có những bài hát cổ vũ bóng đá thuần tuý. Đội tuyển cũng không có được bài hát riêng và một cái biệt danh cũng không có.
Trên sân cỏ Việt Nam chỉ có những bài hát nhạc đỏ, những bài hát sáng tác cách nay hàng thập kỷ, trong thời lửa khói, vinh quang và tự hào nhưng lại không đơn giản để hát bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và ròng rã trong suốt cả trận đấu.
Bóng đá không thể là những bài hát bom rơi lửa đạn, không thể là những bất khuất kiên trung. Hát trên khán đài không phải quãng 3 hay quãng 8. Chỉ cần vài câu thôi, dễ nhớ, dễ hát mà mạnh mẽ, cảm hứng.
Bóng đá càng mộc mạc càng mạnh mẽ càng được yêu mến.
Kỳ Anh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần