Vấn đề của đội tuyển Ý: Nhức nhối cơn khát tiền đạo đẳng cấp
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người hâm mộ Italy đã ước ao rằng giá như người đá tiền đạo cho Italy trận thua Bắc Macedonia là Mario Balotelli, biết đâu cơn hạn hán bàn thắng của đội bóng đã được giải tỏa. Nhưng hoài vọng về Balotelli chỉ càng làm nhức nhối thêm nỗi đau lớn của bóng đá Italy nhiều năm qua. Họ không còn sản sinh ra được các chân sút tài năng nữa.
Khó ghi bàn là một trong những vấn đề lớn nhất mà HLV Mancini và đội tuyển Italy phải đối đầu trong thời gian qua. Họ mất vé dự World Cup 2022 chính là vì hàng công không thể ghi bàn trong những trận quan trọng nhất. 2 trận gặp Thụy Sĩ, 3 trận gặp Bulgaria, Bắc Ireland và Bắc Macedonia, Italy chỉ ghi tổng cộng… 2 bàn, sau khoảng 80 cú dứt điểm được tung ra.
Sự bất lực của Mancini
Thực ra cơn hạn hán bàn thắng của Italy bắt đầu từ vòng bán kết EURO 2020, với việc họ chỉ ghi được 1 bàn mỗi trận trong các trận bán kết và chung kết, sau khi đã ghi 13 bàn trong 5 trận trước đó. Không phải ngẫu nhiên khi đó cũng là thời điểm họ không còn hậu vệ trái Leonardo Spinazzola, cầu thủ bị gãy chân ở trận tứ kết gặp Bỉ. Cầu thủ của Roma này được xem là chìa khóa quan trọng hàng đầu trong lối chơi mà HLV Mancini áp dụng, khi những pha xuyên phá từ biên trái của anh mở ra rất nhiều khoảng trống và cơ hội cho các cầu thủ tấn công. Hiệu quả tấn công của Italy trước và sau sự cố Spinazzola chứng tỏ điều đó. Emerson Palmieri cũng ưa thích chơi tấn công, nhưng anh không thể thay thế Spinazzola.
Nhưng chính sự lệ thuộc vào Spinazzola cho thấy HLV Mancini thực sự bất lực với hàng tiền đạo của Italy. Điều đáng lo là Spinazzola đã nghỉ thi đấu 9 tháng rồi mà bài toán không có anh Mancini vẫn chưa tìm ra lời giải. Các đối thủ nhìn ra gót Achilles của Italy, còn Mancini cố chấp vẫn cứ ôm riết lối chơi như chưa hề xảy ra biến cố, bất chấp các tiền đạo có mặt trên sân chỉ để đủ quân số. Thực tế thì những Immobile hay Insigne, Belotti cũng chơi không tốt ngay cả khi có Spinazzola. Sự vắng mặt của hậu vệ trái này chỉ càng làm rõ hơn sự vô dụng của họ, nhưng Mancini vẫn vờ như không biết. Bản chất Immobile, Belotti hay Berardi không phải chân sút tồi. Họ vẫn tỏa sáng ở CLB của mình, ghi bàn đều đặn và luôn đáng tin cậy, nhưng ở đội tuyển thì không.
Sự bất lực của nền bóng đá
Người Italy hoài vọng về Balotelli, cay đắng thay, chỉ là vì họ không thể tìm thấy ai khác để xóa đi nỗi thất vọng về những Immobile hay Belotti. Balotelli là chân sút Italy gần nhất thực sự có đẳng cấp, nhưng anh bây giờ đã 32 tuổi, qua thời đỉnh cao đã lâu và gần như đã bị quên lãng trong làng bóng đá. Balotelli có lẽ chỉ hơn Immobile ở động lực thi đấu. Anh rất khao khát trở lại với Azzurri.
Mancini không gọi Balotelli cho vòng play-off, nhưng lại triệu tập Joao Pedro, cầu thủ cũng đã 30 tuổi và mới chỉ có chục trận khoác áo đội U17… Brazil cách đây hơn 1 thập kỷ. Việc phải cậy nhờ một tiền đạo nhập tịch không có cả danh tiếng, tài năng lẫn tuổi trẻ cho thấy cơn khát chân sút của Italy đã quá giới hạn chịu đựng của người hâm mộ, đa phần trong số đó vẫn nhớ như in những đội Italy “đuổi đi không hết” những siêu sao ghi bàn. Những năm cuối 1990 đầu 2000, các HLV Italy từng phải đau đầu lựa chọn giữa Totti, Del Piero, Montella, Inzaghi, Vieri, Cassano, Di Canio… Đó là những năm tháng mà ngay cả một chân sút 34 tuổi vô danh như Dario Hubner cũng giành giải Vua phá lưới Serie A.
Nhưng đây là cái giá bóng đá Italy phải trả cho việc đã quá nuông chiều các cầu thủ ngoại nói chung và chân sút ngoại nói riêng. Hầu hết các CLB ở Serie A hiện nay không sử dụng tiền đạo người Italy, kể cả những đội bóng nhỏ vốn có truyền thống dùng cầu thủ nội như Verona, Empoli. Trong 10 đội mạnh nhất giải, chỉ duy nhất Sassuolo và Lazio có tiền đạo chủ lực mang quốc tịch Italy. Họ đã được gọi lên tuyển, nhưng chưa đủ sức gánh vác nhiệm vụ. Chính sách thuế ưu đãi cho lao động nhập cư (bao gồm các cầu thủ) càng khiến cho vấn đề thêm trầm trọng. Điển hình như Milan chọn ký hợp đồng với Divock Origi của Liverpool thay vì Andrea Belotti của Torino, cho dù Belotti là fan nhiệt thành của họ và cũng là chân sút có tên tuổi ở Serie A. Lý do là với cùng mức lương của hai cầu thủ này, Milan chỉ phải bỏ ra 1/3 số tiền thuế cho Origi so với cho Belotti!
Vĩnh Nguyên