Văn chương trẻ thêm một thế hệ rời vạch xuất phát
Hội nghị Những người viết trẻ TP.HCM lần thứ V - 2024 do Hội Nhà văn TP.HCM chủ trì và phối hợp tổ chức, đã thu hút nhiều gương mặt trẻ của làng văn tham dự. Đáng lý những sự kiện như thế này nên thường xuyên diễn ra, nhưng nói như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, tại hội nghị này: "Sẽ còn phải chờ đợi rất lâu, mới có thêm một cuộc tao ngộ như thế này trong đời sống cộng đồng".
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của Lê Thiếu Nhơn - Trưởng ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM - về hội thảo này:
1. Ở một đô thị nhộn nhịp mang đẳng cấp quốc tế như TP.HCM, văn chương chưa bao giờ bị ru ngủ bởi những mơ tưởng viễn vông. Văn chương buộc phải vận hành trong sự năng động của cộng đồng, và nỗ lực dự phần vào đời sống tinh thần của cộng đồng. Với đặc trưng ấy, nghề cầm bút chuyên nghiệp đối mặt nhiều thử thách, với các bạn trẻ muốn tìm kiếm cơ hội lập thân theo cách riêng mình. Cũng may, sức quyến rũ của một môi trường sống cởi mở vẫn không ngừng thu hút dòng người nhập cư liên tục, đã giúp đội ngũ văn chương TP.HCM đều đặn bổ sung những gương mặt mới. Vì vậy, Hội nghị Những người viết trẻ TP.HCM lần V - 2024 lại chứng kiến thêm một thế hệ rời vạch xuất phát để theo đuổi đam mê sáng tạo.
Bây giờ, không còn những tờ báo ưu ái đăng tải sáng tác cho các cây bút trẻ, như hai thập niên cuối thế kỷ 20. Thế nhưng, bù đắp lại, mạng Internet đã và đang tạo ra không gian thuận lợi cho các cây bút trẻ được phô diễn đam mê văn chương. Có không ít cây bút từ bệ phóng của Blog hoặc Facebook, mà trở thành tác giả có sách bán chạy trên thị trường. Mặt khác, tận dụng công nghệ thông tin, các cây bút trẻ tỏ ra nhạy bén trong việc quảng bá và tiếp thị tác phẩm. Thậm chí, nhiều cây bút trẻ dễ dàng phát hành được tác phẩm của mình đến tận vùng sâu, vùng xa thông qua kết nối thế giới ảo.
Hội nghị Những người viết trẻ TP.HCM đã được tổ chức 4 lần. Đến kỳ gặp gỡ thứ 5 diễn ra từ ngày 11/10 đến 13/10, cũng là dịp để đánh giá tương đối rõ nét sự hình thành đội ngũ tác giả được chào đời và lớn lên trong hòa bình. Nghĩa là, điểm danh những tác giả sinh từ năm 1975 trở lại đây, đã thấy một lực lượng trẻ bổ sung màu sắc sinh động cho nền văn chương Việt Nam, như Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Vũ Đình Giang, Trương Anh Quốc, Đào Phong Lan, Tiến Đạt, Ngô Liêm Khoan, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thị Hạnh, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Văn Thành Lê, Tống Phước Bảo, Trần Đức Tín… Họ làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, nhưng vẫn giữ được ngọn lửa sáng tạo văn chương một cách bền bỉ.
Một đặc điểm của văn chương trẻ nói riêng và văn chương TP.HCM nói chung, là sự trong sáng dung nạp những sự khác biệt về cá tính sống lẫn phong cách viết. Tác giả trẻ phương Nam không tẩy chay hoặc miệt thị những biểu hiện không giống mình, nên văn chương đa dạng và phong phú. Người giữ nhịp điệu lục bát truyền thống vẫn đứng chung với người khao khát tân hình thức hoặc hậu hiện đại. Người say sưa tiểu thuyết ngôn tình vẫn đồng hành người mải mê đổi mới cấu trúc truyện ngắn. Họ chấp nhận nhau, họ dìu dắt nhau, họ nâng đỡ nhau để có được tác phẩm như mong muốn của mỗi người.
2. Đáng chú ý, văn chương trẻ TP.HCM đang hình thành những tác giả mang phẩm chất công dân toàn cầu. Họ sinh sau năm 2000, thông thạo ngoại ngữ và có thể sáng tác bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Ví dụ, tác giả trẻ Minh Anh sinh năm 2007 đã đoạt giải A của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ song ngữ Một ngày từ bên trong. Còn đại biểu trẻ nhất ở Hội nghị Những người viết trẻ TP.HCM lần V - 2024 là Cao Việt Quỳnh, sinh năm 2008, có bộ tiểu thuyết Người sao chổi, gồm 3 tập, được trao tặng Giải thưởng Sách quốc gia.
Chắc chắn những tác giả - công dân toàn cầu này hoàn toàn có khả năng tự tin hội nhập văn chương quốc tế.
So với Hội nghị Những người viết trẻ TP.HCM lần 4 - 2017 thì hôm nay các gương mặt tác giả trẻ đã đông đảo hơn và nhiều dấu ấn hơn. Qua giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cuộc thi văn chương chuyên nghiệp, những tên tuổi đã được khẳng định như Bùi Tiểu Quyên, Ngô Thúy Nga, Trần Ngọc Mai, Võ Chí Nhất, Vĩ Hạ, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Trần Khải Duy, Ngô Tú Ngân, Trần Văn Thiên, Đoàn Nguyễn Anh Minh…
Và họ cũng khác thế hệ đi trước, khi tự chọn con đường riêng để đột phá, có người chuyên tâm viết cho thiếu nhi, có người đầu tư mảng truyện tranh, có người khai thác mảng khoa học viễn tưởng, có người sáng tác đề tài trinh thám phá án… Họ chủ động tạo dựng thế giới văn chương của họ, đầy hào hứng và đầy nhiệt huyết.
Hạn chế phải âu lo hiện tại là sự thưa vắng những tác giả trẻ ở lĩnh vực lý luận phê bình. Vài cây bút như Nguyễn Đình Minh Khuê hoặc Trương Mỹ Ngọc dường như vẫn chưa tương tác trực diện với nhịp điệu văn chương đang chuyển biến mau chóng của nhu cầu xã hội. Nếu không hình thành những sinh hoạt học thuật thường xuyên và không có những diễn đàn tích cực, thì trong vòng một thập niên tới, đời sống văn học TP.HCM sẽ hụt hẫng vì khoảng trống lý luận phê bình.
Văn chương chưa bao giờ là trò chơi nhất thời. Văn chương đòi hỏi ý thức dấn thân tận tụy suốt đời. Thêm một thế hệ trẻ rời vạch xuất phát văn chương, rất đáng mừng, nhưng hy vọng phía trước vẫn rất hồi hộp. Đành chúc nhau chân cứng đá mềm, để người nọ tiếp nối người kia trên hành trình bồi đắp vẻ đẹp đô thị phương Nam hào hiệp và nghĩa tình.
"Nếu không hình thành những sinh hoạt học thuật thường xuyên và không có những diễn đàn tích cực, thì trong vòng một thập niên tới, đời sống văn học TP.HCM sẽ hụt hẫng vì khoảng trống lý luận phê bình" - Lê Thiếu Nhơn.