Vẫn 'chém lợn' ở Ném Thượng, nhưng không ở giữa sân đình
Nhưng cần điều chỉnh nghi thức "chém lợn" giữa sân đình vào khu vực riêng, kín đáo.
Đó là khẳng định của Sở VH,TT&DL Bắc Ninh trong công văn số 1002/NSVH-SVHTTDL về việc quản lý và tổ chức lễ hội Ném Thượng năm 2016 gửi Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH,TT&DL)
Cụ thể, Sở VH,TT&DL Bắc Ninh đã chỉ đạo phường Khắc Niệm và khu phố Ném Thượng tổ chức cuộc tọa đàm "Công tác quản lý và bảo tồn di tích lịch sử văn hóa đình Ném Thượng" trong đó trong tâm thảo luận về việc tổ chức lễ hội 2016 tại đình làng vào ngày 28/8/2015.
BTC địa phương đã mời các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan báo chí về dự tọa đàm. Trong buổi tọa đàm, các nhà khoa học cũng như người dân Ném Thượng, các cơ quan chức năng đều thống nhất rằng lễ hội Ném thượng là nghi lễ có từ lâu đời, cần bảo tồn và phát huy giá trị, là di sản quý của dân tộc. Song, lễ hội cũng không phải bất biền mà cần được điều chỉnh nâng cao một số nội dung, thích ứng với xã hội phát triển.
Từ đó, nhân dân Ném Thượng cùng các ban ngành địa phương tổ chức Hội nghị và thống nhất: Lễ hội Ném Thượng năm 2016 vẫn tổ chức bình thường, tất cả các nghi thức truyền thống cần được bảo tồn và gìn giữ. Nhưng cần điều chỉnh nghi thức "chém lợn" giữa sân đình vào khu vực riêng, kín đáo.
Đồng thời, BTC cũng không để nhân dân nhúng tiền vào máu lợn. Tháng 11, 12/2015, UBND phường Khắc Niệm sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và tăng cường biện pháp quản lý đối với lễ hội Ném Thượng và các lễ hội khác trên địa bàn.
Trước đó, Animals Asia (Tổ chức Động vật châu Á) kêu gọi cộng đồng cùng vận động ngành quản lý tại Việt Nam "chấm dứt lễ hội chém lợn Ném Thượng".
Thông cáo của tổ chức này cho biết: Chiến dịch vận động cộng đồng cùng ký tên kêu gọi lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bộ Thông tin & Truyền thông "ban hành Luật chấm dứt lễ hội Chém lợn". Cho rằng "văn hóa và truyền thống thường được đưa ra làm lời biện hộ cho những hoạt động tàn bạo đối với động vật này", phía Animals Asia đồng thời khẳng định: Hành động chém lợn "hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam và cũng không thể gọi là văn hoá sống của con người".
Đánh giá về động thái này của Animal Asia, GS Ngô Đức Thịnh cho hay: "Tôi luôn bất bình với việc một số người tự cho mình quyền phán xét rất thiếu trân trọng về văn hóa của một địa phương khác bằng các cụm từ dã man, man rợ, hủ tục”.
"Nếu người ta nhìn câu chuyện từ con mắt của văn hóa Phương Tây, thì tôi xin chỉ ngay ra một nguyên tắc của chính UNESCO: Các phong tục, truyền thống văn hóa của từng cộng đồng đều có sự bình đẳng, miễn là không xâm phạm quyền con người”.- GS Ngô Đức Thịnh nói.
Còn Nhà sử học- Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): Chúng ta hãy cứ nghĩ rằng kiến nghị của Animals Asia xuất phát từ sự chân tình và cần được tôn trọng. Tuy nhiên, việc thay đổi thế nào, thay đổi tới đâu, thì lại là một câu chuyện cần được nghiên cứu kĩ. Và, nghi thức này nếu thay đổi thì phải đến từ sự chủ động của chính cộng đồng địa phương, chứ không nên áp đặt bằng các quy định hành chính".
Phạm Mỹ