Vai trò của Y học cổ truyền và nguồn nhân lực y sĩ đông y với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, tại trường trung cấp Y Khoa Pasteur đã diễn ra hội thảo về Vai trò của Ngành Y học cổ truyền và lực lượng Y sỹ Y Đông Y trong công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.
Dự buổi hội thảo có Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thế Thịnh, Cục Trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền, các Giảng viên, Thạc sỹ, bác sỹ của các trường Y học cổ truyền quân đội, Y học Tuệ tĩnh, Y học cổ truyền Thành phố HCM, Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố HCM, quân đội...
Việt Nam là một quốc gia có nền y học cổ truyền lâu đời, phong phú. Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, y học cổ truyền Việt Nam đã luôn được chú trọng phát triển, được kế thừa, chọn lọc ứng dụng, bảo tồn nhằm phát huy giá trị của cây thuốc cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Từ xa xưa, ông cha ta đã đưa ra triết lý “Nam Dược trị Nam nhân” nghĩa là thuốc nam chữa bệnh cho người Việt Nam. Vì vậy, phát triển ngành y học cổ truyền chính là hoạt động có ý nghĩa bảo tồn bản sắc, văn hóa của dân tộc, phát huy tinh thần độc lập tự cường của nhân dân ta. Ưu điểm của y học cổ truyền là sự vận dụng sáng tạo triết học cổ phương đông vào chẩn trị. Vì thế, các thầy thuốc đông y luôn có cách nhìn người bệnh toàn diện, từ đó có sự điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể nhằm khắc phục bệnh tật; rất phù hợp với yêu cầu phòng và điều trị nhiều bệnh lý mạn tính hiện nay.
Thời gian qua, Việt Nam là một quốc gia tiên phong trong hoạch định phát triển nền y học đại chúng, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, coi y học cổ truyền là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa cộng đồng các dân tộc; tổ chức khai thác hợp lý nguồn dược liệu phong phú của thiên nhiên trong điều kiện cụ thể của nước ta. Ngành Y học cổ truyền Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và được thế giới đánh giá cao. Cả nước hiện nay với 84,8% Trạm Y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trên 12.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền do các bác sĩ, y sỹ, lương y, người có bài thuốc gia truyền. Các phòng chẩn trị, trạm y tế xã đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y học cổ truyền.
Đặc điểm khí hậu Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao nên thảm thực vật phát triển dày và phong phú với nhiều loại cây được sử dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loại cây thuốc rất quý. Có thể thấy khắp nơi đất nước ta nhìn cây gì cũng có thể làm thuốc chữa bệnh, ở đâu cũng có cây xanh, hoa trái đều là những vị thuốc cổ truyền của ông cha ta từ ngày xưa. Đây là nguồn thuốc dồi dào không bao giờ hết mà chúng ta có thể chưa biết hoặc không sử dụng hết, thật là nguồn tài nguyên vô cùng lãng phí.
Vì thuốc nam là những thứ cỏ cây sẵn có quanh ta nên cần có đội ngũ y sĩ y học dân tộc cổ truyền hùng hậu để phục vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Muốn vậy cần phải đào tạo nguồn nhân lực y học cổ truyền với những đội ngũ thầy thuốc hiểu biết về y lý - y thuật đông y từ nguồn thảo dược thiên nhiên.
Với chủ trương khuyến khích kế thừa, phát huy, phát triển Y học cổ truyền Việt Nam, Đảng và Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền đông y và Hội đông y trong tình hình mới; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, Quyết định số 1893/QD-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 và nhiều văn bản khác.
Tuy nhiên, việc đào tạo y, bác sĩ y học cổ truyền ở nước ta hiện nay còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội về khám, chữa bệnh đông y, số cơ sở đào tạo và số người đăng ký học y học cổ truyền còn rất khiêm tốn, việc khai thác cây quả trong thiên nhiên làm thuốc chữa bệnh chưa đạt được như mong muốn; trồng cây dược liệu ở nơi có điều kiện chưa được chú trọng đúng mức… Mặt khác, mặc dù ngành y tế đã đưa bác sĩ về trạm y tế xã, phường nhưng vẫn cần phát huy được toàn diện thế mạnh của Y học cổ truyền Việt Nam là thầy tại chỗ, thuốc tại vườn, để chữa trị bệnh kịp thời cho nhân dân.
Nguyên nhân chính là nhận thức về khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa ngang tầm với vai trò quan trọng và tác dụng thực tế của đông y; công tác tuyên truyền về đông y còn yếu; người dân còn tâm lý coi thuốc Tây hơn thuốc Nam… Nhưng quan trọng hơn hết là thiếu đội ngũ lao động chuyên nghiệp ngành đông y để khắc phục được những hạn trên trên.
Để thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về chiến lược phát triển y học cổ truyền, các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe cần được sự ủng hộ tích cực, tạo điều kiện của các cấp quản lý nhà nước trong việc tuyển sinh và đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng y học cổ truyền góp phần đáp ứng yêu cầu toàn diện về nguồn nhân lực của xã hội nước ta.
Tăng cường đào tạo đội ngũ nhân viên y học cổ truyền trong giai đoạn hiện nay là đáp ứng các mục tiêu chủ yếu. Thứ nhất. Y học cổ truyền lấy việc phòng bệnh làm chính, thực hiện phương châm phòng bệnh hơn trị bệnh. Phương thức thực hiện chữa bệnh không dùng thuốc (dưỡng sinh, châm cứu xoa bóp, bấm huyệt…) và dùng thuốc đều có nguồn gốc tự nhiên được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu này ngoài ý nghĩa khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường. Muốn được như vậy, cần phải có đội ngũ thầy thuốc vững mạnh trong nhân dân.
Thứ hai là, tạo được đội ngũ nhân viên y học cổ truyền hoạt động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, ngăn chặn kịp thời các bệnh thông thường hay mới phát bằng cách dùng nam dược tại chỗ. Có được như vậy mới giúp cho nhân dân giảm bớt chi phí điều trị, ngăn chặn được những người không phải lương y hành nghề mê tín dị đoan, phản khoa học như một số hiện tượng hiên nay.
Thứ ba là, tạo đủ nhân lực thực hiện Chiến lược y học cổ truyền của WHO giai đoạn 2014-2023 mà nước ta ký cam kết. Đồng thời góp phần hỗ trợ các nước thành viên WHO chủ động xây dựng các chính sách về y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Thứ tư là, việc cho phép các Trường chuyên về Y tế đào tạo Y sĩ Y học cổ truyền góp phần chuẩn hoá Lương y để các thầy thuốc hoạt động theo đúng quy định của Luật khám chữa bệnh.
Để thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành y học cổ truyền, chúng ta cần chú trọng việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn năng lực các bậc học cho học viên ngành y học cổ truyền. Trước hết, cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực của sinh viên nhằm tạo ra đội ngũ nhân viên y tế có kỹ năng xử lý hiệu quả các mô hình bệnh tật trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Các cơ sở đào tạo y sĩ Y học cổ truyền cần xây dựng nội dung chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành y tế, với thực tiễn địa phương và mỗi vùng trong cả nước. Phải bảo đảm tính hiện đại và có xu hướng tiếp cận với trình độ đào tạo nghề nghiệp tiên tiến của khu vực và thế giới. Cần được cập nhật theo hướng chú trọng thực hành để đảm bảo mục tiêu đào tạo nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu chuyên môn y học phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thảo Nhi