Vài phim Việt hốt bạc, điện ảnh Việt hốt gì?
Cũng theo CGV, nếu không có những biến cố lớn tác động đến, việc doanh thu bán vé tại thị trường Việt Nam năm 2015 hoàn toàn có thể vượt qua cột mốc 100 triệu USD. Theo chúng tôi thì ước tính này của CGV dựa vào mấy cơ sở: 1) Doanh thu bán vé năm 2014 ước tính đạt trên 85 triệu USD; 2) Số rạp chiếu, phòng chiếu đang tăng mạnh và chưa dừng lại; 3) Do sức tác động từ việc bán vé của các phim như Để Mai tính 2, Chàng trai năm ấy…
1. Mấy năm trước đây, trong một cuộc trò chuyện, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói rằng để kiếm 2-3 triệu USD làm một phim không khó, nhưng khó nhất là thuyết phục các nhà đầu tư thấy được sự khả thi trong việc bán vé sau đó.
Mới đây, Dustin Nguyễn cũng nói một ý tương tự, đó là để làm một phim hành động tươm tất thì cần ít nhất 2 triệu USD, không nhiều nhưng không dễ kiếm. “Với nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam thì đây là số tiền có thể xoay xở được, nhưng đã làm ăn chuyên nghiệp thì phải tính toán đến điểm hòa vốn và kiếm lời, còn kiếm lời được hay không là chuyện khác. Đầu tư 2 triệu USD, điểm hòa vốn là 4 triệu USD, lịch sử chiếu phim tại Việt Nam chỉ có vài phim làm được điều ấy, nên chưa thể đầu tư lúc này. Nếu nhìn rộng ra, điều mà những phim như Tèo Em, Để Mai tính 2 làm được là rất ý nghĩa, nó trở thành cơ sở đầu tiên để các nhà đầu tư có niềm tin mà vào cuộc”, Dustin Nguyễn phân tích.
Với nền điện ảnh do tư nhân chi phối mạnh như Việt Nam hiện tại, nhà đầu tư gần như quyết định toàn bộ cuộc chơi, cá tính của đạo diễn và phong cách của bộ phim chỉ giữ được một phần nhỏ. Điểm này quá rõ với khu vực tư nhân, mà khu vực nhà nước cũng không khác mấy. Nhà nước đầu tư nên muốn phim đi theo hướng nào thì đạo diễn và bộ phim phải đi theo hướng đó, thông qua công tác thẩm định kịch bản trước khi đầu tư. Có khác chăng là Nhà nước hào phóng hơn, không quan trọng chuyện bán vé, còn tư nhân cần hòa vốn hoặc có lãi.
2. Nhưng cũng có những ý kiến cứng rắn và cầu toàn hơn khi nhận định rằng Tèo Em, Để Mai tính 2… là nhảm nhí, không đáng xem, khán giả “ngu” nên mới bị lừa. Ở đây khoan bàn đến gu thẩm mỹ, chuyện hay dở, hoặc định hướng làm phim của từng nhà sản xuất, mà thử xem khán giả Việt “ngu” đến cỡ nào? Chắc họ không ngu lắm đâu, khi năm 2014 Việt Nam đã sản xuất khoảng 30 phim chiếu rạp, vậy tại sao họ chỉ xúm vào “ngu” với một vài phim? Với tiền đầu của tư nhân, phim không bán được vé đồng nghĩa với thất bại, phá sản; với đầu tư của Nhà nước, phim không có người xem (chuyện thường thấy) là lãng phí, là sai mục đích.
Còn nói khán giả dễ bị lừa cũng không có cơ sở, tại sao những phim Việt được cho là hay, được truyền thông rầm rộ, vậy mà bán vé rất kém? Chỉ có thể đoán rằng, trong lúc này, những người tự quyết định việc bỏ tiền mua vé đang rất thích các phim hài kiểu Tèo Em, Để Mai tính 2…; còn phim tác giả, phim nghệ thuật thì đành đi đến với các lớp khán giả khác bằng con đường khác, ví dụ DVD lậu, tải miễn phí hoặc trả tiền rất tượng trưng trên mạng?
Nếu tính tổng số phim thật sự ra rạp tại Việt Nam trong năm 2014, khoảng 200 phim, thì Việt Nam chiếm gần 10% trong số ấy. Nếu nhìn vào doanh thu bán vé 85 triệu USD, phim nội góp vào hơn 15%, như vậy là đáng vui. Bởi nên nhớ rằng, phim ngoại nhập chiếu tại Việt Nam toàn bom tấn hoặc hạng A, trong khi phim nội địa sản xuất chỉ đáng hạng C. Đầu tư rất thấp (thường dưới 500 ngàn USD), chất lượng cũng thấp… mà vẫn cạnh tranh được với phim siêu sao, điều này chỉ làm được là do người Việt quá yêu phim Việt. Nếu phản bội lại tình yêu này (như phim bao cấp, phim mì ăn liền… đã làm) thì việc khán giả quay lưng cũng dễ hiểu.
3. Những phim tạm gọi thị trường và phim tác giả (nghệ thuật, thể nghiệm…) có quan hệ gì với nhau không? Nhiều ý kiến cực đoan cho rằng chúng chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng những ý kiến từng trải hơn thì thừa biết chúng là máu mủ, ruột thịt. Một nền điện ảnh hoàn chỉnh thì phải cần sự đa dạng, nhiều hướng đi khác nhau.
Các phim chất lượng như Mùa len trâu; Bi, đừng sợ!; Đập cánh giữa không trung… làm được là bởi có tiền tài trợ nước ngoài. Gần đầy nhất là Cha và con và... của Phan Đăng Di, nhận 35% đầu tư sản xuất và 100% tiền hậu kỳ từ nước ngoài, được tranh giải chính thức LHP Berlin. Những câu hỏi thường gặp cho các trường hợp này là: Tại sao các phim này lại được nước ngoài tài trợ, mà trong nước thì ít tài trợ? Các kịch bản như Tèo Em, Để Mai tính 2… đi xin tài trợ nước ngoài có được cho tiền không? Trả lời mấy câu hỏi này xong sẽ thấy mục đích và mục tiêu làm phim là khác nhau, nên đầu tư và tài trợ cũng vậy. Nhưng câu hỏi khó hơn là những nhà tài trợ kia lấy tiền ở đâu ra? Chắc chắn nó phải có một phần bắt nguồn từ thị trường điện ảnh, vậy máu mủ là đúng rồi.
Cho nên, một nền điện ảnh muốn hoàn chỉnh cần phải biết “thả” tép bắt tôm, phải có nhiều hơn những con tép phim thị trường như Tèo Em, Để Mai tính 2… để kích thích đầu tư, có tích lũy, thì mới hình thành thói quen tài trợ - con tôm. Còn trong giai đoạn hiện tại thì những trường hợp như Đập cánh giữa không trung, Cha và con và... là cách “mượn” tép bắt tôm, bởi chính các con tép này làm các nhà đầu tư trong nước mạnh dạn hơn trong công việc tài trợ, thường chỉ thấy tiền ra.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần