Vài kỷ niệm với Du Tử Lê
(Thethaovanhoa.vn) - Tin nhà thơ Du Tử Lê từ trần ở tuổi 77 tại ở thành phố Garden Grove, California (Mỹ) vào ngày 9/10/2019 loang nhanh trên mạng xã hội, đến với tôi vào giữa cuộc rượu cùng bạn bè ban trưa. Chúng tôi cùng nâng ly để vĩnh biệt người bạn thơ nơi xa xứ.
1. Du Tử Lê tên khai sinh là Lê Cự Phách. Ông sinh ngày 10/11/1942 tại huyện Kim Bảng,tỉnh Hà Nam. Năm 30 tuổi, ông đoạt giải thưởng văn chương ở miền Nam. Sau ngày 30/4/1975, ông sang định cư ở Hoa Kỳ.
Không chỉ là một trong những nhà thơ miền Nam nổi tiếng trước 1975, sang định cư ở Hoa Kỳ, thơ Du Tử Lê tiếp tục cuộc hành trình đi vào thế giới. Thơ ông đã từng được in trên các nhật báo Hoa Kỳ như Los Angeles Times, New York Times v.v… Ông cũng có thơ được chọn dịch và phê bình trong cuốn Understanding Viet Nam của giáo sư Neil L. Jamieson xuất bản bởi liên đại học Hoa Kỳ và Anh quốc năm 1994 như một tài liệu giảng dạy tại nhiều đại học Hoa Kỳ và Âu châu.
Ông là một trong hai nhà thơ Việt Nam có thơ được dịch và phê bình trong cuốn La Rage D’Eetre Vietnamien của tác giả Jean Claude Pomonti ấn hành tại Nhà xuất bản Seuil de Paris từ năm 1975. Ông cũng là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20 có thơ được chọn in trong Tuyển tập thi ca thế giới từ thời thượng cổ đến hiện tại (World Poetry - An Anthology of verse from Antiquity to our Present time) do W.W Norton New York tái bản năm 1998. Thơ ông được chọn dùng để giảng dạy tại một số đại học ở Hoa Kỳ và châu Âu từ năm 1981. Ông đã xuất bản 60 tác phẩm văn học, có hơn 300 bài thơ được phổ nhạc.
Tôi đã đọc thơ Du Tử Lê ngay sau ngày thống nhất. Khác với giọng điệu pha Đường thi trầm tĩnh của Tô Thùy Yên, ngang tàng của Nguyễn Bắc Sơn, thơ Du Tử Lê phảng phất nhiều giọng điệu lãng mạn của Thơ mới hòa trộn với thơ hiện đại. Bài Khúc Thụy Du được Anh Bằng phổ nhạc rất nổi tiếng là một minh chứng điển hình cho thi pháp Du Tử Lê: “Như con chim bói cá/ Tôi lặn sâu trong bùn/ Hoài công tìm ý nghĩa/ Cho cảnh tình hôm nay”.
2. Tôi gặp Du Tử Lê ở Sài Gòn cuối Xuân 2007. Khi ấy Nguyễn Đức Tùng ở Canada về, tổ chức một cuộc gặp gỡ có Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo và tôi với Du Tử Lê. Là bạn thơ nên chúng tôi chia sẻ mọi nỗi niềm một cách vui vẻ, đầy tình cảm hòa hợp… Rồi ông và Nguyễn Đức Tùng cùng tôi và Nguyễn Trọng Tạo ra Hà Nội rong chơi suốt một tuần liền. Luôn thấy ở ông sự gần gũi, cởi mở.
Năm 2014, ông ấn hành tập thơ Giỏ hoa thời mới lớn ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn và ra mắt tại tư gia họa sĩ Lê Thiết Cương tại 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội. Bữa đó, rất nhiều nhà thơ đến chia vui cùng ông. Tôi đảm nhiệm việc giới thiệu thơ ông với mọi người và thấy ông cười tươi như chính thơ ông.
Năm 2017, ông ấn hành tập thơ Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời ở Nhà xuất bản Văn học. Đặc biệt, trường ca Mẹ về biển Đông của ông được ấn hành cũng vào năm 2017. Trường ca được Thanh Thảo đánh giá là một trong những trường ca Việt Nam hay nhất ở đầu thế kỷ 21.
Mùa Thu 2017, tôi và Lê Thiết Cương ghé chơi quận Cam. Lại gặp ông vẫn dáng điệu mảnh khảnh và nụ cười tươi rói ngay cửa quán cà phê ông thường ngồi hàng sáng. Vậy mà hôm nay… cuộc đời đúng là thật vô thường. Vài kỷ niệm được kể ra ở đây, ước mong là một nén nhang thơm tưởng nhớ ông, khi linh hồn ông đã về với biển Đông như ông hằng ao ước.
Trong buổi ra mắt tập thơ Giỏ hoa thời mới lớn tại Gallery 39 (phố Lý Quốc Sư, Hà Nội) hồi năm 2014, ông từng chia sẻ: “Ai cũng đi qua thời mới lớn với những rung động khó quên… Hầu như bất cứ ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần muốn được trở lại, tìm về thời hoa mộng ấy! Tôi muốn đồng hành và giúp bạn đọc tìm lại những câu chuyện, cảm xúc của thời mới lớn-những điều mà tôi tin rằng vẫn luôn ẩn sâu trong tâm thức mỗi người”. |
Nguyễn Thụy Kha