V-League: Vừa dò ý dư luận vừa kỷ luật?
(Thethaovanhoa.vn) - Vòng 14 đã trôi qua được 3 ngày và chỉ còn 1 ngày nữa vòng 15 diễn ra, các án phạt mới được phán quyết. Nhiều người bảo Ban Kỷ luật cũng phải “ngửi” mùi dư luận.
- Ngoại binh Hải Phòng: 'Ban kỷ luật đừng chỉ biết cấm khán giả'
- Trưởng Ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường: 'Không khó khi đưa ra án phạt HAGL'
- Trưởng ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường: 'Không chỉ HLV Petrovic bị phạt'
- HLV Lê Thụy Hải: 'BTC, Ban Kỷ luật cần trung thực về án kỷ luật với Omar'
Vòng 14 bị phủ bóng phần nào bởi vấn đề bạo lực. Trong đó đáng chú ý là hai tình huống hậu vệ Sầm Ngọc Đức vào bóng suýt khiến hậu vệ Trần Anh Hùng của Hải Phòng gãy chân và pha phi người vào đối phương của thủ môn Huỳnh Quốc Cường (Long An). Tính chất bạo lực còn được thể hiện bằng hai chiếc thẻ đỏ khác của trung vệ Marcos Silva (Than Quảng Ninh) và Tấn Điền (S.Khánh Hòa BVN). Tất cả các tình huống đều được mổ xẻ và có thể nhận án phạt nguội.
Những nhức nhối đó cộng thêm áp lực từ công tác tổ chức giải đấu không tốt ở giai đoạn 1 V-League 2017 khiến BTC cũng như Ban Kỷ luật tổ chức cuộc họp kéo dài tới tận 5 tiếng đồng hồ. Đáng nói, cuộc họp để đưa ra án phạt được tổ chức khi vòng đấu đã kết thúc 3 ngày và còn đúng 1 ngày nữa vòng đấu tiếp theo sẽ diễn ra. Việc đưa ra án phạt quá sát ngày thi đấu phần nào khiến các đội bóng cũng như cá nhân thấp thỏm chờ đợi và có thể ảnh hưởng phần nào đến công tác chuẩn bị trận đấu.
Có thể, BTC cũng như Ban Kỷ luật cần phải chờ xem phản ứng dư luận cùng diễn tiến sự việc như mức độ chấn thương của cầu thủ, thái độ của người gây ra phạm lỗi... Cân đo đong đếm phải một hồi lâu với sự kỹ lưỡng để đưa ra án phạt mà BTC, Ban Kỷ luật cho là đúng người đúng tội.
Cuối cùng, sau một thời gian dài chờ đợi, những quyết định được đưa ra rằng: Cấm CĐV Hải Phòng đến sân đối phương đến hết V-League 2017 vì hành động đốt pháo sáng và ném pháo xuống đường piste sân Mỹ Đình trong trận Hà Nội gặp Hải Phòng; phạt BTC trận đấu Hà Nội - Hải Phòng 50 triệu đồng vì không làm tốt công tác an ninh; cấm thi đấu 8 trận, nộp phạt 30 triệu đồng với Sầm Ngọc Đức với pha vào bóng nguy hiểm vào hậu vệ Anh Hùng (Hải Phòng); cấm thi đấu 3 trận, nộp phạt 15 triệu đồng thủ môn Huỳnh Quốc Cường (Long An) vì pha phạm lỗi nguy hiểm với Da Sylva (TPHCM). Nhìn chung, án như thế là chấp nhận được về mức độ.
Cấm CĐV Hải Phòng như thế nào?
Với hành vi gây mất an ninh, an toàn trong trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng, cổ động viên Hải Phòng bị cấm vào sân các đội khách đến hết V-League 2017. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để BTC cấm các cổ động viên Hải Phòng?
Cần phải rạch ròi. Đó là các cổ động viên chính thức thuộc Hội CĐV Hải Phòng hay là những cổ động viên người Hải Phòng và những cổ động viên các địa phương khác nhưng hâm mộ đội bóng Hải Phòng.
Bên cạnh đó, làm cách nào để BTC có thể cấm các CĐV Hải Phòng đến sân khách? Dù họ không mặc áo Hội CĐV Hải Phòng nhưng mặc áo đội bóng khác hay mặc áo thường để cổ vũ thì BTC sẽ xử lý như thế nào? Muôn vàn bài toán đặt ra cho án phạt này dành đến BTC.
Phạt, phạt nữa, phạt mãi… nhưng, vẫn đâu lại vào đấy. Ông Nguyễn Hải Hường mong Ban Kỷ luật của ông thất nghiệp, có mà mơ!
“Bạo lực sân cỏ, pháo sáng là những điểm xấu xí ở vòng 14” “Vòng đấu đã qua xuất hiện nhiều những hình ảnh không đẹp mắt. Bạo lực sân cỏ và pháo sáng của CĐV Hải Phòng là những vấn đề nổi cộm và thực sự là tôi không biết khi nào thì những điều trên mới không tái diễn ở V-League. Tôi hy vọng BTC sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để hạn chế những hành vi trên. Đồng thời các đội bóng, cầu thủ lẫn CĐV nên hành xử fair-play để sự hấp dẫn, đẹp mắt của các trận đấu được nâng cao hơn nữa”. |
Diễm Quỳnh
Thể thao & Văn hóa