V League vẫn còn sức hút?
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi vòng 9 Night Wolf V-League khép lại cuối tuần trước, website của Công ty VPF đã “reo vui” khi đánh giá về số lượng khán giả đến sân xem các trận đấu đạt mức gần 7.000 người/trận. Tuy nhiên, con số này không phản ánh được tất cả.
Những con số biết nói
Sự trở lại của HA.GL với 4 chiến thắng liên tiếp giống như một cơn mưa mát tưới lên cánh đồng khô hạn ngôi sao của V-League. Đội bóng có lượng fan lớn nhất nhì Việt Nam này quay trở lại với đường đua vô địch và ngay lập tức sân Pleiku từ chỗ chỉ 6.000 khán giả ở trận trước đã vọt lên 10.000 người, dù đội nhà chỉ phải gặp một Thanh Hóa không quá mạnh.
Bằng phong độ này, các trận đấu có thầy trò Kiatisuk thi đấu sắp đến sẽ còn hút CĐV nhiều hơn dù đá sân nhà hay sân khách. Nhưng hành động đốt pháo sáng của CĐV Hải Phòng trên sân Vinh lại như một gáo nước lạnh. Sân nhà vừa bị cấm cửa không khán giả, thì họ lại kéo đi sân khách để đốt.
Điều này cho thấy, dù mức phạt có nặng đến đâu thì dường như cũng chưa đủ để tác động đến ý thức của một bộ phận các CĐV Hải Phòng, thậm chí, hành động tái diễn đó chẳng khác gì sự thách thức công khai của CĐV Hải Phòng.
Dù đây có thể chỉ là một bộ phận nhỏ, mang tính cá biệt của cộng đồng người hâm mộ thành phố Hoa phượng đỏ, nhưng câu hỏi đặt ra là lãnh đạo của CLB Hải Phòng ở đâu, các CĐV chân chính ở đâu mà để cho một hành động gây tổn hại đến chính CLB của mình lại cứ diễn ra một cách đều đặn như vậy?
Bóng đá Việt Nam đã rất vất vả, chịu nhiều tổn thất, mới có lại được bầu không khí tương đối lành mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, có cảm giác sức hút của V-League đến từ thành công mà đội tuyển Việt Nam mang lại hơn là do sự hấp dẫn mà giải đấu này tạo ra.
Theo báo cáo của BTC V-League thì lượng khán giả bình quân sau 9 vòng đấu mùa 2022 đạt gần 7.000 người/trận, con số này không có khác biệt nhiều so với 3 mùa giải gần nhất, dù đây là thời điểm “đói” bóng đá.
Trận “chung kết ngược” trên sân Thống Nhất giữa Sài Gòn FC và Nam Định chỉ có hơn 2.000 người đến sân. Đáng buồn hơn, chủ yếu khán giả thuộc về đội khách, cũng có thể hiểu là người hâm mộ Sài Gòn chẳng mấy quan tâm đến số phận đội bóng được cho là đại diện cho họ dù tính đến nay, Sài Gòn FC đã có 6 năm “nhập hộ khẩu” tại thành phố phương Nam.
Ngược ra miền Trung, trận “derby” từng một thời được xem là lớn nhất nhì Việt Nam giữa Bình Định và Đà Nẵng chỉ có 7.000 người đến sân. Khán đài Quy Nhơn trống đến hơn nửa, một hình ảnh không thể nói là đáng mừng với những ai từng xem trận đấu này cách đây 2 thập niên.
Điều đáng nói là Bình Định năm nay được xem là ứng cử viên vô địch, đội hình có nhiều “sao số” với ít nhất 7 tuyển thủ quốc gia nên không thể nói là kém sức hút, nhưng sự thật là còn lâu mới thấy được bầu không khí “derby miền Trung” ngày nào.
Đi tìm biểu tượng mới cho V-League
Siêu phẩm của Phan Văn Đức vào lưới Hải Phòng trong trận cầu có đến 10.000 khán giả đến sân Vinh là một khoảnh khắc đáng ngưỡng mộ. Không có nhiều cầu thủ tại V-League hiện nay giữ được nét thanh tú hào hoa trong lối chơi của mình như Đức “cọt”. Vấn đề là anh chàng này đã … có vợ và 2 con, không thể là ngôi sao truyền thông để những nhà tổ chức giải có thể dùng để lăng-xê cho V-League. Tất nhiên là với người hâm mộ Nghệ An, Phan Văn Đức là biểu tượng từ lâu rồi, có nổi tiếng trên mạng xã hội hay không đâu có gì quan trọng.
Và trong bối cảnh mà Hà Nội FC vẫn đang thở bằng tinh thần không từ bỏ của chiến binh kỳ cựu Văn Quyết sau khi Quang Hải ra đi, thì sức sống của V-League một lần nữa phải nhờ cậy vào HA.GL. Sức hút của đội bóng phố Núi cho đến bây giờ vẫn là lớn nhất nếu tính theo lượng người theo dõi toàn quốc.
Vấn đề là họ đã làm điều đó từ năm 2015 đến nay, rồi thì “những đứa trẻ bầu Đức” cũng sẽ … già đi và không còn sức hút. Thực tế là ngay ở HA.GL, cũng chưa có giải pháp nào thay thế cho Tuấn Anh, Công Phượng hay Văn Toàn …
Dù những nhà tổ chức V-League, cụ thể là Công ty VPF, đã có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh cho V-League, nhưng cho đến thời điểm này, ngoài các thông tin mà ai cũng biết về lượng khán giả đến sân, thì chưa từng có một báo cáo chi tiết nào về tỷ suất người xem các trận đấu V-League qua truyền hình hay xa hơn, là số viewer xem “lậu” trên các website và mạng xã hội.
Chính vì thế mà không thể biết số khán giả đến sân Quy Nhơn trong trận derby miền Trung là ít hay nhiều, đáng vui hay đáng lo. Nếu không thể có những số liệu người xem một cách đầy đủ thì thật khó đánh giá được sự hiệu quả đầu tư cũng như đo lường về mức độ phổ biến mà bản thân V-League tạo ra.
Như trường hợp của Sài Gòn FC. Cách đây 3 năm, sau khi có ông chủ mới, đội bóng này hoạt động rầm rộ về mặt truyền thông, nhất là trên mạng xã hội. Họ tạo dựng nhiều hình ảnh mới mẻ, thậm chí còn gây sốc khi sa thải gần hết đội hình dù về đích vị trí thứ 3 ở mùa 2020. Chẳng biết mục tiêu của các ông chủ đội này là gì, nhưng sự thật là chẳng có bao nhiêu CĐV thực sự quan tâm đến sự tồn tại của Sài Gòn FC tại trận chung kết ngược với Nam Định.
Sẽ không thể có một V-League đầy sức sống nếu như Hà Nội vẫn là ứng viên vô địch số 1 dù thiếu Quang Hải, trong khi HA.GL lại “vô địch trong lòng người hâm mộ”, còn cuộc đua trụ hạng ngã ngũ quá sớm.
Nói cách khác, giải đấu số 1 Việt Nam vẫn đang “sống” bằng công thức cũ, với những cái tên cũ cũng như hiệu ứng từ đội tuyển quốc gia. V-League đang mất dần những ngôi sao lớn và chưa tìm được sự thay thế tương xứng.
Long Khang