V-League và 'phim' hay ở đoạn kết
ĐKVĐ Hà Nội FC bất ngờ để thua SLNA 0-1 trên sân nhà Hàng Đẫy, thì gần như cùng lúc, CAHN cũng trắng tay rời Hoà Xuân của SHB Đà Nẵng. Trùng lặp ở chỗ, cả 2 bàn thua đều diễn ra ở phút 62?!
Trong đó, toàn bộ hàng phòng ngự của đội chủ sân Hàng Đẫy như đứng xem bóng đá, để Xuân Tiến đi bóng như chỗ không người trong khu vực cấm địa, trước khi dứt điểm góc hẹp, hạ gục thủ môn Tấn Trường. Còn CAHN, như nhận định của tân HLV trưởng SHB Đà Nẵng, đội hình dự bị thua xa về đẳng cấp so với đội hình chính.
Thực ra, khi V-League trở lại sau SEA Games 32, khoảng thời gian giải đấu tạm nghỉ nhường sân cho U23 và bắt đầu trở lại từ vòng 8, Thể thao & Văn hoá đã nhận định, nhóm 8 đội dẫn đầu sẽ bảo toàn được lực lượng, quân số và không có sự xáo trộn nào cả, khi lượt đi khép lại.
Vào thời điểm đó (giai đoạn sau kỳ nghỉ SEA Games 32 và trước FIFA Days), cả 4 cựu vương là HAGL, SLNA, B.Bình Dương và SHB Đà Nẵng đều nằm ở tốp dưới (nhóm 6 đội). Đương nhiên số này bao gồm cả Khánh Hoà và CLB TP.HCM. Các đội bóng này đểu đã bị bào mòn cả về tài lực lẫn nhân lực.
Nhiều người đã bất ngờ khi Hà Tĩnh chen chân được vào tốp trên, thậm chí có thời điểm leo lên vị trí thứ 4. Cùng với đó là Thanh Hoá. Nhưng, những ai theo dõi 2 đội bóng này thi đấu ở nửa đầu mùa giải năm nay, hoàn toàn không có chút ngỡ ngàng nào. Họ xứng đáng. Trong đó, Thanh Hoá đã có những trận đấu rất hay.
Điểm số tích lũy sau giai đoạn 1 sẽ tiếp tục được cộng dồn ở lượt về, với 7 vòng đấu cho tốp đẩu và 5 lượt trận ở tốp 2. Với 18 điểm và với thực lực của mình, Hà Tĩnh khó thể cạnh tranh chức vô địch với CAHN hay Hà Nội FC. Tương tự là 7 điểm của CLB TP.HCM so với 16 điểm của SLNA.
Chức vô địch mùa năm nay gần như là chuyện riêng của sân Hàng Đẫy, như đã thông tin ở số báo trước, với CAHN, Hà Nội FC và Viettel. Thanh Hoá đang có cơ hội tốt, nhưng cũng như các mùa giải họ thăng hoa cách đây 5-7 năm đổ về trước, người ta chưa nhìn thấy hình bóng quân vương ở đội bóng này.
Sự xuất hiện của CAHN với cả dải ngân hà ở mùa giải năm nay, rõ ràng chưa đủ để làm đòn bẩy, khiến giải đấu trở nên hấp dẫn hơn hay giàu tính cạnh tranh hơn.
Việc nghỉ ngắt quãng quá nhiều và quá dài, rồi thi đấu dồn toa, khiến cho phong độ của cầu thủ và đội bóng khó đảm bảo, đấy là nguyên nhân cơ bản.
Tính liên tục trong bóng đá là rất quan trọng. Tài chính chỉ thực sự tập trung vào một nhóm các CLB có tiềm lực và tham vọng, chúng ta chưa có một chế tài về chuyển nhượng, hay cao hơn là luật cân bằng tài chính, nên đèn nhà ai nấy sáng là dễ hiểu.
Một giải đấu mới chưa đi qua 1/3 chặng đường mà đã không khó để nhận định đội nào sẽ tranh vô địch, CLB nào nhiều khả năng xuống hạng (chỉ một suất xuống hạng), thì khó thể nói là hấp dẫn. Xét lịch thi đấu phần còn lại của mùa giải, nếu có sự thay đổi về thứ hạng ở tốp đầu, chính là Hà Nội FC và Thanh Hoá đổi vị trí cho nhau.
Phim hay chờ đoạn kết, chờ tấm màn nhung khép lại. Vẫn có câu, cạn đìa mới biết lóc trê đấy thôi.