V-League và chuyện hữu xạ tự nhiên hương
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 20 năm trước, Malaysia từng phải làm lại từ đầu sau scandal dàn xếp tỷ số kéo dài trong nhiều mùa giải. Năm 2007, Thai League cũng đã được thay bằng Thai Premier League, như một cuộc cách mạng. Ở Indonesia, từng tồn tại 2 giải vô địch quốc gia song song nhau. Trong khi đó, S-League lẽ ra cần phải thay đổi từ rất lâu rồi...
Trong số hệ thống các giải vô địch quốc gia thuộc Đông Nam Á, V-League bị xem là sinh sau đẻ muộn. Cũng dễ hiểu, bởi từ SEA Games 1991, bóng đá Việt Nam mới hội nhập trở lại. Và cả thập niên 90 của thế kỷ trước, nền bóng đá vẫn còn trong kỳ bao cấp.
V-League ra đời đầu thế kỷ 21, bằng với bóng đá doanh nghiệp kết hợp nhà nước, địa phương, như một đòi hỏi tất yếu của lịch sử. Chúng ta tiến thêm một bước nữa, với yêu cầu chuẩn hoá chuyên nghiệp của AFC, bằng việc thành lập các công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp và hiện đại hoá hạ tầng phục vụ thi đấu. Nhưng hơn 10 năm sau các chương trình phổ cập, không phải tất cả các CLB Việt Nam đều đã chuyên nghiệp.
VIDEO: Preview vòng 2 V-League 2019: Than Quảng Ninh - SLNA: 3 điểm ở lại đất Mỏ
Trở lại với tiến trình chuẩn chuyên nghiệp hoá của V-League và các giải bóng đá vô địch quốc gia trong khu vực. Sự thật là, chúng ta đã bị Thai Premier League bỏ lại. Nhưng so với các giải đấu còn lại của khu vực, V-League không phải không có những điểm ưu, ngoài một số hạt sạn.
Chúng ta có các cầu thủ chất lượng và đương nhiên, có cả những CLB chất lượng. Năm 2009, B.Bình Dương từng vào đến bán kết AFC Cup, kỷ lục mà có lẽ chỉ BEC Tero Sasana của Thái Lan mới sánh kịp. Nhưng ngay cả BEC Tero giờ cũng phải liên doanh - kết hợp để tồn tại. Đây là đội bóng cũ của hàng loạt những thương hiệu lớn của bóng đá Thái Lan, trong đó có “Messi J” Chanathip Songkrasin.
V-League cũng từng là thị trường lớn nhất khu vực về thu hút và chuyển nhượng, từng là bến đậu của những ngôi sao bóng đá lớn nhất Thái Lan trong cả thập niên. Và ngay lúc này, bất kể các suất đăng ký ngoại binh bị giới hạn, thì không phải giải đấu cao nhất Việt Nam đã mất đi những cầu thủ người nước ngoài chất lượng.
Nhập và xuất phải cân bằng, để hướng đến một nền bóng đá tự cường. Thẳng thắn mà nói, nền bóng đá Việt Nam chưa và có lẽ còn rất lâu nữa mới đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ. Trong khi chúng ta gần như đã nhập siêu ngay từ mùa V-League đầu tiên năm 2001. Và ngay lúc này, các ngoại binh và cầu thủ nhập tịch (dù đã hết thời) vẫn quyết định sự thành bại của CLB. Nó cho thấy, vai trò của cầu thủ nội vẫn còn tương đối yếu.
Biết mình yếu ở khâu nào, tức là còn có thể sửa và tiến bộ. V-League 2019, kỳ vọng những sạn trong khâu điều hành, từ tổ chức đến công tác trọng tài, sẽ được giảm thiểu tối đa. Và cả khung xử lý kỷ luật, cũng như khủng hoảng nữa. Còn về mặt tuyên truyền, hữu xạ tự nhiên hương thôi.
Tùy Phong