V-League nhìn từ Thai League
(Thethaovanhoa.vn) - Không biết từ bao giờ Việt Nam và Thái Lan được coi là kỳ phùng, địch thủ, so kè nhau trên rất nhiều mặt trận ở cả cấp độ đội tuyển quốc gia lẫn giá trị, thương hiệu của giải đấu quốc nội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mức độ ảnh hưởng, nỗ lực vượt khó của V-League cũng như Thai League là khác nhau nhưng có không ít điều mà những người làm bóng đá Việt phải học hỏi.
Trong khi Thai League phải tạm dừng suốt từ tháng 3 và chỉ thi đấu trở lại từ ngày 12/9 tới thì bóng đá Việt Nam có quyền tự hào và hãnh diện với bạn bè quốc tế khi vẫn tổ chức được giải đấu trong mùa dịch.
Thậm chí, những khán đài chật kín với hàng chục nghìn khán giả của V-League là niềm mơ ước với các quốc gia trên thế giới, tất nhiên trong đó có Thái Lan. Đành rằng, V-League lần thứ 2 trong mùa giải 2020 phải tạm dừng cùng với tất cả các giải đấu khác của bóng đá Việt Nam, kéo theo rất nhiều hệ lụy từ chuyên môn lẫn khía cạnh tài chính nhưng đây là kịch bản không ai mong muốn.
Các đội bóng nản một thì Ban điều hành giải, nhà tổ chức giải còn khó gấp 3, 4 lần vì nếu giải đấu V-League cứ trì hoãn mãi, thậm chí dẫn đến kịch bản xấu là phải hủy luôn. Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội chứ không riêng gì bóng đá nhưng suy cho cùng, không có gì là mãi mãi, bóng đá cũng phải chấp nhận thực tế, thích nghi với hoàn cảnh để tìm ra phương án hợp lý, ít thiệt hại nhất cả về kinh tế lẫn chất lượng chuyên môn.
Trong thời điểm này, việc Ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đưa ra 2 phương án để thăm dò ý kiến các CLB trước khi tiếp tục tổ chức trở lại các trận đấu bóng đá trong tháng 9 tới là lựa chọn phù hợp. Đành rằng việc V-League kéo dài khiến quá nhiều hệ lụy phát sinh mà việc quỹ lương, chi phí hoạt động phình to ra như những gì Thanh Hóa, Quảng Nam hay Nam Định và hầu hết các CLB khác đề cập chỉ là một phần. Nhưng dù có như thế đi chăng nữa thì cũng không nên 5 lần, 7 lượt xin không tham gia giải hay muốn VFF hỗ trợ kinh phí.
Câu chuyện Quảng Nam muốn VPF hỗ trợ đội bóng 5 tỷ đồng khi mùa giải kéo dài vì dịch Covid-19 đã bị Chủ tịch Nguyễn Húp khẳng định đó là thông tin sai sự thật và bị truyền thông làm quá. Ông Húp thậm chí còn cho rằng việc báo chí đưa tin ông thay mặt CLB Quảng Nam muốn VPF hỗ trợ tiền vì mùa giải kéo dài là thông tin sai sự thật.
Thực tế như thế nào thì chỉ ông Nguyễn Húp, Chủ tịch CLB Quảng Nam và lãnh đạo VPF biết, nhưng cách tính toán về chi phí hoạt động của đội bóng phình ra và điểm bất hợp lý khi mùa giải 2020 kéo dài, còn mùa giải 2021 bắt đầu ngay từ tháng 1 cũng đáng để suy ngẫm.
Chúng ta thông cảm cho những khó khăn của các CLB như Quảng Nam, nhưng cũng phải hiểu cho cái khó của Ban điều hành giải và hệ quả sâu xa của việc V-League hủy sẽ như thế nào, tác động ra sao đến đội tuyển quốc gia và cả nền bóng đá chứ không đơn thuần chỉ là con số 2,5 tỷ hay 5 tỷ đồng thiệt hại.
Từ cái khó của Quảng Nam và các đội bóng khác ở V-League, nhìn sang Thai League ở quốc gia láng giềng Thái Lan mới thấy, nỗ lực vượt khó đáng kinh ngạc. Dịch Covid-19 khiến Thai League ngưng trệ tới hơn 6 tháng, bản quyền truyền hình, nguồn thu chính cho các CLB giờ cũng bị cắt giảm đáng kể khi giải đấu không diễn ra như kế hoạch ban đầu.
Lãnh đạo LĐBĐ Thái Lan (FAT) thậm chí đã không ngần ngại lên tiếng sẽ đi vay của FIFA, AFC, xin hỗ trợ từ các nhà tài trợ để tiếp tục tổ chức giải đấu cũng như hỗ trợ một phần nào đó kinh phí cho các CLB. Ngay đến việc điều chỉnh lịch thi đấu từ tháng 9/2020 đến tháng 5/2021 cho đồng bộ với các giải đấu ở châu Âu cũng là biện pháp mà nhà tổ chức Thai League đưa ra trong mùa dịch.
Bao khó khăn, trở ngại, những điều chưa từng có trong tiền lệ đã xảy ra nhưng các CLB ở Thai League 1 vẫn kiên trì đồng hành với Ban tổ chức. Vậy còn ở V-League thì sao, mỗi chúng ta đều tự có cho mình câu trả lời.
Lâm Chi