V-League 'không có quà' cho bóng đá TP.HCM
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu ví V-League 2018 như một lớp học thì có thể hai đại diện bóng đá Sài thành lúc này gồm Sài Gòn và TP.HCM đang là những... học sinh cá biệt! Thành tích kém đã đành, họ còn khiến những “phụ huynh” ở đây là CĐV địa phương rầu lòng vì những phiền nhiễu đi kèm, bất chấp những tiềm năng lớn.
- HLV Miura phủ nhận có 'virus World Cup' ở CLB TP.HCM
- Olympic Việt Nam chốt ngày tập trung, vua phá lưới AFC Cup 2009 đầu quân CLB TP.HCM
- Đại hội VFF có thể hoãn, Chủ tịch Hữu Thắng bức xúc vì án phạt của CLB TP.HCM
Nếu CLB TP.HCM không phát đi công văn “ngỏ ý” dừng cuộc chơi bất ngờ cách đây không lâu, có lẽ người ta cũng không biết đích xác số tiền khoảng 150 tỷ đồng mà lãnh đạo đội bóng đã bỏ ra đầu tư suốt 2 năm qua. Trong hoàn cảnh cả V-League thắt lưng buộc bụng, đến cả những “đại gia” như B.Bình Dương hay Hà Nội cũng tương tự, TP.HCM dám bỏ tiền “khủng” cho bóng đá như thế quả là chuyện khó tin nhưng có thật.
Sau sự ra đi của Công Vinh, CLB TP.HCM vẫn không thể hiện sự “đổi vận” nào dù ngồi ghế nóng bây giờ là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng, nguyên HLV trưởng các ĐTQG. Thậm chí nhiều người còn nói vui, “song tấu” HLV trưởng ĐTQG từ Miura đến Hữu Thắng đang tái hiện lại tình cảnh ê chề ở CLB như khi họ làm việc ở cấp độ cao nhất của bóng đá nước nhà.
10 trận không biết thắng, TP.HCM từ mục tiêu Top 3 xuống thẳng một mạch đến vị trí áp chót. Đội của HLV Miura chưa biết làm cách nào thoát khỏi cơn túng quẫn, dù ông thầy người Nhật Bản luôn khẳng định trước sau như một chuyện không từ chức và CLB tự tin trụ hạng nếu… đủ người. Với những ai hiểu chuyện, có thể họ sẽ dễ dàng nhận ra vấn đề với tập thể này. HLV Miura dù không được việc, nhưng để buộc ông thầy người Nhật ra đi, CLB TP.HCM có thể sẽ phải chi một số tiền khủng đền bù hợp đồng. “Bút sa gà chết”, không ai muốn thừa nhận thất bại thuộc về mình. Có lý do để cho rằng mối tình giữa đôi bên lúc này chỉ là gắng gượng và cam chịu.
Đối diện với nguy cơ xuống hạng bất chấp số tiền đầu tư khổng lồ, TP.HCM tự gắn cho mình theo trào lưu “sống ảo”. Có điều gì trùng hợp sau 2 năm lên chuyên trở lại với tập thể này (?). Tất cả đều gắn liền với những hào nhoáng sau hậu trường mà quên đi điều cần thiết nhất mà bóng đá cần mang lại: Thành tích.
Đội bóng được người trong cuộc ví như “con ruột” của bóng đá Sài thành đang làm thất vọng vô số “phụ huynh” CĐV địa phương từng mong chờ sẽ tái hiện ánh hào quang bóng đá Sài Gòn xưa. Sân Thống Nhất ngày càng vắng lặng theo tiếng thở dài sau chục trận đấu gần đây của HLV Miura. Điều này không khác nhiều so với thời điểm bóng đá Sài Gòn là vùng trắng trên bản đồ V-League vài năm trước.
CĐV Sài thành tặc lưỡi với đội bóng của HLV Miura, cũng không ít buồn lòng với CLB bị xem là “con nuôi” đang được dẫn dắt bởi HLV trẻ tuổi Phan Văn Tài Em. Từ đội bóng cán đích mùa trước trong Top 5, đội bóng này “chảy máu chất xám” nghiêm trọng đầu mùa giải. Ảnh hưởng của nó lớn đến nỗi phần lớn mùa giải năm nay, Sài Gòn lận đận mãi không thể thoát khỏi Top 3 từ dưới lên.
Cơn bĩ cực với đội bóng này chưa qua khi nhiều trận đấu gần đây, họ liên tục “kêu thấu trời” với công tác trọng tài. Ngặt nỗi khi V-League trùng với World Cup, mấy ai buồn lắng nghe, chưa nói chuyện phân xử thiệt hơn cho đội bóng này.
V-League vẫn cứ lăn và bóng đá Sài thành vẫn cứ sống với những hoài niệm trong quá khứ. Như thế có lẽ cũng tốt hơn hiện tại đầy rẫy những đòi hỏi, than vãn, trách cứ lẫn nhau.
Sài thành là xứ phồn hoa đô hội, mảnh đất “hái ra tiền” của giới văn nghệ sĩ. Và có lẽ vì thế mà bóng đá Sài thành cũng phảng phất bóng dáng “showbiz”, tiếc rằng chỉ mang hơi hướng tiêu cực. Khi số trận nhiều hơn số điểm (cùng 13 điểm/15 trận), người dân Sài thành đang mường tượng kịch bản cười ra nước mắt nếu V-League 2018 chứng kiến 1,5 vé “thăng hạng Nhất” giành cho cả 2 đại biểu địa phương mình.
Việt Hà